Ở Nhật Bản trẻ em có thể không chơi bóng đá, nhưng chắc chắn biết chơi bóng chày. Masaoka Shiki, một trong bốn nhà thơ vĩ đại của Nhật Bản, đã viết không ít bài thơ ca ngợi bóng chày. Các trận đấu bóng chày được lồng ghép vào tour du lịch. Nhiều câu chuyện về bóng chày gắn liền với lịch sử phát triển thành phố, như ở Osaka. Ngoài ra còn vô vàn truyện tranh, phim hoạt hình về chủ đề bóng chày. Dĩ nhiên hình ảnh về bóng chày được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên xứ sở mặt trời mọc.
Theo dữ liệu do Dịch vụ Nghiên cứu Trung ương Nhật Bản công bố vào năm 2018, 48% người được hỏi chọn bóng chày là môn thể thao yêu thích. Sumo và bóng đá đồng hạng hai, với tỷ lệ khoảng 25% mỗi môn. Vốn khởi nguồn từ Mỹ, nhưng mức độ ảnh hưởng và phổ biến của bóng chày tại Nhật khiến người dân nước này còn tưởng rằng đây mới là quê hương thực sự của môn thể thao mà họ gọi là “Vua”.
Bóng chày trong tiếng Nhật là “yakyuu”, tức bóng dã chiến, được du nhập năm 1872 bởi giảng viên người Mỹ, Horace Wilson tại Học viện Kaisei của Tokyo. Đây giai đoạn đầu thời kỳ Minh Trị, với văn hóa phương Tây trở nên thịnh hành tại Nhật. Tuy nhiên phải đến sau Thế chiến II, khi lính Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, bóng chày mới bùng nổ mạnh mẽ. Bên cạnh việc các huyền thoại nổi tiếng của Mỹ như Babe Ruth, Lou Gehrig, và Joe DiMaggio thành lập một giải All-Star và thi đấu với các cầu thủ địa phương, nó còn nhận được nguồn tài trợ từ các tập đoàn lớn.
Một trong những lý do khiến bóng chày trở thành môn thể thao quốc dân chính là nó biểu hiện các giá trị mà người Nhật tôn trọng. Nó bao gồm tính kỷ luật, sự chăm chỉ và tinh thần làm việc nhóm. Sumo, judo hay đấu kiếm, những môn thể thao truyền thống không phải môn đồng đội. Ngoài ra còn có cả lòng trung thành. Những người chơi chuyên nghiệp của Nhật Bản có xu hướng gắn bó với một đội nhất định trong cả sự nghiệp, bất chấp sự chào mời đến với giải bóng chày Mỹ. Ichiro Suzuki chẳng hạn. Anh là thần tượng trong lòng nhiều người Nhật, được tôn vinh là biểu tượng tính cách con người Nhật Bản và góp phần phổ biến văn hóa nước nhà ra thế giới.
Từ rất lâu Nhật Bản đã tạo dựng nền văn hóa thể thao bóng chày. Nó trải rộng ở cấp độ học đường, từ các trường tiểu học, trung học đến cao đẳng và đại học, cuối cùng là cấp độ chuyên nghiệp. Giải bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản bắt đầu từ năm 1937 và cho đến nay, đẳng cấp cũng như mức độ cạnh tranh rất cao và trở thành giải đấu thể thao được đa số người dân Nhật Bản theo dõi. Một thống kê cho biết, có khoảng 27 triệu người hâm mộ, chiếm 20% dân số thường xuyên sống trong bầu không khí bóng chày. Ngay cả giải trung học cũng thu hút tới hàng triệu người xem truyền hình, biến nó thành một trong những sự kiện thể thao được xem nhiều nhất cả nước.
Với người Nhật Bản, tham dự một trận đấu bóng chày là một trải nghiệm đặc biệt khó quên. Nó mang tới niềm vui, sự phấn khích khi được cổ vũ các đội bóng yêu thích, đồng thời là dịp để gặp gỡ, giao lưu và xả stress hữu hiệu. Những người hâm mộ sẽ tập trung ở vị trí cố định trên khán đài, được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh mặc đồ đen và say sưa hát, cổ vũ không chỉ đội bóng mà còn từng cầu thủ. Họ cũng được yểm trợ bởi đội ngũ hoạt náo viên cùng dàn kèn đồng dưới sân, tất cả tạo nên một ngày hội đúng nghĩa.
Dĩ nhiên ngày hội không thể không nhậu nhẹt. Các khán giả được quyền mang đồ ăn thức uống vào sân, miễn là họ sử dụng cốc nhựa do bản tổ chức sân cung cấp thay vì các chất liệu khác. Trong trường hợp chưa chuẩn bị, không vấn đề gì. Các cô gái với cái thùng to sau lưng sẽ tận tình phục vụ bia tươi và rượu mạnh.
Ngay cả những người chưa yêu thích bóng chày, chỉ cần đến sân một lần họ cũng sớm bị cuốn theo. Vì vậy mức độ cuồng nhiệt và niềm đam mê bóng chày ở xứ mặt trời mọc không bao giờ giảm, mà chỉ tăng lên.
Thành tích của ĐT bóng chày Nhật Bản
Đội tuyển bóng chày Nhật Bản, với biệt danh Những chiến binh Samurai, hiện xếp nhất trong BXH của Liên đoàn Bóng chày Thế giới (WBSC) trong 4 năm liên tiếp. Họ cũng 2 lần vô địch giải Bóng chày cổ điển thế giới, 17 lần vô địch châu Á và 1 lần vô địch Cúp Liên Lục địa. Tuy nhiên bóng chày Nhật vẫn chưa một lần đăng quang ở giải vô địch thế giới và cho đến Olympic 2020 tổ chức tại quê nhà mới lần đầu giành huy chương Vàng. Họ cũng chỉ 1 lần đoạt Huy chương Vàng Asiad.
Ở Nhật Bản, đâu cũng có thể thành sân thi đấu
Như các môn thể thao khác, những trận đấu bóng chày thường diễn ra ở những sân vận động hoàng tráng của thành phố. Nhưng để phục vụ tối đa khán giả, nhất là những người ở vùng nông thông ít điều kiện đến sân, các đội kể cả chuyên nghiệp sẽ chơi từ 10-15 trận bên ngoài sân vận động. Những trận này diễn ra ở công viên hay khu đất trống để mọi khán giả đều có thể theo dõi. Nó cũng được tổ chức vào ban ngày vì tại những địa điểm di động không có đèn cao áp.