Môn thể thao giàu thứ 2 thế giới
Theo thống kê của trang Rulesofsport, trong 10 môn thể thao giàu có nhất thế giới, bóng chày đang xếp ở vị trí số 2 và còn được dự đoán sẽ vươn lên ngôi số 1 trong tương lai. Thống kê cho thấy, mức lương trung bình của làng bóng chày lên tới 3,82 triệu USD/năm.
Để có mốc so sánh thì mức lương trung bình ở Premier League chỉ là 1,6 triệu USD/năm. Môn thể thao duy nhất giàu có hơn bóng chày là bóng rổ, với mức lương trung bình năm lên tới con số 4,9 triệu USD. Cầu thủ Alex Rodriguez của đội bóng chày Texas Rangers đã kiếm tới… 33 triệu USD trong năm 2019. Trong khi đó, giá trị thương hiệu của đội bóng chày New York Yankees lên tới 4,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, có đi sâu vào làng bóng chày mới thấy sự thịnh vượng được đăng lên mặt báo không dành cho tất cả. Ở đâu đó trong làng bóng chày Mỹ, nhiều cầu thủ đang nói đùa với nhau rằng, họ có thể “chết đói trước khi chết vì dịch bệnh”. Đó là một thực tế phũ phàng mà nếu không có Covid-19, rất ít người biết tới sự thật này.
Sự giàu có của làng bóng chày Mỹ chỉ tập trung vào những cầu thủ lớn đang chơi tại giải MLB (giải bóng chày cao nhất nước Mỹ). Tuy nhiên, ở những giải đấu thấp hơn, như MiLB chẳng hạn, có những cầu thủ đang phải chật vật với mức phụ cấp chỉ vỏn vẹn… 10 USD/ngày trong thời điểm không thi đấu.
Còn khi các sân đấu sáng đèn, mức lương của họ cũng chỉ ở ngưỡng từ 1.200 USD – 2.400 USD/tháng, thấp hơn mức thu nhập bình quân của người Mỹ. John O’Reilly của đội bóng chày Rutgers là một ví dụ. Sau khi giải MiLB phải đóng cửa, O’Reilly không đủ kinh tế để trụ lại thành phố. Anh phải xách hành lý về ở nhờ nhà bố mẹ tại New Jersey.
Những cầu thủ không đủ tiền thuê nhà
Hàng ngày để duy trì kỹ năng ném bóng, John O’Reilly phải tập luyện một mình ở các bãi đất trống. Anh không đủ tiền để tới phòng gym, cũng không có đồng đội nào để cùng tập luyện. Mới đây, John nhận tin sét đánh: Đội bóng chày anh phục vụ sẽ không trả lương trong thời gian nghỉ thi đấu.
Mitch Horacek của đội Minnesota Twins cũng chia sẻ nỗi khó khăn về kinh tế. Sau khi dịch bùng phát ở Mỹ, Mitch Horacek quyết định ở lại Florida cùng bạn gái, thay vì về vùng quê lạnh giá Colorado. Song mọi chuyện ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Mitch tính nếu giải đấu không quay lại trong 3 tháng tới, anh sẽ không đủ khả năng trả tiền thuê nhà.
Trong khi Alex Rodriguez hưởng mức lương 33 triệu USD trong năm 2019, thì Mitch chỉ bỏ túi vỏn vẹn 8.000 USD tiền lương trong năm 2019. Chênh lệch về thu nhập giữa những sao hạng A và những đồng nghiệp hạng dưới trong làng bóng chày Mỹ là không thể tưởng tượng nổi.
Để tránh rơi vào tình trạng như Mitch Horacek, nhiều cầu thủ bóng chày chỉ dám ký hợp đồng thuê nhà ngắn hạn. Một cầu thủ có tên Ty Kelly tâm sự: “Tôi chỉ dám ký hợp đồng thuê nhà 5 tháng, sau đó tùy vào tình hình kinh tế để ký tiếp 5 tháng. Nhiều cầu thủ khác cũng giống tôi. Họ không có nhà riêng mà phải ở nhà thuê. Nó khác biệt hoàn toàn với tưởng tượng của NHM, khi nhìn vào sự giàu có của các ngôi sao hạng A trong làng bóng chày Mỹ”.
Điều này đã được đề cập trong nhiều năm qua. Các thành viên Liên đoàn trăn trở với mức thu nhập còm cõi của cầu thủ MiLB đã từng đề xuất ý kiến về một khoản tài trợ kinh tế dành cho các đội hạng dưới. Tuy nhiên, nỗ lực đó chỉ mang về khoản phụ cấp 400 USD/tuần cho các đội bóng chày nhỏ trong mùa Xuân này.
Nếu Covid-19 còn kéo dài, sẽ có rất nhiều cầu thủ bóng chày phải tính tới việc kiếm một nghề tay trái nào đó để duy trì cuộc sống, chờ đến khi các sân đấu sáng đèn trở lại.
HLV 30 tuổi ở Mỹ chết vì Covid-19 Sao bóng chày khó trở lại Mỹ |