Sự phát triển rực rỡ của game online
Gần 20 năm trước, thời internet còn chưa phổ biến ở Việt Nam thì game online là một khái niệm hoàn toàn mơ hồ. Thời đó, người dân giải trí bằng game rắn săn mồi trên chiếc điện thoại Nokia. Các phòng game không kết nối internet mà dùng mạng nội bộ (mạng LAN) để game thủ chơi Half-life hoặc Đế chế.
Tuy nhiên, ngay sau khi internet trở nên phổ biến ở Việt Nam, những game online như Audition, Legend of Swordsman hay MU đã kéo theo một lượng fan cực lớn. Từ những nhóm game thủ chơi để giải trí cho tới những hội nhóm chơi game một cách chuyên nghiệp. Họ có thể kiếm tiền từ game bằng việc bán nhân vật game của mình.
Đến thời đại công nghệ bùng nổ với điện thoại thông minh và mạng 3G, 4G phủ sóng rộng rãi, các game thủ càng có điều kiện chơi game mọi lúc mọi nơi, biến Việt Nam thành thị trường cực kỳ tiềm năng để các công ty game online gây dựng thương hiệu và kiếm tiền.
Theo số liệu từ trang Statista, doanh thu từ eSports ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 11,6% trong giai đoạn từ năm 2019 tới 2023 và đạt tới giá trị 147 triệu USD vào năm 2023. Đây là viễn cảnh rất khả thi bởi nền kinh tế internet của Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế internet tại Việt Nam sẽ có giá trị lên đến 33 tỉ USD, tăng gấp 11 lần so với năm 2015 và có quy mô lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Trở lại với eSports, một trong những game bóng đá phổ biến nhất ở Việt Nam vẫn là PES. Theo trang Fast Forward, đội tuyển PES Việt Nam luôn nằm trong nhóm đội mạnh ở Đông Nam Á. Nhiều năm qua, PES Việt Nam luôn đứng trong Top 2 giải PES Đông Nam Á. Hữu xạ tự nhiên hương. Thành tích cao sẽ tự động thu hút ngày càng nhiều game thủ chơi PES.
Việt Nam, môi trường lý tưởng cho eSports
Ngoài số lượng người chơi rất đông và còn đa dạng về độ tuổi, eSports dễ phát triển ở Việt Nam còn nhờ sự đa dạng về phương thức thanh toán. Người chơi có thể mua tiền ảo trong game thông qua thẻ cào điện thoại, nhắn tin gửi tổng đài, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế…
Thống kê cho thấy, 85% người chơi game ở Việt Nam dùng thẻ cào điện thoại để mua tiền ảo trong game, 10% dùng tài khoản các ngân hàng nội địa, 5% dùng thẻ tín dụng. Có một chi tiết thú vị là các game thủ Việt Nam rất chịu chi. Nghiên cứu chỉ ra, nhiều game thủ thậm chí chấp nhận chi tiền chỉ để loại bỏ các quảng cáo xuất hiện trong lúc chơi game, hoặc để nhân vật của mình trở nên đẹp hơn.
Một yếu tố thuận lợi nữa là các tiệm chơi game có ở khắp nơi tại các thành phố lớn. Dù chưa có thống kê chính xác về mật độ các tiệm game trong một khu dân cư nhưng về cơ bản là các game thủ không cần phải đi quá xa chỉ để tìm một chỗ chơi game cùng nhau. Và cho dù chưa xây dựng được những nhà thi đấu game hoành tráng như ở Thái Lan hay Hàn Quốc, nhưng Việt Nam cũng có những địa điểm thi đấu được tổ chức rất chuyên nghiệp và bài bản.
Các kỹ sư, lập trình viên tài năng cũng là lợi thế lớn của Việt Nam. Ngoài việc nhập khẩu các game nổi tiếng thế giới, Việt Nam có nguồn kỹ sư và lập trình rất tài năng để sản xuất ra các game của người Việt. Nổi tiếng nhất phải nhắc tới Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, với hơn 50 triệu lượt tải game trên App Store.
Nhờ rất nhiều yếu tố thuận lợi, Việt Nam đã vươn lên hạng thứ 26 trong 100 quốc gia phát triển eSports và xếp thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu trong tương lai của Việt Nam là xây dựng một môi trường eSports chuyên nghiệp, giống với hình mẫu của Hàn Quốc - nơi những game thủ thậm chí có thể trở thành thần tượng quốc dân, với thu nhập ổn định và được xã hội công nhận là một nghề nghiêm túc.
“Vua bóng đá 2020” ra mắt vào tháng 5 Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác phát triển eSports |
XEM THÊM
Bí kíp trở thành cao thủ game FIFA?