Hãy đánh giá quan điểm này dựa trên phong độ gần đây của Oezil. Xét một cách khách quan, tiền vệ 25 tuổi này đã tỏa sáng, nhưng chỉ là trong những khoảnh khắc nhất thời, chứ không phải suốt 90 phút và trong mọi trận đấu.
Đó chưa phải là những đóng góp tương xứng với con số 42,5 triệu bảng mà “Pháo thủ” đã chi ra hồi mùa Hè vừa qua. Để minh chứng, có thể kể tới trận Arsenal gặp Liverpool, khi có những thời điểm Oezil đã tỏ ra khá vất vả.
Khoảng phút thứ 17 của trận đấu, máy quay lia đến vị trí của tiền vệ người Đức. Khuôn mặt anh khi ấy đã ướt đẫm mồ hôi, và xin nhắc lại, đó là ở phút thứ 17, hoặc có thể hơn 1 chút.
Điều đó có thể được lý giải bởi Oezil không có được thể lực tốt nhất cho trận đấu nhưng vẫn phải ra sân. Nhưng nếu không, chỉ có thể hiểu là do thể lực khá “đuối” của cầu thủ này so với mặt bằng chung Premier League.
Oezil tỏ ra khá mệt mỏi ở trận gặp Liverpool
Tất nhiên, lối chơi, sự xuất sắc của Oezil là ở chỗ mặc dù anh không đi bóng nhiều như CR7 hay Messi, nhưng chỉ một đường chuyền sáng tạo cũng là đủ để thay đổi thế trận.
Ngôi sao gốc Thổ không có thói quen cầm bóng theo cái cách của các cựu tiền vệ Arsenal như Cesc Fabregas hay Patrick Vieira trước đây. Và đó là lý do khiến anh đuối sức khi phải đuổi theo guồng quay của các đồng đội mới.
Khán giả Premier League cũng đã quen với hình ảnh các cầu thủ chạy hùng hục suốt 90 phút. Họ không thích xem, dù là một ngôi sao, cứ nhẩn nha chờ đợi thời cơ và cả trận cứ phải ngóng chờ một vài khoảnh khắc xuất thần.
Đó từng là hoàn cảnh của Andrey Arshavin trước kia. Tiền vệ người Nga không phải mẫu cầu thủ chịu khó di chuyển và tìm bóng, dẫn tới hậu quả là từ một bản hợp đồng kỉ lục, Arshavin nhanh chóng biến thành “kẻ phản diện” trong mắt các fan “Pháo thủ”.
Arshavin từng gặp nhiều khó khăn tại đội chủ sân Emirates
Tất nhiên, Premier League lúc này đã khác. Các đội bóng hàng đầu xứ sở Sương mù đều đang có cho mình những tiền vệ sáng tạo để đa dạng hóa và làm mềm đi lối chơi vốn khá thô kệch của bóng đá Anh truyền thống.
Nhưng để ý kĩ thì ngay cả những tiền vệ sáng tạo của các CLB khác cũng đang phải thích nghi một phần với lối chơi thể lực của Premier League. David Silva là mẫu cầu thủ bé nhỏ và sở hữu tốc độ rất tốt, cũng như sức bền đảm bảo có thể hoạt động năng nổ suốt 90 phút.
Juan Mata cũng là một trường hợp tương tự. Anh có khả năng phát huy sức sáng tạo của mình dù ở tốc độ cao, và với sự xuất hiện của Jose Mourinho, Mata cũng đang cố gắng cải thiện nền tảng thể lực.
Ngay cả Oscar, tiền vệ người Brazil đã chiếm suất đá chính của Mata tại Stamford Bridge, cũng là một sự hòa trộn giữa lối chơi tinh tế và quyết liệt, có khả năng tự mình ghi bàn chẳng thua gì Frank Lampard trước kia.
Tiền vệ Oscar
Ngay cả hai tiền vệ khác của Arsenal lúc này là Santi Cazorla và Aaron Ramsey cũng luôn chơi với nguồn năng lượng vô tận song song với kĩ thuật cá nhân đã ở mức thượng thừa.
Dù sao, Oezil cũng chỉ vừa mới chuyển tới Premier League từ La Liga, một giải đấu có tốc độ thấp hơn nhiều. Tại xứ sở đấu bò, các đội bóng có rất nhiều khoảng trống ở giữa sân để thoải mái tìm phương án tấn công. Đương nhiên khi tới Arsenal, Oezil phải vất vả để làm quen với sự khốc liệt của môi trường mới.
Điều Oezil cần có lẽ chỉ là thời gian. Anh mới chỉ đá 11 trận kể từ khi gia nhâp “Pháo thủ”. Không nhiều ngôi sao có thể ngay lập tức tạo dấu ấn tại Premier League như những gì anh làm được cho tới nay. Arshavin hiểu rất rõ điều này.
Nhìn theo một hướng tích cực hơn, có thể đặt câu hỏi rằng: một Oezil chưa hòa nhập đã đáng sợ đến thế, thì khi anh thực sự bắt kịp tốc độ Premier League, Arsenal sẽ còn “khủng” đến thế nào?