Môn thể thao của mọi nhà
“Tại Manila, bạn có thể tìm bàn bi-a ở bất kỳ nơi nào: Trong khách sạn, nhà hàng, quán bar, casino, từ những khu resort sang trọng cho tới những nơi ẩm thấp nhất ở khu ổ chuột. Bạn sẽ thấy trẻ con, người lớn, học sinh, công chức, nam, nữ, người giàu, người nghèo… cùng chơi bi-a trong một CLB, giữa nghi ngút khói thuốc và bia rượu”, miêu tả của phóng viên Sean Williams về cơ bản đã phác họa lên sự phổ biến của môn bi-a ở Philippines. Một vài người thậm chí còn so sánh giữa việc người Philippines chơi bi-a và người Trung Quốc đánh bóng bàn.
Trong quá khứ của những thanh niên thế hệ 8x, 9x hẳn không thể quên được những buổi trưa theo dõi từng đường cơ ảo diệu của phù thuỷ Efren Reyes tại giải vô địch bi-a 9 bóng toàn thế giới, thường xuyên được chiếu trên kênh ESPN. Reyes là cơ thủ vĩ đại nhất mọi thời đại của làng bi-a thế giới, là người châu Á đầu tiên trong lịch sử được đề cử có mặt trong tượng đài vinh danh của người Mỹ (Billiard Congress of America’s Hall of Fame).
Từ bao giờ bi-a trở thành môn thể thao phổ biến ở Philippines? Câu trả lời sẽ khiến nhiều người bất ngờ: Từ tận trước chiến tranh thế giới thứ 2. Kể từ sau khi Philippines được Tây Ban Nha bán thuộc địa cho Mỹ, môn thể thao này đã dần len lỏi vào các quán bar và trở thành một văn hoá phổ biến.
“Trong những không gian chật chội, người Philippines thích tụ tập, hát hò, chơi bài. Họ có thể làm tất cả những việc đó quanh bàn bi-a. Bàn bi-a chiếm rất ít diện tích, có thể vừa chơi bài, vừa uống bia, vừa hát hò và vừa thi đấu. Đây là môn thể thao gom tất cả những sở thích của người lao động Philippines vào làm một”, Sean Williams viết.
Hiện tượng Efren Reyes
Tuy nhiên, bi-a chỉ thật sự tạo nên một cơn địa chấn ở Philippines sau khi Efren Reyes nổi tiếng toàn thế giới. Sau khi phù thuỷ của làng bi-a đánh bại Chang Hao-Ping để trở thành nhà vô địch tại giải vô địch 9 bóng thế giới năm 1999, ông bắt đầu nổi tiếng và được đưa sang Mỹ thi đấu. Vào giai đoạn hoàng kim của mình, Reyes kiếm tới 80.000 USD chỉ trong 1 tuần. Chỉ là một thanh niên nghèo ở Philippines, nhưng bi-a đã đưa tên tuổi Reyes vươn ra khắp thế giới. Cơ thủ huyền thoại này từng tâm sự rằng, ông từng tận mắt chứng khiến chú của mình có thể kiếm tiền từ bi-a và ông bắt đầu học đánh bi-a đơn giản chỉ để kiếm một bữa tối tử tế.
Thành công của Efren Reyes giống như thỏi nam châm khổng lồ hút rất nhiều người Philippines vào con đường chơi bi-a. Các nhãn hàng bắt đầu đổ tiền, nhiều cơ sở thi đấu và tập luyện bi-a được cải tạo, mở ra một môi trường chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Sự bùng nổ của bi-a lớn tới mức lôi được cả chính phủ Philippines vào cuộc.
Từ một môn thể thao bình dân, bi-a ở Philippines đã đạt tới đỉnh cao danh vọng tới mức ngay cả những giải đấu có giá trị tiền thưởng lên tới 400.000 USD cũng không lôi kéo được tất cả nhóm cơ thủ hàng đầu tham dự.
Vào năm 2003, tạp chí The Wall Street Journal còn gọi Philippines là “vương quốc của bi-a”. Trong bài báo của mình, phóng viên James HookwayStaff viết: “Khi nói tới bi-a, đó là câu chuyện của Philippines và phần còn lại của thế giới”.
Đáng tiếc trong 1 thập kỷ trở lại đây, phong trào đánh bi-a ở Philippines bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Rất nhiều cơ thủ tài năng bỏ ra nước ngoài thi đấu để có thể kiếm nhiều tiền hơn, dẫn tới việc họ bỏ các giải đấu trong nước. Thiếu vắng ngôi sao, nhiều giải đấu cũng không thu hút được nhà tài trợ nữa, chính phủ cũng ngừng rót vốn đầu tư cho bi-a. Philippines vẫn sản sinh ra nhiều cơ thủ trẻ, tuy nhiên họ đã sớm sang Mỹ tập luyện và thi đấu từ khi còn rất trẻ. Tình trạng chảy máu chất xám dẫn tới sự suy tàn nhanh chóng của bi-a tại Philippines.
Sẽ có billiard-snooker ở Olympic 2024?
Theo lộ trình, Olynpic 2024 ở Paris sẽ lần đầu đưa vào chương trình thi đấu nội dung billiard-snooker. Trước mắt, Ronnie O’Sullivan sẽ làm đại sứ quảng bá đưa snooker vào danh sách các môn thi đấu chính thức. Tới tháng 6/2022, Matchroom – đơn vị tổ chức hệ thống giải pool thế giới sẽ có buổi làm việc với Uỷ ban Olympic quốc tế về tương lai của môn thể thao gây nhiều tranh cãi. Trong quá khứ, snooker và pool mới chỉ xuất hiện ở các đại hội thể thao châu Á như SEA Games, Asian Indoor Games hay ASIAD.
Thời thế đổi thay
Theo BXH mới nhất do Matchroom công bố, Phillipines chỉ có 8 tay cơ xuất hiện trong Top 100 thế giới và tuyệt nhiên, không có một tay cơ nào đứng trong Top 10. Người có thứ hạng cao nhất là James Aranas (hạng 11). Một trong những nguyên nhân kéo tụt thứ hạng của các tay cơ Phillipines là do dịch Covid-19 khiến vấn đề nhập cảnh vào Mỹ và Anh – hai quốc gia tổ chức các giải pool thế giới gặp nhiều khó khăn.