BĐ&CS: Để nói về đất nước Brazil, không ai tốt hơn là một người Brazil. Để nói về World Cup, không ai tốt hơn là người từng 3 lần nâng cao Cúp Vàng thế giới. Kể từ số này, BĐ&CS sẽ mở chuyên mục “Pele & World Cup” để nghe chính Pele kể lại những câu chuyện thú vị về những đổi thay lịch sử của cả một quốc gia, lấy mốc điểm là những kỳ World Cup.
Kể từ kỳ World Cup 1950 chưa có truyền hình trực tiếp đến kỳ World Cup 2014 với công nghệ trực tiếp 3D, từ Brazil đến Brazil là 64 năm của những đổi thay khủng khiếp về mọi mặt. Brazil từ chỗ chưa có danh hiệu vô địch World Cup nào đã trở thành chủ sỡ hữu của Cúp Vàng Jules Rimet, đã 5 lần đứng trên bục vinh quang. Nghe Pele kể chuyện cũng để biết gánh nặng World Cup đặt trên vai những Neymar, Daniel Alves, Thiago Silva là lớn như thế nào.
NIỀM HẠNH PHÚC 19 PHÚT
“Vàooooooooooooooo…”
Chúng tôi ôm nhau, la hét, nhảy nhót trong vui sướng. Toàn bộ gia đình chúng tôi, 2 bên nội ngoại, đều tập trung cả trong ngôi nhà nhỏ, cũng như mọi gia đình khác trên toàn Brazil hôm ấy.
Cách chỗ chúng tôi 300 dặm, Brazil hùng mạnh đang đấu với Uruguay nhỏ bé trước đám đông cuồng nhiệt trên khán đài Maracana ở Rio de Janeiro. Đội bóng của chúng tôi có lợi thế hoàn toàn, thời cơ vô địch của chúng tôi đã đến. Và ở phút thứ 2 của hiệp 2, một trong những tiền đạo của Brazil - Friaca - thoát qua một trung vệ rồi ghim một cú sút chìm vào khung thành. Brazil 1, Uruguay 0.
Cảnh tượng ấy thật đẹp dù chúng tôi không thể... nhìn thấy nó. Không có một chiếc TV nào ở thành phố nhỏ bé này. Trên thực tế, nhà đài đầu tiên ở Brazil được xây dựng ngay trong kỳ World Cup ấy, nhưng chỉ những ai ở Rio mới xem được. Với chúng tôi, cũng như tuyệt đại đa số những người Brazil, thì chỉ theo dõi được qua đài phát thanh mà thôi. Gia đình chúng tôi có một chiếc đài to, hình vuông với loa tròn và ăng-ten chữ V, đặt ở phòng chính. Hiện tại, tất cả đều đang nhảy nhót như điên.
Ngày ấy tôi chưa đầy 10 tuổi, nhưng mãi mãi không bao giờ quên được cảm giác ấy: niềm hạnh phúc và tự hào khi lần đầu tiên 2 điều mà mình yêu quý nhất - bóng đá và Brazil - hòa chung làm một. Tôi nhớ mẹ mình cùng nụ cười từ ái của người. Tôi nhớ bố mình, một anh hùng, làm việc không ngừng trong những năm tháng ấy, một người đã phải giã từ giấc mơ bóng đá từ sớm nhưng đang thấy mình trẻ lại. Ông ôm những người bạn vào lòng, cùng nhau san sẻ niềm hạnh phúc.
Tất cả cảm xúc hân hoan ấy chấm dứt chỉ sau 19 phút khi Uruguay có bàn gỡ hòa của Schiaffino (phút 66) và ấn định tỷ số 2-1 của Ghighia (phút 79). Tôi cũng như hàng triệu người Brazil hôm ấy, còn chưa rút ra được một trong những bài học lớn nhất: không có điều gì chắc chắn cho đến khi bạn nghe tiếng còi dứt trận. Nhưng ai mà biết được điều đó cơ chứ. Chúng tôi là những người trẻ, chơi môn thể thao trẻ ở một quốc gia non trẻ.
Cuộc hành trình của Brazil chỉ mới bắt đầu.
SỨC MẠNH THẬT SỰ CỦA BÓNG ĐÁ
Trước trận chung kết hôm ấy, thật khó tưởng tượng có một điều gì đó có thể mang mọi người trong nước xích lại gần nhau. Khi ấy chúng tôi bị chia cách bởi quá nhiều thứ, diện tích quá lớn của đất nước là một nguyên nhân. Thành phố nhỏ Bauru của chúng tôi nằm trên một cao nguyên thuộc Sao Paulo như một thế giới hoàn toàn khác với thủ đô Rio, nơi diễn ra trận chung kết.
Rio là Samba, là nhiệt đới, là bãi biển và những cô gái mặc bikini, điều mà những người nước ngoài tưởng tượng đến khi nghĩ về Brazil. Bauru, hoàn toàn ngược lại, rất lạnh vào ngày diễn ra trận chung kết. Mẹ đã phải đốt lửa trong bếp để sưởi ấm, một việc mà nếu không có chung kết thì bà sẽ không bao giờ phung phí như vậy.
Trong cái lạnh co ro, đột nhiên chúng tôi cảm thấy thật xa cách với một Rio rực lửa. Nếu như chúng tôi chỉ cách có 300 dặm mà còn cảm thấy thế, tôi hiểu được cảm giác của những đồng bào ở Amazon, ở vùng ngập nước Pantanal hay những triền núi miền Đông Bắc.
Brazil có diện tích lớn hơn Hoa Kỳ và hôm ấy lại càng có cảm giác mênh mông hơn nữa. Năm 1950, chỉ có những người cực kỳ giàu có mới có tiền mua xe hơi. Và khi đã có xe hơi thì cũng không có nhiều đường nhựa để họ di chuyển. Từ quê nhà của chúng tôi, phải lâu thật lâu bạn mới thấy một chiếc xe chạy ngang qua. Đến tận năm 15 tuổi tôi mới lần đầu nhìn thấy biển, mới biết thế nào là một cô gái trong bộ bikini.
Nhưng địa lý không phải là yếu tố duy nhất khiến chúng tôi xa nhau, nó còn là sự phân hóa giàu nghèo nữa. Những tài phiệt và chính trị gia ở Rio sống trong những lâu đài theo kiểu Paris, có trường đua xe ngựa và bãi biển riêng. Trong khi phân nửa dân Brazil vào năm 1950 không đủ ăn, chỉ 1/3 dân số biết đọc, biết viết. Anh chị em chúng tôi, cũng như phân nửa dân số Brazil, thường xuyên phải đi chân đất.
Mãi nhiều năm sau này, khi đã treo giày, tôi có dịp may được gặp Nelson Mandela vĩ đại. Trong tất cả những vĩ nhân mà tôi từng diện kiến - những đức Giáo hoàng, Tổng thống, Vua hay ngôi sao Hollywood - không có ai gây ấn tượng mạnh mẽ đến tôi như Ngài Nelson Mandela.
Ngài nói với tôi: “Pele này, ở Nam Phi chúng tôi có quá nhiều sắc dân, nói quá nhiều ngôn ngữ nên khó mà liên kết lại. Còn Brazil của anh không những nhiều tài nguyên mà còn nói một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Bồ Đào Nha. Vậy tại sao nước của anh không giàu, tại sao nước của anh không thống nhất?”
Tôi không có câu trả lời cho Ngài ấy. Đến tận bây giờ tôi cũng không thể trả lời một cách thấu đáo. Nhưng trong cuộc đời của mình, 73 năm, tôi đã nhìn thấy những tiến bộ và tôi biết khởi nguồn cho tất cả những bước chuyển mình lịch sử ấy chính là ngày 16/7/1950.
Vâng, mọi người sẽ nguyền rủa ngày diễn ra trận chung kết, bản thân tôi cũng từng làm thế. Nhưng theo tôi, đấy chính là ngày mà người Brazil đã tiến những bước đầu tiên trên một chặng đường dài và gian nan để kết nối dân tộc. Ngày hôm ấy cả quốc gia đều hướng về chiếc radio, ôm lấy nhau, vui cùng nhau, buồn cùng nhau, lần đầu tiên trong lịch sử.
Hôm ấy, chúng tôi bắt đầu nhận ra sức mạnh thật sự của bóng đá!
BẠN CÓ BIẾT?
Pele nhắc đến bố mình và gọi ông là một vị anh hùng. Ông tên là Joao Ramos do Nascimento, nhưng cũng như nhiều người Brazil chơi bóng khác, ông được biết đến nhiều hơn bởi biệt danh: Dondinho. Lần đầu tiên gặp mẹ của Pele, bà Celeste, ông Dondinho còn đang thi hành nghĩa vụ quân sự. Họ cưới nhau khi bà Celeste mới 15 và đến 16 tuổi thì mang thai Pele.
Hai vợ chồng đặt tên cho con trai mình là “Edson” theo tên nhà khoa học Thomas Edison. Đấy là vì năm 1940 mà Pele chào đời, khu phố mà họ sống mới có chiếc bóng đèn dây tóc đầu tiên. Nhưng người làm giấy khai sinh cho Pele viết thiếu mất chữ “i” nên Pele tên là Edson thay vì Edison.
Còn điều này có lẽ bạn chưa biết: ông Dondinho cũng từng là một cầu thủ chuyên nghiệp trước khi dính chấn thương dây chằng phải giải nghệ. Ông ghi 1.260 bàn sau 1.105 trận đấu cấp độ CLB và ghi 19 bàn cho đội tuyển Brazil chỉ sau 6 lần khoác áo. Ông từng ghi đến 5 bàn bằng đầu trong 1 trận đấu và là người trực tiếp dạy bóng đá cho cậu con trai Pele sau này.
(Còn nữa)