Với những cái trên như Rafael, Welbeck, Cleverley, Jones, Smalling, Januzaj… thì Moyes hẳn đang có vốn về lâu về dài. Họ tất nhiên còn non, chưa ai trong số đó vươn lên đẳng cấp hàng đầu lúc còn rất trẻ, như trường hợp Wayne Rooney, khi anh khoác áo Man United lúc mới 19 tuổi. Dĩ nhiên, những ngôi sao hiếm có như Rooney thì không phải lúc nào Man United cũng có. Vì họ luôn phải cạnh tranh với rất nhiều đội bóng lớn khác cũng giàu có, lừng lẫy về truyền thống và cũng có nhiều chiêu trò lôi kéo nhân tài chẳng kém Ferguson ngày trước.
Nhưng, không phải ai cũng cũng tâm huyết như Sir Alex. Ông thường xuyên có mặt xem Man United của Moyes thi đấu, dù Quỷ đỏ chật vật, thậm chí nhiều lần gây thất vọng lớn. Song Ferguson không bao giờ mất niềm tin vào hiện tại, xuất phát từ chính những gì chính ông đã gây dựng.
Man United ở thời kỳ hậu Ferguson được tạo dựng từ nền tảng của chính Sir Alex, khác với khi Ferguson tiếp quản đội chủ sân Old Trafford vào năm 1986 từ tay Ron Atkinson. Khi đó, Man United giống một bãi rác khổng lồ ở thành phố công nghiệp Manchester. Và Ferguson phải cất công dựng lại tất cả từ một đống đổ nát để biến nó thành một mỏ vàng, một giá trị bền vững của Premier League qua 2 thập kỷ.
Tương lai bắt nguồn từ nền móng của tuổi trẻ, không phải chỉ cho Ferguson mà còn cho người sẽ kế nhiệm ông. Chính vì thế, Sir Alex rất ưu ái cho các cầu thủ trẻ bên cạnh việc vẫn thu nạp những cựu binh thật sự cần thiết, ngay cả khi chỉ dùng được trong thời gian ngắn. Ví dụ Henrik Larsson, Laurent Blanc hay Edwin van der Sar. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân, Ferguson dư sức xây dựng lực lượng vừa đủ “chín” trong quãng thời gian ông trị vì ở Old Trafford, còn sau đó thì đó không còn là chuyện của vị HLV 27 năm dẫn dắt Man United.
Nhưng Ferguson đã không ích kỷ, cũng vì thế mà từ chiếc ghế HLV cho đến lực lượng, Sir Alex đều tính trước ai sẽ là những người cần thiết. Moyes được bổ nhiệm chủ yếu vì Ferguson muốn có một người có những phẩm chất giống ông. Ferguson ủng hộ Moyes sử dụng lứa trẻ, dần thay thế những cựu binh giàu kinh nghiệm, đầy kiêu hãnh nhưng không thể phủ nhận đã qua thời đỉnh cao. Moyes cứng rắn với Rio Ferdinand, Patrice Evra, Nemanja Vidic, cũng giống Ferguson từng nghiêm trị những ngôi sao nát rượu của M.U ngày trước.
Công việc, chứ không phải tình riêng, là tiêu chí hành động của Ferguson, cũng như Moyes. Ferguson ươm mầm, Moyes phát triển. Và Man United lại hy vọng có một thế hệ trẻ tài năng tương tự “thế hệ 92” vốn là nền tảng thành công của Sir Alex. Đó cũng là chủ trương xuyên suốt của lãnh đội Man United, với một ý chính rất rõ: bất kỳ HLV nào thì đội chủ sân Old Trafford cũng sẽ sử dụng những gì Ferguson để lại, một cách đúng đắn và hợp lý.
Hãy còn quá sớm để kết luận về thành - bại của lứa trẻ M.U, vì Ferguson mới chỉ ra đi, còn những Cleverley, Jones hay Januzaj cần có thêm thời gian để kiểm định giá trị thật của họ. Vì Man United sa sút nhanh hơn dự kiến ở thời hậu Ferguson, nên những chiến binh trẻ của Moyes sẽ phải trưởng thành sớm. Khó, nhưng không bất khả thi, bởi khi Ferguson lăng xê Beckham, Butt, Scholes, Giggs, anh em Neville gần 2 thập kỷ trước, rất nhiều người tiên đoán ông sẽ thất bại.
Đường dài mới biết ngựa hay, Man United đang đi đúng hướng dù có thể chưa đạt hiệu quả ngay mùa này.