KHỦNG HOẢNG LÀ KHỦNG HOẢNG NÀO?
Có những cuộc tình mà bạn đã biết trước kết cục từ khi khởi đầu. Có những cặp khi quen nhau, bạn nhìn họ và lắc đầu “không hợp” rồi tuyên bố “thế nào cũng chia tay”. Chúng ta đang nói về mối tình của Barcelona và Martino . Những rạn nứt đầu tiên đến từ trận gặp Vallecano cuối tháng 9. Hôm ấy Barca thắng đến 4-0, nhưng Barca lần đầu kiểm soát bóng ít hơn đối thủ sau... 315 trận. Tờ Sport đã giật tít: Khủng hoảng.
Có lẽ David Moyes , Manuel Pellegrini hay Jose Mourinho cũng chỉ mong một cuộc khủng hoảng như vậy. Sự khó chịu từ truyền thông và các CĐV vẫn hằn lên từng bước đi của Barca dù cho họ đang có một trong những khởi đầu tốt nhất lịch sử. Khi Barca thắng 16 trận và chỉ hòa 4 trong 20 trận đầu dưới thời Martino, vẫn có thứ gì đó “bằng mặt không bằng lòng” trong mối quan hệ giữa Martino và Barca.
Và sự khó chịu ấy lộ ra sau trận thua Ajax (1-2 tại Champions League) và tràn ngập sau trận thua Bilbao (0-1, vòng 15 La Liga). Cách báo chí xứ Catalan ứng xử với trận đấu tại San Mames cuối tuần qua đã khiến cho Bilbao cảm thấy mình bị sỉ nhục. Barca thua Bilbao, một CLB mạnh, có bề dày truyền thống, là 1 trong rất ít những CLB tại châu Âu chưa từng rớt hạng trong lịch sử. Vậy mà báo chí Barca làm ra vẻ như Barca thua một đội hạng Ba khi dùng những từ như “xấu hổ” hay “khủng hoảng”. Người ta không bao giờ dùng từ “xấu hổ” khi thua một đội mạnh, người ta cũng không dùng từ “khủng hoảng” khi nói về một đội bóng đang dẫn đầu BXH và đã lấy vé vào vòng 1/8 Champions League.
Khủng hoảng ở đây cần phải hiểu là khủng hoảng về nhân dạng, về hình ảnh, về triết lý. Thành tích của Barca mà hiện diện ở Italia, Anh, Đức hay Pháp, Martino dứt khoát phải là một người hùng. Huống chi đây chỉ mới là lần đầu tiên Martino làm việc ở bên ngoài biên giới Nam Mỹ, khả năng thích nghi của Martino đáng được báo chí mổ xẻ và xem như một hiện tượng.
RẤT TIẾC, ĐÂY LÀ BARCELONA!
Barcelona, cũng như Real Madrid, có một văn hóa bóng đá đặc thù. Ở đó chiến thắng và vô địch thôi chưa đủ, bạn còn phải đáp ứng nhu cầu khắc nghiệt của các CĐV, phải tôn trọng văn hóa của CLB. Cái đen của Martino là ông đến sau thời kỳ thành công của Pep Guardiola và Tito Vilanova, nơi Barca đã vào trận đấu là giữ rịt bóng trong chân, luôn vượt trội trong mọi thông số kỹ thuật. Người ta không nhìn thấy Martino đang giúp cho Barca vượt qua một cuộc chuyển giao lịch sử, vực dậy một con tàu đắm, người ta chỉ thấy ông “phản bội” lại niềm tự hào mang tên tiqui-taca.
Cách đây 17 năm, cũng có một người chịu chung số phận với Martino là Bobby Robson. Mùa bóng duy nhất của vị HLV dễ mến này kết thúc với Cúp Nhà Vua, Siêu Cúp Tây Ban Nha và Cúp C2. Kết quả là ông phải ra đi vì... quá phụ thuộc vào Ronaldo “béo”. Thay thế cho Robson là Louis van Gaal, một thần tượng tại Ajax, mà Ajax chính là nơi khởi phát tiqui-taca cho Barcelona.
Môi trường bóng đá tại Barcelona là như vậy. Martino có thể thành công, nhưng đó là thành công theo kiểu Bielsa, kiểu Argentina chứ không phải kiểu Barca. Vậy thì phải chấp nhận chỉ trích. Người ta không quan tâm việc ông giúp Barca trải qua một khúc cua lịch sử, kệ luôn việc ông giải bài toán phụ thuộc Messi thành công, bỏ qua luôn chuyện ông giúp Neymar hòa nhập tuyệt vời.
Ai bảo ông vứt tiqui-taca vào sọt rác làm gì?