Chính David Moyes đã thừa nhận ông không nghĩ rằng M.U có thể thuyết phục thành công Chelsea trong thương vụ của Juan Mata. Có thể chiến lược gia của M.U nghĩ rằng thành tích bết bát mùa này của ĐKVĐ Premier League sẽ khiến Mata không hứng thú. Nhưng có lẽ cũng chính vì lí do này mà Mourinho lại đồng ý để số 10 của Chelsea đến Old Trafford chứ không phải là những đối thủ kình địch như Manchester City, Arsenal hay Liverpool.
Ngoài ra, bán Mata cho M.U chả khác gì việc Chelsea “gửi gắm” cậu học trò cưng đến sân Old Trafford. Mourinho thừa thông minh để hiểu khả năng của Mata đến đâu và nó sẽ giúp ích cho Chelsea rất nhiều mỗi lần M.U đụng độ các đối thủ hàng đầu tại Premier League. Bên cạnh đó, Chelsea sẽ không phải lo về Luật cân bằng tài chính khi thu được một số tiền lớn từ việc bán Mata 37,1 triệu bảng để dùng đầu tư cho các mục tiêu chuyển nhượng khác.
Còn với riêng Mata, việc chuyển sang Man Utd gần như là điều tất yếu. Tại Chelsea, một là chơi theo cách Mourinho muốn, hai là phải ra đi. Tất nhiên một cầu thủ như Mata không muốn phải lui về sâu để tham gia phòng ngự, anh cần được bố trí chơi tự do để phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Mata mang đến sự sáng tạo cho tuyến giữa của M.U
Cái Chelsea thừa lại là thứ mà M.U đang rất thiếu. Họ quá thiếu sáng tạo ở tuyến giữa kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu. Lối chơi của David Moyes là quá đơn giản và các tiền vệ không biết làm gì khác ngoài việc chuyền bóng ra biên cho các cầu thủ chạy cánh tạt bóng.
Mata hội tụ đủ các yếu tố mà M.U đang cần và BLĐ Quỷ đỏ đã không tiếc tiền khi phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB để đưa bằng được tuyển thủ người Tây Ban Nha về Old Trafford. Nhưng có một điều cả Mata và các CĐV M.U không tính đến, đó là HLV trưởng của Quỷ đỏ lúc này không phải Sir Alex mà là David Moyes.
Cựu HLV của Everton đặc biệt ưa chuộng lối chơi tạt bóng từ 2 biên. Dù dùng sơ đồ 4-4-2 hay 4-5-1, Mata đều buộc phải dạt sang 2 cánh và đó hoàn toàn không phải sở trường tiền vệ người Tây Ban Nha. Mata thích cầm bóng và biến mình thành trung tâm của cả đội, nhưng ở M.U nhiệm vụ đấy là của Rooney. Thế mới có chuyện trong nhiều trận đấu, người ta hay thấy Mata và Rooney thường “giẫm chân” nhau ở phía sau tiền đạo chủ lực.
Mata và Rooney đang giẫm chân nhau
Trong một chừng mực nào đó, mức độ “cứng nhắc” trong lối chơi của Moyes có thể so sánh ngang với Mourinho. Những tiền vệ kiến tạo muốn thành công dưới thời David Moyes như Steven Pienaar hay Leon Osman đều phải biết “tự do trong khuôn khổ”. Nghĩa là dù có được bố trí nhiều không gian để chơi như thế nào, một cầu thủ không được phép muốn làm gì thì làm và phải thường xuyên lui xuống hỗ trợ phòng ngự. Và điều này, như mọi người đều thấy, thì Mata không thể làm được.
Trường hợp của Mata chẳng khác gì “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi chuyển từ Chelsea sang Manchester United nhưng đây mới chính là lúc thử thách bản lĩnh và khả năng thích nghi cao của một trong những tiền vệ kiến tạo hay nhất Premier League.