Công thức của Jose Mourinho
Đội hình hiện giờ của Mourinho có nhiều điểm giống kỳ lạ với đội bóng vô địch cũng của ông một thập kỷ trước. Các quyết định của chiến lược gia người BĐN về nhân sự cũng có sự tương đồng đáng tò mò. Mùa Hè 2004, The Blues chia tay 2 cầu thủ rất được yêu mến của họ (Jimmy Floyd Hasselbaink và Marcel Desailly) để tiến hành một cuộc cách mạng nhân sự. Mourinho cũng thay một thủ thành lão luyện (Carlo Cudicini) bằng một người trẻ đang lên (Petr Cech). Sau khi cho mượn một chân sút đắt giá không có phong độ tốt (Hernan Crespo), "Người đặc biệt" đưa về một tiền đạo cao to giỏi càn lướt và dứt điểm (Didier Drogba).
Trên sân, cách tiếp cận của Mourinho về chiến thuật cũng có nhiều điểm tương đồng với đội bóng vô địch với khoảng cách 12 điểm của mùa giải 2004/05, và chỉ thua 1 trận suốt cả mùa. Ở hàng thủ 4 người của Mourinho hiện giờ có 3 trung vệ chuyên nghiệp, giống như 10 năm trước, trong khi cầu thủ đá hậu vệ phải được ưu tiên cho các nhiệm vụ tấn công hơn so với cánh bên kia.
Ở tuyến giữa, Mourinho đã thôi luân phiên các tiền vệ trung tâm, luôn sử dụng cặp Nemanja Matic và Cesc Fabregas khi có thể, giống như ông đã luôn làm với bộ đôi Claude Makelele và Frank Lampard mùa 2004/05.
Matic và Fabregas
Hai bên cánh là những cầu thủ bám biên có thể hoán đổi vị trí cho nhau dễ dàng, và nhiệm vụ tìm kiếm các bàn thắng được trao cho một tiền đạo đang ở độ chín sự nghiệp và đầy khát khao (Diego Costa), như Drogba 10 năm về trước.
Sự trở lại của hàng tiền vệ hình thoi
Cách đây chưa lâu, các cặp tiền đạo tưởng như sẽ tuyệt chủng khi đội hình 4-2-3-1 thống trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi và những cặp đôi hoàn hảo đang trở lại mạnh mẽ. Hiện giờ ở Premier League, hơn một nửa các HLV sử dụng lâu dài hoặc đã thử nghiệm sơ đồ 2 tiền đạo, có thể xuất phát từ thành công của Manchester City và Liverpool mùa trước.
Hầu hết các đội chơi với 2 tiền đạo đều khá thành công. Leicester City, West Ham United và Hull City đều làm tốt hơn dự kiến, trong khi Man United cũng dần tìm lại chính mình nhờ vào bộ đôi Radamel Falcao-Robin van Persie. Khi có bóng, họ có nhiều lựa chọn tấn công hơn, và khi mất bóng, dễ gây áp lực lên đối thủ hơn.
Van Persie và Falcao
Bảng dưới đây là một tổng kết ngắn về các cặp đôi hàng đầu của Premier League:
Cùng với sơ đồ cặp tiền đạo, ở giữa sân chứng kiến sự trở lại của hàng tiền vệ hình thoi. HLV Brendan Rodgers đã sử dụng sơ đồ này rất hiệu quả trong chiến thắng 3-0 trước Tottenham, và nhiều đồng nghiệp khác đang nối bước ông.
Manchester United hiện đá với đội hình 4-1-2-1-2 rất rõ ràng, trong khi West Ham, Hull City và Queens Park Rangers đều đã thử nghiệm hệ thống đó, một mô hình sẽ hiệu quả với các tiền đạo cơ động và những tiền vệ sáng tạo.
Hệ thống 3 trung vệ thất bại
Có 3 CLB khởi đầu mùa giải mới với các đội hình 3 trung vệ, nhưng rồi đều từ bỏ. Man United của Louis van Gaal đã chơi rất hay vào các trận giao hữu đầu mùa với hệ thống 3-4-1-2, nhưng sau hàng loạt chấn thương và thất bại, HLV người Hà Lan đã phải điều chỉnh.
Steve Bruce liên tục thay đổi giữa đội hình 4 hậu vệ và 3 trung vệ tại Hull, nhưng một thống kê hẳn đã khiến ông nghĩ lại: The Tigers có trung bình không tới 3 cú sút trúng đích và 1,25 bàn/trận khi đá 3 trung vệ, trong khi những con số đó được nâng lên tương ứng thành 4,6 cú sút trúng đích và 2 bàn/trận khi chơi 4 hậu vệ.
HLV Steve Bruce
Với QPR, thử nghiệm sơ đồ 3-5-2 trong 2 trận đầu ở Premier League đã phá sản nhanh chóng, khi HLV Harry Redknapp thay đổi chiến thuật lần lượt ở các phút 78 và 45 của các trận đó, rồi từ đó trở đi không bao giờ quay lại với hệ thống 3 trung vệ nữa. Một số đội có thể thành công với sơ đồ 3 trung vệ tại World Cup 2014, nhưng các thử nghiệm tại Premier League cho tới giờ nhìn chung là thất bại.
Những chữ ký mới không cần thời gian hòa nhập
Những cầu thủ chơi hay nhất ở giải Ngoại hạng tính tới giờ là những người mới hoàn toàn, hoặc như trong trường hợp của Fabregas, trở lại sau 3 năm tạm chia tay.
Các chữ ký lớn Alexis Sanchez và Angel Di Maria hầu như không mất thời gian hòa nhập cùng đội bóng mới và phong cách bóng đá Anh. Và không chỉ ở các đội lớn. Trong top sau, những tân binh của giải Ngoại hạng như Leandro Ulloa, Diafra Sakho và Graziano Pelle đều chơi rất hay.
Tại Man City, Fernando nhanh chóng trở thành một trụ cột ở Etihad, trong khi ở Newcastle, Remy Cabella đang là người tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm nhất.