Nhưng Martino vẫn kiên trì đi theo con đường mà ông đã chọn, sẵn sàng hứng chịu chỉ trích vì dám cho Xavi ngồi ngoài, dám để Messi thỉnh thoảng dự bị. Các CĐV bỏ qua hết những điều tích cực mà ông mang lại: nâng Cesc Fabregas lên tầm trụ cột, cứu cho sự nghiệp đang sa sút của Alexis Sanchez... họ chỉ kêu gào tiếc nuối “di sản” tiqui-taca của mình mà thôi.
Nhưng trước Man City hôm giữa tuần, chính xác là trước một Man xanh quá sức hèn nhát, Barca đã trở lại với lối chơi đan dệt như cũ. Khi thế trận không mở, Barca đơn giản là không thể đá nhanh, không thể chuyền dài, không thể cầm bóng đột phá. Con đường duy nhất là đan dệt hòng tìm ra khoảng trống và họ đã làm điều ấy lành nghề nhất.
Bởi vì với các cầu thủ Barcelona, tiqui-taca đã thấm vào máu của họ, trở thành một phản xạ. Sau mấy năm trời bỏ xe đạp, bỏ bơi, nếu bạn quay lại sẽ có chút bỡ ngỡ, nhưng chỉ vài nhịp là đâu lại vào đấy. Một người biết đi xe đạp không thể té xe, một người biết bơi không thể chết đuối. Một người La Masia không thể quên tiqui-taca.
HLV Gerardo Martino đã trở lại con đường của Pep Guardiola.
Vấn đề chính là chỗ ấy. Barca đã quá quen với tiqui-taca nên họ không cần phải trau dồi nó nữa. Huống chi tiqui-taca đã đạt đến trình độ thượng hạng, không thể tốt hơn được nữa. Nó cũng đã được dùng nhiều đến mức... lạm dụng trong suốt 5 năm, từ khi Pep Guardiola ngồi lên ghế huấn luyện cho đến khi nhường nó lại cho Tito Vilanova.
Và khi bạn đã có một lối chơi đạt đến mức thượng thừa, cách tốt nhất là... chuyển sang đá cách khác. Martino đến từ bên kia Đại Tây Dương (Argentina), ông có triết lý bóng đá của riêng mình, ông hướng Barca đến những điều mới mẻ, tạm rời bỏ thói quen, tập chơi theo cách xa lạ. Đội hình Barca sở hữu toàn những cầu thủ có kỹ thuật siêu việt, đầu óc chiến thuật thông minh, chịu khó học hỏi. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã lĩnh hội được cách chơi mới của Martino. Nhờ thế, họ vẫn đang dẫn đầu BXH La Liga, vào chung kết Cúp Nhà vua và vé tứ kết Champions League đã trong tầm tay.
Phàm một đội bóng đã chơi chuyền ngắn thì lại không giỏi chuyền dài, đã đá kỹ thuật thêu hoa dệt gấm thì không giỏi đá trực diện mạnh bạo, đá cánh hay thì trung lộ không giỏi lắm. Nhưng như đã nói, các cầu thủ Barca rất thông minh và có thể thích ứng với nhiều sơ đồ chiến thuật lẫn cách chơi khác nhau. Trong truyện Kim Dung, có một nhân vật thú vị tên Châu Bá Thông. Vị này tính tình trẻ con, nhưng thông minh xuất chúng, trong lúc buồn chán đã nghĩ ra thuật “Song thủ hỗ bác”, lấy tay trái đánh với tay phải. Hai tay đi hai bài quyền hoàn toàn khác nhau. Đến khi lâm trận đánh thật thì không khác gì có 2 Châu Bá Thông đấu với đối thủ.
Nếu Barca quả thật đã học được “Song thủ hỗ bác”, vừa tấn công hay vừa phản công giỏi, vừa đá cánh vừa đập nhả trung lộ nhuần nhuyễn, họ quả thực là một đội bóng đáng gờm, chứ không phải là “Barca yếu nhất trong nhiều năm” như Jose Mourinho từng nói.