TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Nam Phi
Thời gian diễn ra: 11/6 - 11/7
Số đội tham gia: 32
Số trận thi đấu: 64
Số bàn thắng: 145 (2,27 bàn/trận)
CHUNG CUỘC
Vô địch: Tây Ban Nha
Á quân: Hà Lan
Hạng 3: Đức
Hạng 4: Uruguay
Vua phá lưới: Thomas Mueller (Đức, 5 bàn)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Diego Forlan (Uruguay)
Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Thomas Mueller (Đức)
ĐỈNH CAO CỦA SỰ THỐNG TRỊ CỦA ĐT TÂY BAN NHA
Bây giờ, Tây Ban Nha là đội bóng duy nhất từng vô địch 3 lần liên tiếp ở 2 giải bóng đá lớn nhất thế giới (EURO 2008,
World Cup 2010, EURO 2012). Trước La Roja, chỉ có đội Đức từng vô địch World Cup (1974) khi đang giữ ngôi vô địch EURO (1972). Cũng chỉ có đội Pháp từng vô địch EURO (2000) khi đang giữ ngôi vô địch World Cup (1998). Tây Ban Nha không chỉ bắt kịp mà còn tổng hợp được cả hai điều vĩ đại mà Mannschaft và Les Bleus từng làm.
Có sự tương đồng rất cao giữa cách chơi Tiqui
-taca
của
CLB
Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha trong giai đoạn 2008-2012. Tiqui-taca đáng phục chỗ ấy. Người ta thấy rõ, hiểu rõ cách vận hành của lối đá ấy. Trên lý thuyết, tìm cách khắc phục, chế ngự, thậm chí đánh bại Tiqui-taca không bao giờ là việc khó khăn đối với các nhà cầm quân lỗi lạc hàng đầu thế giới. Nhưng rút cuộc, vẫn chẳng ai ngăn cản được Tây Ban Nha liên tiếp vô địch World Cup và EURO.
Bóng luôn ở trong chân bạn thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn? Triết lý của Tiqui-taca chỉ đơn giản như vậy. Nhưng tất nhiên, nói và làm là hoàn toàn khác nhau. Các chỉ số về tỷ lệ chuyền chính xác hoặc tỷ lệ kiểm soát bóng của Tây Ban Nha tại World Cup 2010 đều cao đến mức gần như không thể tưởng tượng.
Xavi chuyền chính xác trên dưới 100 đường bóng mỗi trận. Nguyên nhân không chỉ vì anh chuyền giỏi, mà còn vì các cầu thủ xung quanh luôn di chuyển một cách tuyệt vời để anh có nhiều giải pháp chuyền bóng, vừa chuẩn mà lại vừa dễ.
Cứ thế, các cầu thủ Tây Ban Nha đưa dần quả bóng về phía cầu môn đối phương, kiên nhẫn chờ cho đến khi hàng thủ đối phương lộ ra khoảng trống thì họ khai thác và tạo cơ hội ghi bàn. Điều quan trọng là, đá như vậy thì Tây Ban Nha yên tâm trong lĩnh vực phòng ngự vì đối phương có bóng quá ít. La Roja chính là nhà vô địch World Cup duy nhất không hề thủng lưới trong suốt giai đoạn knock-out. Họ cũng chỉ thủng lưới 2 bàn trong suốt giải, và cả hai con số vừa nêu đều là những kỷ lục World Cup.
VẪN CÒN ĐẤY NHỮNG TRANH CÃI
Nhiều người chỉ trích: Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010 nhưng chỉ ghi được vỏn vẹn 8 bàn trong 7 trận đấu. Chưa có nhà vô địch World Cup nào lại ghi bàn ít như thế! Nhưng ở đây, cần phải làm rõ một điều: Tây Ban Nha ghi bàn ít vì đối thủ nào gặp họ cũng đều phải phòng ngự một cách thận trọng. Vả lại, như đã nêu trên, đội bóng xứ bò tót chủ trương giữ bóng nhiều còn để phòng ngự chứ không chỉ để tấn công.
Khi người ta chỉ trích những đường chuyền ở khu giữa sân của Tây Ban Nha là kém hiệu quả vì nó gần như vô hại đối với khung thành đối phương, thì dường như họ đã quên đi một điều: đấy chính là lúc Tây Ban Nha đang phòng thủ!
Dù sao đi nữa, Tiqui-taca quả có không ít nhược điểm. Thất bại trước Thụy Sỹ ở trận ra quân của World Cup 2010 cho thấy những đội bóng chơi phòng ngự “cứng đầu” có thể gây khó chịu đến thế nào cho Tiqui-taca. Trận đấu ấy không gây ảnh hưởng lớn đến toàn cục, nhưng nó khẳng định lần nữa một chân lý tuyệt vời trong bóng đá: không có lối chơi nào là tối ưu.
Trận chung kết nhiều thẻ phạt nhất
TBN đã thắng Hà Lan trong một trận cầu quyết liệt với hàng loạt pha chơi xấu của cầu thủ hai đội. Hệ quả, trọng tài đã rút tổng cộng 14 thẻ vàng cho cầu thủ hai bên (Hà Lan 9, TBN 5). Trong đó trung vệ John Heitnga (Hà Lan) bị truất quyền thi đấu sau khi nhận 2 thẻ vàng. Trận đấu giữa TBN và Hà Lan đã lập kỷ lục trận chung kết nhiều thẻ vàng nhất trong lịch sử World Cup.
Giải đấu của Wesley Sneijder
Đến World Cup 2010 ngay sau khi cùng Inter chiến thắng ở Champions League, Wesley Sneijder đã tiếp tục bừng sáng tại Nam Phi. Dù Hà Lan để thua Tây Ban Nha ở chung kết, còn bản thân Sneijder phải xếp sau Diego Forlan (Uruguay) ở hạng mục Quả bóng vàng World Cup, và Thomas Mueller (Đức) trong cuộc đua Chiếc giày vàng, đó vẫn là giải đấu rất đáng nhớ của anh. Thậm chí, có thể nói một mình tiền vệ này đã gần như một mình đưa Hà Lan vào chung kết với 4 bàn thắng giúp Oranje vượt qua Slovakia (1 bàn), Brazil (2) và Uruguay (1).
Kỷ lục buồn cho Nam Phi
Với vỏn vẹn 1 trận thắng (1 hòa, 1 thua), Nam Phi đã kết thúc vòng bảng với vị trí thứ 3 sau Mexico và Uruguay. Điều này cũng có nghĩa là họ đã đi vào lịch sử World Cup với tư cách đội chủ nhà đầu tiên không vượt qua được vòng bảng. Tại World Cup 2014, châu Phi chỉ có Ghana giành quyền vào vòng knock-out trong số 6 đội dự giải.
Parreira “lục xuất”... World Cup
Với việc dẫn dắt đội chủ nhà Nam Phi tại World Cup 2010, Carlos Alberto Parreira đã lập kỷ lục 6 lần ngồi ghế HLV trưởng tại các kỳ Mundial. Trước đó, chiến lược gia lão làng này từng nắm ĐT Kuwait (năm 1982), UAE (1990), Brazil (1994, 2006) và Saudi Arabia (1998). Đến World Cup 2014, Parreira vẫn sẽ ngồi trong khu kỹ thuật của Selecao, nhưng với cương vị cố vấn cho HLV trưởng Luiz Felipe Scolari.
Người duy nhất có thể phá kỷ lục của Parreira là “Phù thủy” Bora Milutinovic, từng dự 5 kỳ World Cup với 5 đội tuyển khác nhau là Mexico (1986), Costa Rica (1990), Mỹ (1994), Nigeria (1998), và Trung Quốc (2002) nhưng ông lại không góp mặt ở Brazil mùa Hè này.
Con số
1 Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, có hai anh em đối đầu nhau khi Jerome Boateng khoác áo Đức chạm trán Ghana của Kevin-Prince Boateng ngày 23/6/2010.
4 Có tới 4 cầu thủ ghi được 5 bàn thắng ở World Cup 2010 và cuối cùng, Thomas Mueller (Đức) giành Chiếc giày vàng do anh có nhiều đường kiến tạo nhất.
145 Ở World Cup 2010, tổng cộng chỉ có 145 bàn thắng (2,27 bàn/trận). Đây là con số thấp nhất trong lịch sử, từ khi World Cup chuyển sang thể thức 64 trận.