“Tôi mắc bệnh, tôi giải nghệ”
Ngày 7/11/1991 trở thành một dấu mốc đặc biệt trong cuộc chiến chống HIV/AIDS của loài người. Earvin “Magic” Johnson, một trong những cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất của NBA đột ngột thông báo giải nghệ ở tuổi 32. Năm đó, Johnson thẳng thừng nói lý do không phải vì tuổi tác hay sa sút phong độ. “Tôi bị chẩn đoán dương tính với HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS”, Johnson công khai mọi chuyện.
Căn bệnh thế kỷ được phát hiện tròn một thập niên trước ngày Johnson lên tiếng. Từ triệu chứng của 5 trường hợp được phát hiện ở Mỹ vào ngày 5/6/1981, các bác sĩ chỉ nghĩ đây là bệnh cảm cúm thông thường. Ai cũng bình chân như vại cho đến lúc Mỹ xác nhận hơn 4 ngàn người chết vì AIDS trong 3 năm tiếp theo. Người Mỹ sợ HIV còn hơn cả Covid-19 bây giờ vì thiếu thông tin về nó
Chẳng ai biết cơ chế lây lan hay mối nguy hiểm từ virus thế kỷ. Ban đầu, công chúng nghĩ căn bệnh này chỉ có ở những người đồng tính cho đến lúc một cậu bé được chẩn đoán dương tính do bị truyền máu từ người bị nhiễm. Đau đầu hơn cả là HIV/AIDS không có thuốc chữa hay vaccine phòng ngừa. Người thường sợ, người mắc còn sợ hơn vì họ không dám thừa nhận mình mắc bệnh. Chẳng ai muốn bị xa lánh ghẻ lạnh.
Johnson hoàn toàn có thể chọn quyền im lặng để tiếp tục sự nghiệp bóng rổ huy hoàng của mình. Dù vậy, trái ngược với khá nhiều người nổi tiếng giấu tiệt căn bệnh thế kỷ, ông lại lên tiếng vì trách nhiệm với công chúng. Biết mình gần như cầm chắc án tử hình cả về mặt sức khỏe lẫn truyền thông, nhưng Johnson vẫn bình thản đến khó hiểu. Dường như, ông đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất xảy ra.
Phản ứng ban đầu của đám đông dĩ nhiên là phẫn nộ. Quan niệm “HIV chỉ lây giữa những người đồng tính” khiến mọi ông bố bà mẹ trên toàn nước Mỹ giận dữ. Tại sao một cầu thủ nổi tiếng, một người chồng, người cha lại có thể lừa dối gia đình mình? Johnson là kẻ đồng tính ư? Mắc bệnh này thì anh ta còn sống được bao lâu nữa? Johnson lây từ ai, lây như thế nào? Những ngày cuối đời của một cầu thủ bóng rổ sẽ ra sao? Tất cả những câu hỏi ấy bủa vây Johnson.
Có nhân, có quả
Trước ngày công bố tình trạng sức khỏe của mình, Johnson chưa bao giờ ngần ngại nói về cuộc sống của một dân chơi sau những trận cầu đỉnh cao. Ông không nhớ nổi mình đã quan hệ với bao nhiêu phụ nữ trước kia, cũng không bất ngờ nếu ngày nào đó có một người dắt theo đứa trẻ đến nhà và nói: “Đây là con anh, hãy chịu trách nhiệm chăm sóc nó”. Một trong những lần thác loạn như thế có thể là nguyên nhân khiên Johnson lây HIV.
Thay vì trốn tránh sai lầm trong quá khứ, Johnson chọn cách làm lại cuộc đời để khắc phục chúng. Công khai bệnh tật là bước đầu tiên đi trên con đường đầy chông gai đó. Ông nói rằng mọi người có quyền ghét bỏ nhưng xin đừng kỳ thị. Nếu họ không kỳ thị Johnson, anh cũng mong rằng họ sẽ không kỳ thị những bệnh nhân HIV khác. Virus này rất nguy hiểm nhưng chỉ lây qua một vài phương thức tiếp xúc nhất định. Chẳng bao giờ có chuyện bắt tay hay nói chuyện với người nhiễm HIV lại lây bệnh cả.
Bên cạnh lời nói, Johnson còn hành động không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Ông trở lại thi đấu trong màu áo Los Angeles Lakers vào năm 1996 để chứng minh người mang bệnh HIV cũng có thể sinh hoạt cộng đồng như những người bình thường khác. Nhìn vào tấm gương của Johnson, nhiều người đã dũng cảm hơn trong việc công khai mình mắc HIV. Số người nhiễm căn bệnh thế kỷ tại Mỹ nhờ đó cũng bắt đầu giảm mạnh.
Johnson lập công chuộc tội và cuối cùng đã hưởng trái ngọt vì điều đó. Thông thường một bệnh nhân nhiễm HIV sẽ chuyển sang AIDS trong vòng 10 năm và qua đời trong 3 năm tiếp theo, nhưng Johnson cuối cùng vẫn sống khỏe suốt ba thập niên qua. Ông vẫn đi khắp nơi trên thế giới để động viên những người mắc HIV và kêu gọi cộng đồng dang tay đón nhận họ, như cách mọi người từng đón nhận mình trước đó.
Không sợ chơi bóng trên sân trống Ngày sinh: 14/8/1959 tại Michigan, Mỹ |
XEM THÊM
Việt Nam, ông lớn mới nổi của làng eSports