Cách tiếp cận trận đấu và cách dùng người
Trong bóng đá đỉnh cao, điều quan trọng là một HLV cần phải biết đâu là đội hình mạnh nhất, đối phó ra sao với chấn thương và với từng đối thủ. Rõ ràng ở thời điểm này, Jose Mourinho đang nắm chắc điểm mạnh yếu của lực lượng ông có, còn Brendan Rodgers vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng.
Chelsea đã sử dụng cùng một hệ thống chiến thuật qua nhiều năm, được xây dựng nên từ “nhiệm kỳ đầu” của Mourinho tại Stamford Bridge. Luôn là một tiền đạo được hỗ trợ bởi một “số 10”, với 2 cầu thủ chạy cánh hoạt động không mệt mỏi sẵn sàng hỗ trợ các hậu vệ biên. Một tiền vệ trung tâm sáng tạo chơi bên cạnh một tiền vệ phòng ngự vững chãi sẵn sàng phá vỡ mọi pha lên bóng của đối thủ. Một cặp trung vệ chắc chắn, 2 bên là các hậu vệ cánh đặt nhiệm vụ phòng ngự lên hàng đầu, thay vì kiểu chơi bóng công thủ toàn diện hiện đại.
So sánh Chelsea năm nay với năm ngoái, dễ thấy một sơ đồ chiến thuật tương tự. Hàng thủ của họ đã chơi ấn tượng ở mùa 2013/14, vì vậy Mourinho không cần phải thay đổi nhiều. Duy nhất thủ thành Thibaut Courtois được trám vào vị trí của Petr Cech. David Luiz luôn tỏ ra không đáng tin cậy, đặc biệt là ở vai trò trung vệ, và thậm chí tiền vệ trụ cũng không phải vị trí phù hợp với cầu thủ này. “Người đặc biệt” cần một người có thiên hướng phòng ngự hơn, và Nemanja Matic đã đáp ứng quá hoàn hảo yêu cầu ấy. Trong khi đó, Cesc Fabregas kế thừa xuất sắc vị trí của Ramires, nâng cao sức sáng tạo ở tuyến giữa The Blues.
Đội hình Chelsea mùa 13/14 so với 14/15
Eden Hazard tiếp tục được sử dụng bên cánh trái, còn Willian (hoặc Andre Schuerrle) đá cánh phải, với những pha thâm nhập phần sân đối phương đầy tốc độ, cùng những tình huống hỗ trợ phòng ngự hiệu quả. Oscar làm nhiệm vụ hỗ trợ cho tiền đạo cắm Diego Costa, người hiển nhiên ở một đẳng cấp hoàn toàn khác so với các tiền đạo Chelsea đã có ở mùa giải năm ngoái.
Chiến thuật của Chelsea giống như chơi với 5 cầu thủ phòng ngự, trong đó Matic đóng vai trò “dọn dẹp” phía sau lưng Fabregas, hỗ trợ đắc lực John Terry và Gary Cahill, cho phép tiền vệ người Tây Ban Nha yên tâm tham gia tấn công. Những đường chuyền dài và chọc khe của Cesc đang khiến mọi hàng thủ chao đảo, trong khi đó Hazard, được Matic bọc lót phía sau, đã lấy lại phong độ cao nhất.
Mourinho chưa bao giờ ngại ngần thay đổi hệ thống thi đấu để tìm ra đối sách hiệu quả nhất trước từng đối thủ, từng thế trận. Với các “siêu dự bị” như Loic Remy, Schuerrle, John Obi Mikel hay Ramires, chiến lược gia người Bồ tùy nghi bổ sung “chất thép” hay gia tăng tốc độ, năng lượng cho các đợt tấn công nếu muốn.
Ở Merseyside mùa trước, Rodgers từng tỏ ra rất “mát tay” về chiến thuật. Bất kể ông thầy người Bắc Ireland sử dụng Luis Suarez, Daniel Sturridge, hay cả 2 trên hàng tiền đạo, luôn rất khó để các đối thủ đoán trước cách chơi của Liverpool. Cộng thêm cách nhập cuộc bùng nổ và tốc độ, The Kop thường xuyên có những bàn thắng sớm và kết thúc trận đấu ngay trong hiệp đầu. Bằng cách xoay vòng sơ đồ 4-3-3 và 4-1-2-1-2 (thậm chí có lúc còn là 3-4-1-2), Rodgers đã khai thác được tối đa cặp tiền đạo, cũng như khơi dậy tiềm năng các tiền vệ trẻ tuổi Philippe Coutinho, Raheem Sterling hay Jordan Henderson.
Đội hình Liverpool mùa 13/14 và 14/15
Câu chuyện trở nên rất khác ở mùa giải năm nay, khi mọi đường đi nước bước của Liverpool dường như đã bị nghiên cứu rất kỹ, còn hàng công thì thiếu hẳn một mũi hỏa lực mạnh. Các đối thủ của họ tự tin khai thác vào điểm yếu hàng phòng ngự, vốn không hề có chút tiến bộ dù đã được đầu tư mạnh mẽ. Suarez ra đi, Sturridge chấn thương, Liverpool không còn ngôi sao tấn công nào có thể trông đợi, ngoại trừ một Sterling còn quá non trẻ. Nhiệm vụ ngăn cản Mario Balotelli trở nên quá dễ dàng, khi tiền đạo này tỏ ra thiếu hẳn những pha di chuyển và chạy chỗ khôn ngoan, khiến cho những Sterling, Coutinho hay Steven Gerrard có muốn “mớm” bóng cũng khó.
Chưa kể, Gerrard chưa vào không bao giờ là một tiền vệ phòng ngự đích thực, vì vậy, bố trí anh chơi một mình trước bộ tứ vệ sẽ là “thảm họa” với Rodgers. Anh cần được hỗ trợ, hoặc được sử dụng ở vị trí cao hơn trên sân, trao trả vai trò tiền vệ trụ cho một người khác (mà dường như Rodgers đã “quên” tăng cường ở Hè 2014). Dejan Lovren và Martin Skrtel tỏ ra quá dễ dàng bị khuất phục trước những tiền đạo nhanh nhẹn, và ngay cả những pha phối hợp phòng thủ của bộ đôi này cũng vô cùng tệ hại. Trong trận thắng “đứng tim” QPR 3-2, cặp trung vệ của Liverpool đã góp phần “tôn vinh” Bobby Zamora, một tiền đạo hạng trung mà trước đoàn quân áo đỏ đã chơi như thể… Cristiano Ronaldo vậy. Như để xát thêm muối vào vết thương hở của The Kop, thủ thành Simon Mignolet mắc sai lầm nhiều như “cơm bữa”, dù có lẽ vấn đề của anh nằm ở tâm lý hơn là kỹ năng.
Một điểm đáng chú ý rút ra từ 11 vòng đấu đầu tiên của Liverpool tại Premier League 2014/15, đó là sự thay đổi tính trực diện trong cách chơi. Mùa trước, họ tổ chức thế trận từ hàng thủ, với những đường phối hợp trơn tru và những pha chọc khe “chết người” mang tính quyết định. Họ vào trận nhanh tới nỗi đối phương còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì bóng đã nằm gọn trong lưới. Hàng tiền vệ làm việc nhịp nhàng như các chi tiết của một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, còn hàng công liên tục gây sức ép bắt đối phương lộ sơ hở. Lối đá pressing là một vũ khí hủy diệt của Liverpool, họ không cho đối phương có không gian và thời gian xử lý bóng.
Suarez và Sterling pressing liên tục lên hàng thủ đối phương
Giờ thì Rodgers đang chỉ đạo Liverpool chơi theo hướng kiểm soát bóng nhiều hơn. Đúng là kiểm soát bóng quan trọng, nhưng để làm gì khi nó không dẫn tới kết quả tích cực, đặc biệt là ở thời điểm “Tiqui-taca” đã “chết” theo Barca-Pep Guardiola và ĐT Tây Ban Nha? Liverpool nhiều thời điểm quá ham giữ bóng ở sân nhà, thực hiện những đường chuyền qua lại giữa các hậu vệ ngay cả khi đang bị dẫn trước. Cách tiếp cận này dễ gây tác dụng ngược trước những đối thủ sẵn sàng chơi pressing (như chính The Kop mùa trước!). Ngay cả khi Rodgers đã mất cả 2 tiền đạo chủ lực của mùa trước, đâu có nghĩa rằng cách chơi từng mang lại thành công cho họ cũng bị quẳng theo qua cửa sổ?
Sự thay đổi số phận
Chelsea đã hoàn thiện đội hình, toàn diện hệ thống chiến thuật theo một cách rất khoa học. Họ lúc này giống như một cỗ máy, trong đó mọi cầu thủ biết rõ nhiệm vụ của mình qua từng trận đấu. Còn Liverpool, họ đã không thực sự biết được những vấn đề của chính mình ở mùa trước, để rồi phải chuốc lấy khó khăn. Người hâm mộ The Kop có thể trông đợi nhiều vào sự trở lại của Sturridge, nhưng họ sẽ còn lắm phen phải đau tim vì những hớ hênh hàng thủ.
Hai chiến thắng của Chelsea trước Liverpool đều tại Anfield chỉ trong vòng hơn nửa năm đã đánh dấu sự thay đổi đến chóng mặt của hai số phận trong bóng đá đỉnh cao. Người Merseyside sẽ cảm thấy đau đớn, nhưng không thể phủ nhận chính họ đã tự mình tạo nên sự trái ngược nghiệt ngã này.