Giá vàng chiều ngày 8/9 tiếp tục lao dốc ở cả thị trường trong nước và thế giới. Thị trường trong nước tiếp tục đi xuống khá chậm chạp, chốt phiên giao dịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,60 – 56,40 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra so với phiên giao dịch sáng cùng ngày. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới vẫn giữ xu hướng về gần với ngưỡng 1.900 USD/ounce. Giảm 4 USD/ounce so với đóng cửa phiên giao dịch tối hôm trước, giá vàng giao ngay trong ngày 8/9 ổn định ở mức 1.926 USD/ounce, nhưng chiều qua (theo giờ Việt Nam), giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 1.909,9 USD/ounce, giảm 17,2 USD/ ounce so với phiên giao dịch trước đó. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 giảm 8,30 USD xuống còn 1.917,90 USD, giao tháng 12 giảm 0,58% xuống 1.923 USD/ounce.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank (23.270 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương 53,54 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 2.860.000 đồng/lượng.
Trong ngắn hạn, nhiều ý kiến lý giải, sau một thời gian tăng miệt mài, giá vàng thế giới có khả năng sẽ điều chỉnh sâu hơn trước khi lấy lại đà tăng. Tuy nhiên, đầu giờ giao dịch hôm qua, giá kim loại quý giảm còn do sự ảnh hưởng từ các thị trường bên ngoài, giá dầu thô giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 6 tuần, giao dịch quanh mức 37,45 USD/thùng; chỉ số USD cao hơn và lợi tức trên trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ giao dịch quanh mức 0,685%. Tuy nhiên, áp lực bán đang gia tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ lại là yếu tố đẩy giá kim loại quý đi lên, khi nhà đầu tư quay sang tìm nơi chú ẩn an toàn.
Vàng được giao dịch chủ yếu bởi USD và trên thực tế, giá vàng thế giới giảm còn có lý do chủ yếu bởi USD bất ngờ phục hồi liên tiếp trong nhiều phiên gần đây. Đồng bạc xanh tăng giá so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác trong bối cảnh Bảng Anh tụt giảm do giới đầu tư lo ngại thỏa thuận nước Anh rút khỏi EU (Brexit). Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo EU, có thể sẽ không cần thỏa thuận "ly hôn" đã ký với châu Âu, nếu liên minh này không nhất trí với thỏa thuận thương mại tự do vào ngày 15/10 tới.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày mai 10/9. Mọi quyết định của ECB về chính sách tiền tệ được cho là sẽ tác động trực tiếp đến đồng Euro, qua đó tác động đến USD và giá vàng. Craig Erlam, nhà phân tích của OANDA cho biết, nếu Fed không công bố bất kì động lực tài chính mới nào, trong khi ECB công bố một số gói kích thích kinh tế, “tính theo USD, vàng sẽ gặp phải một số khó khăn”.
Các phân tích kỹ thuật cho thấy, trong tuần này, vàng sẽ có sự điều chỉnh, tích lũy. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.900 USD/ounce, giá vàng sẽ tiếp tục tích lũy tăng dần hướng tới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ngược lại, cũng có khả năng vàng có thể giảm xuống 1.860 USD/ounce, thậm chí 1.810 USD/ounce. Sức cầu đối với mặt hàng này tạm thời chùng xuống sau khi giá vàng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1940 USD/ounce. Hiện giá vàng đang được hỗ trợ ở ngưỡng 1.912 USD/ounce.
Về dài hạn, giới chuyên gia kinh tế vẫn khá chắc chắn về đà tăng của giá vàng tiếp tục được duy trì, dù đã giảm khá mạnh trong mấy tuần qua. Do năm nay, với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đồng loạt tung ra các chính sách kích thích kinh tế và chắc chắn chưa thể sớm kết thúc các biện pháp hỗ trợ này. Cũng trong vòng quan sát của các nhà đầu tư, Tổng thống Mỹ Trump lại một lần nữa nêu ra ý tưởng tách nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc vào đầu tuần này. Do vậy, dự báo lạm phát sẽ dần cao hơn và lợi suất trái phiếu thực tế sẽ thấp hơn, tiếp tục củng cố cho đà tăng của giá vàng.
Mặt khác, với định hướng lạm phát 2%, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức thấp, tạo lực hỗ trợ giá vàng trong dài hạn. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng sẽ góp phần tác động mạnh đến giá vàng trong giai đoạn cuối năm.
Với những dự báo trên, một số nhà phân tích cho rằng, bất kỳ sự sụt giảm nào cũng nên được coi là cơ hội mua vào.
Theo Baoquocte