Nhưng cần nhìn ra một bức tranh rộng hơn để thấy rằng Chelsea đang phát triển theo một chiều hướng ngược lại. Họ thậm chí còn đang trở thành một trong những nhà đầu tư (hay là đầu cơ, tùy cảm nhận) lớn nhất trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ thế giới.
Chelsea đang có tổng cộng 22 cầu thủ được đem cho mượn ở khắp nơi trên thế giới. Nếu tính cả 4 cầu thủ vừa trở về Chelsea sau khi hết thời gian cho mượn, là Sam Hutchinson, Gael Kakuta, Josh McEachran và Chalobah, những người chắc chắn sẽ được đem cho mượn tiếp, thì họ đang có tổng cộng 26 khoản đầu tư rải rác khắp châu Âu. Con số lớn khủng khiếp với bất kỳ CLB nào, kể cả Man City – đội bóng đang mua cầu thủ trẻ như mua rau vài năm gần đây.
Một số trong đó là những cầu thủ từ Học viện của Chelsea, một số khác, được họ mua về từ khi còn trẻ với giá rẻ, và chỉ cần một vài trong số đó thành công, thì Chelsea thu lãi lớn.
Thế nên thương vụ đại diện tiêu biểu nhất cho Chelsea của kỳ chuyển nhượng này, phải là việc bán Kevin De Bruyne cho Wolfsburg với giá 15 triệu bảng (dự kiến hoàn tất trong vài ngày tới), thu lãi hơn gấp đôi vốn bỏ ra. Và De Bruyne thì Chelsea đâu có tự phát triển? Họ mua về rồi đem cho mượn.
2. Đó là một chiến dịch đầu cơ đã được Abramovich và cấp dưới quy hoạch cho tương lai của Chelsea, nhằm chống lại sức ép công bằng tài chính từ UEFA.
Chiến dịch này được điều khiển bởi cánh tay phải của Abramovich, GĐKT Michael Emenalo, với 26 cầu thủ trẻ thuộc 14 quốc tịch và đang chơi ở 9 giải đấu khác nhau. Họ đang “chơi chứng khoán tài năng” một cách hết sức nghiêm túc.
Và thị trường đã đáp lại Chelsea một cách rất nồng hậu. Ngoài De Bruyne, nếu lúc này họ quyết định bán Romelu Lukaku (chân sút số 1 của Everton) hay Thibaut Courtois (thủ môn số 1 của Atletico) thì số lãi sẽ là bao nhiêu? Hoặc họ có thể đưa những người đó về sử dụng, thì lợi ích cũng tương đương với hàng chục triệu bảng tiền mặt.
Cuối mùa này, Chelsea có thể tự hào rằng họ đã... vô địch giải Hà Lan. Vitesse đang cạnh tranh chức vô địch ở Hà Lan với một bộ sậu cầu thủ mượn từ Chelsea, gồm Hutchinson, Kakuta, Van Aanholt, Cuevas...
3. Chiến dịch “chứng khoán hóa cầu thủ” của Chelsea, theo nhiều nhà phân tích, có thể tác động không nhỏ đến bộ mặt bóng đá châu Âu.
Các CLB lớn sẽ rất dễ dàng đi đầu cơ kiểu này. Cầu thủ trẻ nào mà chẳng muốn có, dù chỉ một chút cơ hội, được chơi bóng cho Man City, Chelsea, Barca, Bayern... Họ có rất nhiều lợi thế khi đi “thu mua tài sản”.
Cách làm ăn kiểu này sẽ tạo ra một mô hình gần giống bóng đá Nam Mỹ, nơi các tay cò mua đứt giá trị của một cầu thủ rồi kiếm lời trên sự thành công của anh ta. Nhưng trong khi việc sở hữu kiểu đó là ngoài vòng pháp luật, thì ở đây Chelsea đường hoàng đi đầu cơ.
Từ một công tử chuyên tiêu tiền của “ông bô” Abramovich, bây giờ Chelsea đang có dáng dấp của một tay đầu cơ lọc lõi.