Để cho “công bằng”, hãy đặt vấn đề theo cách này: Giả sử, có một cầu thủ khác của Barca cũng vướng vào những vấn đề mà Messi đã gặp phải trong suốt một năm sóng gió vừa qua. Cầu thủ ấy cũng bỏ qua những lời khuyên của các chuyên gia để lao vào một cuộc chạy marathon giao hữu điên rồ suốt mùa Hè. Cầu thủ ấy có nguy cơ phải ngồi tù vì tội trốn nhiều triệu euro tiền thuế trong một thời gian dài. Cầu thủ ấy có bố bị nghi tham gia vào đường dây rửa tiền của mafia. Nói tóm lại, vì cầu thủ ấy mà cái tên Barca thường xuyên bị gắn với những câu chuyện tiêu cực. Liệu Barca có giữ lại một người như thế hay không?
Thực tế, ngay cả khi gạt hết những rắc rối phi chuyên môn ấy ra ngoài, thì Messi cũng đang hàng ngày hàng giờ khiến BLĐ Barca phải đau đầu. Họ luôn phải đối mặt với câu hỏi liệu Messi đã cảm thấy thực sự hài lòng và thỏa mãn hay chưa. Tata Martino, hàng xóm với gia đình Messi ở Rosario, được mời về theo “gợi ý”. Những cầu thủ không “phù hợp” đã bị tống đi không thương tiếc. Neymar được mang về để san sẻ bớt áp lực trên hàng công. Nói chung, “tiểu độc tài” - như người ta vẫn gọi sau lưng Messi - đã được đáp ứng gần như tất cả mọi yêu cầu về chuyên môn.
Nhưng anh và gia đình vẫn chưa hài lòng. Việc Ronaldo được Real Madrid tặng cho hợp đồng mới với mức lương chót vót khiến anh cảm thấy khó chịu. Đây không chỉ là vấn đề tiền bạc. Đây còn là vấn đề danh dự. Cầu thủ hay nhất thế giới phải nhận lương cao nhất.
Messi đang hàng ngày hàng giờ khiến BLĐ Barca phải đau đầu
Thế nên, khi Phó chủ tịch Javier Faus đặt ra một câu hỏi mà đa phần đều thấy hợp lý, rằng “tại sao phải nói chuyện hợp đồng mới với Messi khi hợp đồng hiện tại mới được ký chưa đầy 6 tháng trước”, Messi đã nổi khùng. “Ông ta chẳng biết gì về bóng đá. Ông ta cố điều hành Barca theo kiểu doanh nghiệp, nhưng Barca không phải là một doanh nghiệp”, anh nói.
Phản ứng ấy của Messi giống một hồi chuông báo động, và mỗi người có thể có một cách hiểu riêng. Những người muốn Messi gắn bó trọn đời với Barca sẽ cảm thấy lo ngại, bởi phản ứng ấy cho thấy anh thực sự đang không hạnh phúc về chuyện hợp đồng. Đội bóng cần phải hành động gấp trước khi quá muộn.
Nhưng sẽ có người xem việc Messi chỉ trích một quan chức và đặt câu hỏi về cách đội bóng vận hành là dấu hiệu nguy hiểm cho mối quan hệ đôi bên. Không ai dám chắc sau Faus sẽ không có những quan chức khác bị Messi “tấn công”. Đó là khởi đầu cho một cuộc chiến quyền lực.
Trong bài trả lời phỏng vấn nhân dịp ra mắt cuốn sách viết về Messi, nhà báo Guillem Balague tiết lộ một thông tin khiến nhiều người bất ngờ: Messi từng suýt rời Barca. Đó là vào năm 2005. Thời điểm ấy, Messi và người đại diện cũng bực mình vì một quan chức Barca nói rằng không cần thiết phải nói chuyện hợp đồng mới khi mà hợp đồng cũ vừa được ký không lâu trước đó. Cùng lúc, ông chủ Moratti hứa hẹn sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của Messi, và anh đã xiêu lòng. May cho Barca là Chủ tịch ở thời điểm ấy, Joan Laporta, đã thành công trong việc thuyết phục anh đổi ý.
Với lời hứa sẽ biến Messi thành cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới, Rosell có lẽ sẽ nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhưng hệ lụy thì thực sự khó lường. Barca bây giờ không chỉ phụ thuộc Messi trên sân, mà còn là nô lệ cho những mong muốn cá nhân của cầu thủ này.