Nhiều năm qua, Barca chưa bao giờ lép vế trên TTCN như vậy. Kể từ mùa 1992/93, tức đã 21 năm qua, họ luôn mua vài tân binh đắt giá, cho bằng anh bằng em. Ngay cả khi thành công rực rỡ ở kỷ nguyên của HLV Guardiola, họ cũng không bỏ thói quen mua sắm. Rất nhiều tân binh đắt đỏ hạ cánh xuống Nou Camp từ năm 2009 tới 2011, như Ibrahimovic, Chygrynskiy, Villa, Fabregas. Ngay cả ở 2 mùa gần đây, dù phải thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu của chủ tịch Sandro Rosell, Barca cũng đều mua về 2 tân binh chất lượng: Fabregas, Sanchez (2011/12), Alba và Alex Song (2012/13).
Vậy tại sao, một “ông hoàng mua sắm” như Barca lại đang trở nên ky bo? Tiền chắc chắn không phải là vấn đề chính của đội bóng Catalan. Trong khoảng 10 năm qua, chưa bao giờ tài chính Barca lại vững vàng như hiện tại, vì những cải cách mang tính cách mạng của “nhà kinh tế” Sandro Rosell. Đặc biệt sau 2 năm có phần tiết kiệm, ngân sách chuyển nhượng tại Nou Camp đã đầy đặn hơn nhiều.
Vậy có lẽ Barca cho rằng đội hình của mình đã hoàn thiện? Câu trả lời cũng là không! Thậm chí có thể nói, Barca đang sở hữu đội hình khá mỏng. Đặc biệt ở hàng thủ, Barca đang chỉ còn đúng 1 trung vệ đủ tin cậy là Pique, nếu trừ đi “lão thần” Carles Puyol và “hậu vệ bất đắc dĩ” Mascherano. Barca giờ cũng không có tiền đạo cắm thực thụ nào.
Vì vậy, nguyên nhân chỉ có thể là chính sách chuyển nhượng của Barca đã thay đổi, đúng hơn là dưới triều đại HLV Martino. Trước khi Tata gia nhập Nou Camp vào cuối tháng 7, Barca vẫn rất hăng mua sắm. Sau khi có siêu tân binh Neymar , họ còn muốn mua thêm vài ngôi sao đắt giá khác, như Thiago Silva, David Luiz hay Edinson Cavani.
Tuy nhiên, Barca gần như đã bỏ qua chiến dịch mua sắm sau khi Martino đến đây. Vị HLV người Argentina cho rằng việc sắp xếp lại lực lượng từ triều đại cũ quan trọng hơn nhiều so với việc mải mê tìm kiếm cầu thủ. Ngoài ra, Tata chẳng cần mua thêm cầu thủ cũng bởi ông đã hài lòng với lực lượng hiện tại. Tiếp đến, thực tế đã chứng minh, những kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử Barca được tạo nên không phải nhờ mua sắm rầm rộ, mà bởi chính sách tự đào tạo và tận dụng những gì sẵn có, đặc biệt đôn các tài năng trẻ từ lò La Masia lên phục vụ đội chính.
Do đó, việc Barca không còn mua sắm rầm rộ sẽ khiến ai thích chuyển nhượng thất vọng, song lại là tín hiệu tốt cho bản thân đội bóng Catalunya.