Sơ đồ xuất phát
Nếu như Arsenal ra sân với sơ đồ quen thuộc 4-2-3-1 với chỉ một thay đổi nhỏ khi sử dụng Tomas Rosicky bên cánh trái thay vì Santi Cazorla như dự kiến, thì Jose Mourinho lại bố trí một chiến thuật 4-3-3 hoàn toàn khác biệt so với Chelsea ở những trận trước. Đội khách đặt nặng sức chiến đấu ở tuyến giữa, với cả 3 tiền vệ trung tâm đều có xu hướng kiểm soát và thu hồi bóng bao gồm Ramires, Frank Lampard và John Obi Mikel.
Oezil lại chơi mờ nhạt
Mesut Oezil là cầu thủ đẳng cấp thế giới, hẳn là hơi thừa khi nhắc lại điều đó. Nhưng cho tới giờ, anh vẫn chưa một lần tạo nên sự khác biệt cho Arsenal trong những trận cầu lớn tại Premier League. Trận đấu hôm qua tại Emirates cũng không phải ngoại lệ.
Khả năng chuyền bóng, vốn là điểm mạnh của tiền vệ người Đức, đang ngày càng tỏ ra sa sút. Đồng ý rằng chính anh là người kiến tạo bàn thắng thứ 2 cho Aaron Ramsey trong chiến thắng 2-0 trước Liverpool, nhưng khi đối mặt với Chelsea, anh lại hoàn toàn im tiếng. Oezil chuyền thành công 19 trên tổng số 23 lần trong vòng cấm địa, nhưng chẳng có tình huống nào tạo nên cơ hội ăn bàn. Và khi Chelsea lui xuống thấp hơn, đồng thời chỉ cắm một mình Fernando Torres phía trên, cựu tiền vệ Real Madrid đã chẳng thể tìm thấy một khe hở nào.
Một cầu thủ lớn cần tỏa sáng trong những trận cầu lớn. Arsenal cần điều đó ở Oezil, nếu như họ vẫn còn tham vọng chinh phục danh hiệu vô địch.
Nhưng đâu chỉ có một mình Oezil...
Trong trận thua 3-6 tại Etihad, những đường chuyền của Arsenal tỏ ra thiếu chính xác. Họ được biết tới với lối đá một chạm, bật nhả nhanh và hoàn hảo. Nhưng trước Man City, điều đó không còn được duy trì. Tình huống điển hình cho nhận định trên là đường chuyền hỏng của Oezil cho Mathieu Flamini bị Fernandinho cắt được và tận dụng ghi bàn thắng.
Trước Chelsea, những đường chuyền bóng của “Pháo thủ” lại tiếp tục tỏ ra mệt mỏi và cẩu thả. Đội chủ nhà có tổng cộng 545 đường chuyền (nhiều hơn 205 lần so với Chelsea), nhưng tỉ lệ thành công lại chỉ hơn có 6%. Họ chuyền thành công 458, đạt tỉ lệ 84%. Đội khách cầm bóng ít hơn, nhưng lại tạo ra được tới 13 pha dứt điểm (trong đó 4 trúng khung thành), trong khi Arsenal chỉ có 7 cơ hội và chỉ 1 lần thực sự khiến Petr Cech phải gặp khó khăn.
Với Walcott, Arsenal đánh mất sự cân bằng và nhuần nhuyễn
Thật dễ hiểu vì sao Wenger lựa chọn Walcott. Tiền đạo người Anh với tốc độ đáng nể hứa hẹn sẽ tạo nên những khác biệt, cùng với đó là thành tích ghi bàn ấn tượng trong quá khứ mỗi khi chạm trán Chelsea (5 bàn).
Tuy nhiên, Mourinho không “ngây thơ” để kế hoạch sử dụng Walcott của Wenger được thuận lợi như dự kiến. Mỗi khi tiền đạo này có bóng, lập tức 2 cái bóng áo xanh ập tới và không cho anh khoảng trống để xâm nhập sâu hơn. Về khoản “phá” lối chơi của đối thủ, vẫn chẳng ai qua mặt được “Người đặc biệt”.
Walcott là một cầu thủ bám biên thuần túy. Anh không đủ nhạy bén và kỹ thuật để có những pha phối hợp thần tốc và khó kiểm soát, trái ngược hoàn toàn với Cazorla. So với tiền vệ người TBN, Walcott dễ bắt bài hơn rất nhiều. Không những thế, ý thức phòng ngự hạn chế của cựu cầu thủ Southampton khiến Bacary Sagna không dám dâng cao hỗ trợ tấn công.
Lẽ ra, Wenger nên tung Cazorla vào sân trong hiệp hai thay vì cứ cố đặt hy vọng vào Walcott.
Một Mourinho “tiêu cực” đã trở lại
Chiến lược của Mourinho trận này là nhường thế chủ động cho Arsenal và chơi phòng ngự phản công. Điều đó thể hiện quá rõ qua cách ông bố trí Mikel, Lampard và Ramires giăng ngang ở trung tuyến. Willian và Hazard là những tiền vệ cánh được kỳ vọng ở khả năng chớp thời cơ tốt. Và phía trên, Fernando Torres cũng là mẫu cầu thủ tấn công tương tự.
Hệ quả tất yếu của chiến thuật đó là cả hai cầu thủ sáng tạo nhưng ít thiên hướng phòng ngự Oscar và Juan Mata đã phải ngồi dự bị. Hiển nhiên, Mourinho đã không sai nếu như ông chỉ cần kết quả hòa. Nhưng nếu có một trong hai cái tên ấy trong đội hình, những tình huống tấn công của Chelsea hẳn sẽ nguy hiểm và khó lường hơn.
Trong số 3 tiền vệ trung tâm của “The Blues” trận này, Lampard là người chơi ấn tượng nhất. Tiền vệ 35 tuổi 1 lần đưa bóng chạm khung gỗ trong hiệp một, đồng thời cùng với Hazard và Willian tạo ra 8 cơ hội ăn bàn. “Người không phổi” cũng tham gia tích cực khâu phòng ngự từ xa với 6 lần cướp được bóng, 5 lần tắc bóng thành công.
Cahill và Terry là “cặp đôi hoàn hảo”
Dù đã “đắc tội” với không chỉ cậu bạn thân Wayne Bridge mà còn với niềm tin từ người hâm mộ xứ sương mù, nhưng chẳng thể phủ nhận John Terry vẫn là một trung vệ đẳng cấp. Anh chưa bao giờ mạnh về tốc độ, nhưng khả năng kiểm soát bóng cùng với những kỹ năng phòng ngự nơi cầu thủ này vẫn không hề suy giảm. Trong khi bên cạnh anh, Gary Cahill vẫn luôn thể hiện được sự ăn ý tuyệt vời.
Cựu hậu vệ Bolton sở hữu những kỹ năng phòng ngự tương tự như người đàn anh, hơn nữa anh lại có sự cơ động và tốc độ tốt. Cahill đã có 7 pha cướp bóng, tức chỉ kém mình Sagna. Anh là cầu thủ chuyền bóng tốt nhất bên phía Chelsea, với 36 lần thành công sau 43 đường chuyền bóng (đạt tỉ lệ 84%). Con số đó của Terry cũng không thua kém nhiều (80%), với 9 lần phá bóng và 4 lần không chiến thành công.
Bộ đôi trung vệ người Anh đã có hàng loạt những pha chặn bóng và can thiệp phòng ngự hiệu quả trước Arsenal. Đặc biệt, họ đã vô hiệu hóa gần như hoàn toàn Olivier Giroud, cầu thủ đá cao nhất của đội chủ nhà.