1. Tại sao lại có tỷ lệ vô lý này, thì chính phủ Tây Ban Nha đang tiến hành điều tra. Trong thời gian tới, họ sẽ yêu cầu FIFA và Santos (CLB cũ của Neymar) cung cấp hồ sơ và vẽ lên một bức tranh toàn cảnh. Lúc đó mọi chuyện mới trở nên rõ ràng.
Nhưng có một điều chắc chắn là con số 40 triệu euro kia, Barca bất đắc dĩ mới phải công bố, bởi có người tố cáo. Người phanh phui vụ này là Jordi Cases, một đối thủ chính trị của chủ tịch đương nhiệm Sandro Rossell.
2. Việc Barca chi tới 40 triệu euro “phí tư vấn” cho gia đình Neymar, chưa biết có vi phạm pháp luật hay không, nhưng nó thể hiện rằng Barca đã phải đánh đổi rất nhiều để có được tiền đạo này.
Đó là họ còn lờ đi một khoản tiền trị giá 10 triệu euro mà họ đã chi từ năm 2012 (có ghi trong báo cáo tài chính của CLB) cho một ai đó để chắc chắn rằng Neymar sẽ chọn thương lượng với Barca trước Real Madrid. “Ai đó” là ai thì phía Santos không trả lời được.
Theo nhiều nguồn tin, tổng giá trị của thương vụ này có thể lên tới gần 70 triệu euro chứ không phải 57 triệu, với rất nhiều khoản phí bôi trơn không rõ ràng.
Cứ cho là chủ tịch Rossell không xơ múi được gì trong những khoản chi ám muội này, nhưng có một điều rất dễ nhận ra, là ông thực sự đã “phá két” của Barca theo nghĩa đen để có Neymar.
Bởi vì cơ chế bầu cử chủ tịch của Barca và bóng đá Tây Ban Nha nói chung khiến ông luôn ở cái thế phải “phá két” - trả những khoản tiền cực lớn và đôi lúc là vô lý để ghi điểm với NHM, với cử tri.
Lúc Rossell nhậm chức, ông chì chiết người tiền nhiệm Joan Laporta đã đục rỗng ngân sách CLB, khiến Barca chìm trong nợ nần. Nhưng giờ thì ông cũng đang làm giống Laporta: sẵn sàng ném tiền ra cửa sổ để đổi lấy uy tín trong mắt cử tri.
70 triệu euro cho Neymar? Không sao cả. Giật được một cầu thủ trước mũi Real, như thế thì không có gì quá đắt cả.
Joan Laporta
3. Người ta còn nhớ rằng Joan Laporta đã để lại một Barca như thế nào. Sở hữu một siêu đội hình, đoạt mọi chiếc cúp nhưng két sắt rỗng tuếch, phải nợ cả lương cầu thủ và phá bỏ truyền thống của CLB để bán quảng cáo áo đấu.
Mô hình ở Barca tưởng là dân chủ nhưng hóa ra cũng giống M.U ở một điểm: đó là nơi mà các “sếp” sẽ hành xử vì lợi ích của họ, chứ không vì sự phát triển bền vững của CLB.
Ở M.U thì các ông chủ rút ruột đội bóng, ở Barca thì các ông chủ tịch nhắm mắt tiêu tiền “chùa” để mang lại uy tín cho bản thân. Thoạt nhìn CLB có vẻ được lợi, nhưng thật ra để có được Neymar, họ đã mất đi một số tiền phi lý khá lớn. Fabregas nữa, hơn 40 triệu euro mua cầu thủ này là để bổ sung sức mạnh cho Barca hay là để củng cố uy tín cho Rossell?
Rồi ở cả hai CLB ấy, các HLV và cầu thủ sẽ phải tự chèo chống để chống lại sự bất cập của giới lãnh đạo. Lò La Masia cứ gồng lên lấp những chỗ trống, mà đáng ra tiền chi cho Fabregas, cho bố mẹ Neymar, phải lấp vào.
Rồi thì Sandro Rossell có thể để lại một Barca với những chiếc két rỗng như Joan Laporta? Và cả ông Jordi Cases đang tố cáo bây giờ nếu lên nhậm chức cũng thế?