Đó là CLB United of Manchester, đội bóng được các CĐV yêu quý M.U thành lập năm 2005 để phản đối việc đội chủ sân Old Trafford rơi vào tay tỷ phú Malcom Glazer. Trong mắt họ, một Manchester United không còn là của người Anh là một Man United đã chết.
Cho đến ngày hôm nay, thì một phần quan điểm của những người thành lập United of Manchester năm nào giờ được chứng minh là đúng đắn. M.U “gốc” vẫn vô địch, vẫn có thành công, nhưng tất cả đều đến từ tài chèo chống của Sir Alex Feguson, và đến khi Sir Alex nghỉ hưu, thì ông chỉ có thể để lại cho người kế nhiệm một đội hình cằn cỗi, thiếu rất nhiều thứ. Đội hình ấy, với số lãi mà M.U đã làm ra trong những năm qua, nếu như không phải còng lưng trả nợ thay cho nhà Glazer, thì họ đã có thể mua về không biết bao nhiêu siêu sao, vừa dùng vừa... vứt đi như trước năm 2005?
Những ngày mà David Moyes đang đánh vật với thứ di sản của người Mỹ (chính xác là người Mỹ chứ không phải của Sir Alex), sẽ thật phù hợp khi nói đến United of Manchester.
Họ vẫn được cộng đồng CĐV Man United ở nước Anh nuôi nấng khá tốt. Một mô hình dân chủ toàn diện: mỗi CĐV đóng lệ phí 12 bảng/năm để trở thành cổ đông, rồi sau đó tham gia vào quyết định mọi vấn đề của CLB qua những lá phiếu. Có một số người đã không còn ủng hộ “M.U của nhà Glazer” nữa, còn lại đa số vẫn ủng hộ song song cả 2 đội bóng. Kể từ khi thành lập đến nay, họ đã thăng hạng 2 lần, từ hạng 9 lên hạng 7, tức là hạng cao nhất của các đội nghiệp dư, và suýt mấy lần thăng lên hạng 6. Đến năm 2011, thì đã gọi được vốn để xây một sân bóng nhỏ 5.000 chỗ cho riêng mình.
Điều thú vị nhất là United of Manchester được thành lập với nguyên tắc phi lợi nhuận. Họ chỉ có 2 nhân viên chính thức là giám đốc và thư ký. Ban lãnh đạo được bầu bằng phiếu của CĐV. Họ chấp nhận tài trợ, nhưng không cho logo của nhà tài trợ xuất hiện trên ngực áo.
Đó chỉ là một mảnh linh hồn mồ côi của Old Trafford, được những CĐV tuyệt đối hóa sự thanh sạch tách rời khỏi M.U. Nhưng nó có lẽ là một trong những đội bóng hoàn hảo nhất thế giới về mô hình hoạt động. Của CĐV và chỉ của CĐV mà thôi.
Những năm đầu thế kỷ 21, không chỉ có “mảnh linh hồn mồ côi” United of Manchester ra đời theo cách ấy. Cũng năm 2005, CĐV của Austria Salzburg, đội bóng giàu thành tích nhất nước Áo, cũng đã đứng ra thành lập đội nghiệp dư SV Austria Salzburg bởi vì đứa con của họ đã bị hãng Red Bull mua lại, khai tử cái tên hào hùng xưa cũ và đổi tên thành một thứ sặc mùi “nước tăng lực” là... Red Bull Salzburg.
SV Austria Salzburg cũng hoạt động giống với mô hình của United of Manchester với nhiệm vụ biểu trưng cho những giá trị tinh thần cao đẹp nhất của “CLB gốc” – cho dù những chiếc cúp thì vẫn phải ở trong phòng truyền thống của các ông chủ nước ngoài kia.
Những giá trị mà họ, các CĐV có phần cực đoan, cố gắng gìn giữ, đang ngày càng trở nên hiếm hoi và xa lạ trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Hẳn sẽ có người nghĩ rằng thay vì ủng hộ đội bóng của Wayne Rooney và Van Persie, mà lại đi ủng hộ CLB của một anh Matthew Wolfenden nào đó thì đúng là... hấp.
Nhưng trong những giây phút thất vọng, liệu có CĐV M.U nào thầm mong ước rằng United of Manchester có thể thăng hạng và gặp Manchester United, rồi thậm chí là vượt qua và... thay thế luôn cái đội bóng của ông chủ Mỹ kia không?