Bóng Đá Plus trên MXH

"Mổ xẻ" mô hình và triết lý của Bayern Munich
20:42 ngày 21/10/2013
Bayern Munich hiện không chỉ là mục tiêu cần phải đánh bại của các đối thủ ở Bundesliga lẫn Champions League, mà còn là một hình mẫu đáng để học hỏi trong việc phát triển bền vững.
    Bất kì đội bóng nào trên thế giới đều hướng đến mục tiêu giành chiến thắng, đoạt danh hiệu và duy trì thành công. Điều được nhắc đến sau cùng được cho là nhiệm vụ khó khăn nhất mà không phải đội bóng nào cũng có thể làm được.

    Real Madrid, AC Milan, Bayern Munich, Barcelona hay M.U đã làm được điều đó trong nhiều thập kỷ. Đó không phải là những đội bóng giàu có nhất châu Âu hiện nay. Nhưng những đội “giàu tiền lắm của” hơn Real, Milan, Bayern hay Barca không duy trì được sự thành công. Vậy điều gì giúp những đội bóng kể trên có được sự phát triển bền vững như thế?

    Bayern Munich: Kẻ khiến cả châu Âu phải ghen tỵ


    Trong khuôn khổ bài báo này sẽ tập trung nói về bí quyết thành công của Bayern trong những năm gần đây. “Hùm xám xứ Bavaria” là đội bóng thành công nhất trong lịch sử bóng đá Đức, và cũng là một trong những CLB hùng mạnh nhất châu Âu. Bayern hiện đang giữ kỉ lục về số lần vô địch các giải quốc nội (23 lần đăng quang ở Bundesliga, 16 lần đoạt Cúp Quốc gia Đức). Ở tầm châu lục, họ đã giành được 5 chức vô địch Champions League (tính cả trước khi giải đấu này đổi tên), chỉ kém Real Madrid (9) và Milan (7).

    Hiện tại, Bayern đang là mục tiêu cần phải đánh bại của các đối thủ ở Champions League khi đang là đương kim vô địch. Sau khi cùng cựu HLV Jupp Heynckes đoạt cú "ăn 3” ở mùa 2012/13, Bayern dưới thời Pep Guardiola đang có nhiều sự thay đổi, nhưng họ vẫn giữ nguyên sức mạnh hủy diệt cũng như khát khao chiến thắng.


    Mario Goetze đang thi đấu thăng hoa tại Bayern sau thời gian dưỡng thương

    Gây dựng, mượn hoặc mua

    Đây là tựa đề của cuốn sách nổi tiếng “Build, Borrow or Buy” được phát hành trong năm 2012 do 2 giáo sư Laurence Capron và Will Mitchell cùng biên soạn. Nội dung của cuốn sách này nói về vấn đề “phát triển”, điều khiến bất cứ tổ chức doanh nghiệp nào trên thế giới cũng phải trăn trở từng ngày từng giờ.

    Những luận điểm đưa ra trong cuốn sách này đã được đón nhận nồng nhiệt bởi các độc giả trên toàn thế giới. Rất nhiều vị CEO và các lãnh đạo doanh nghiệp đã sử dụng những nội dung của “Build, Borrow or Buy” để làm tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển cho các tổ chức của họ. Cũng từ cuốn sách này, người ta có thể hiểu được vì sao Bayern Munich có thể duy trì sự thành công trong môi trường bóng đá đỉnh cao trong suốt một thời gian dài.

    Ý tưởng cơ bản mà “Build, Borrow or Buy” đưa ra là một tổ chức doanh nghiệp có thể phát triển theo 1 trong 3 phương thức. Áp dụng vào trường hợp của Bayern, 3 phương đó chính là:

    -    Gây dựng (dựa vào nội lực): Đội bóng tận dụng nguồn cầu thủ trẻ do chính họ đào tạo nên.
    -    Mượn (dựa vào ngoại lực): Đội bóng mượn về những cầu thủ cần thiết nhờ vào mối quan hệ với các đội bóng khác.
    -    Mua: Đội bóng dùng tiền chiêu mộ những cầu thủ mà họ cần.

    Nhiều đội bóng trên thế giới thường chỉ áp dụng 1 trong 3 phương thức nói trên, hoặc chỉ chăm chăm đi mua cầu thủ, hoặc chỉ dùng “cây nhà lá vườn”. Và phần lớn những đội bóng như thế không duy trì được thành công về lâu dài. Ví dụ như Anzhi (Nga), sau một thời gian dài vung tiền chiêu mộ các ngôi sao hàng đầu thế giới với những mức đãi ngộ cực kỳ hậu hĩnh, họ đang bước vào giai đoạn thoái trào. Việc “lót tay” cho Eto’o – cầu thủ từng nhận mức lương cao nhất thế giới, để tiền đạo người Cameroon sang Chelsea trong kì chuyển nhượng vừa qua đã cho thấy sự bất ổn trong kế hoạch dùng tiền xây dựng lực lượng. Hay Arsenal, đội có chủ trương dùng cầu thủ tự đào tạo đã bị “cướp” không ít những ngôi sao mà họ dày công rèn giũa bởi những đội bóng giàu có hơn.

    Nhưng Bayern thì khác, họ kết hợp cả 3 phương thức trên một cách hài hòa. Đến đây, hãy cùng nhìn kỹ hơn vào chiến lược phát triển của đội chủ sân Allianz Arena.

    1. Gây dựng

    Những đội bóng giàu truyền thống luôn có những “lò” đào tạo chất lượng. Những cầu thủ trưởng thành từ đó sẽ được trọng dụng ở đội 1. Bayern, Barca, M.U và Ajax là những ví dụ điển hình cho chính sách tận dụng nội lực này. Thách thức mà chính sách này gặp phải là làm sao phải giữ chân những “gà nhà” tài năng về lâu dài. Chỉ khi có một nguồn lực tài chính vững mạnh, đội bóng mới có thể giữ quân trước những lời mời đầy hấp dẫn từ các đối thủ.

    Bayern đang thành công trong việc tận dụng nội lực để xây dựng đội hình khi có đến 6 cầu thủ trong đội 1 hiện nay đều trưởng thành từ học viện đào tạo của họ. Đó là Philipp Lahm (gia nhập đội trẻ từ năm 1995), Bastian Schweinsteiger (1998), Thomas Mueller (2000), Holger Badstuber (2002), Toni Kroos (2006) và David Alaba (2008).


    Thomas Mueller, một trong những tài năng trẻ trưởng thành từ "lò" đào tạo của Bayern

    Hiện tại, Bayern vẫn đang chú trọng đầu tư cho khâu đào tạo trẻ, vì họ hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của chính sách này.

    2. Mượn

    Trong bóng đá, “mượn” bao gồm cả việc hỏi mượn và cho mượn cầu thủ. Điều này rất thiết thực đối với việc phát triển các nguồn lực của đội bóng. Nhưng hiện tại có rất nhiều đội bóng tỏ ra xem thường chính sách này.

    Ở những đội bóng hàng đầu có lực lượng hùng hậu, chắc chắn sẽ có những cầu thủ không có cơ hội chen chân vào đội hình chính. Nhưng đó lại là những cầu thủ có tiềm năng và được xem là “của để dành” cho tương lai. Vì vậy, các đội bóng sẽ phải tạo điều kiện cho những cầu thủ như thế cơ hội được thi đấu thường xuyên để trau dồi kĩ năng chiến đấu, tích lũy kinh nghiệm bằng việc đem cho mượn ở những đội bóng khác.

    Bayern đã làm rất tốt việc này với bằng chứng rõ nét nhất là cho mượn Philipp Lahm đến Stuttgart hồi năm 2004, để rồi giờ đây hậu vệ người Đức đang là thủ quân và giữ một vai trò rất quan trọng trong lối chơi của đội bóng. Ngoài ra, có thể kể đến trường hợp của Toni Kroos, người từng được “gửi gắm” ở Bayer Leverkusen trong vòng 18 tháng. Ngôi sao trẻ David Alaba trước khi tỏa sáng rực rỡ tại đội 1 của Bayern như hiện này cũng đã có thời gian “lưu lạc” ở Hoffenheim.

    3. Mua

    Đây có lẽ là phương thức dễ dàng nhất để bổ sung những cầu thủ chất lượng cho đội bóng. Tuy nhiên, cách làm này không đảm bảo đem lại thành công bền vững.

    Trong mùa Hè vừa qua, chúng ta đã chứng kiến Real, Barca, Monaco, PSG, Bayern Munich, Manchester City và Arsenal vung tiền mua những cầu thủ đẳng cấp. Như đã nói ở trên, cách làm này tạo ra sự bất công đối với các đội bóng nghèo. Điều thường thấy ở những đội không sẵn tiền là họ phải dựa vào những tài năng do chính mình đào tạo. Và điều bất cập là những đội bóng này không đủ khả năng giữ chân những cầu thủ trẻ một khi họ tỏa sáng và được mời gọi bằng những bản hợp đồng hấp dẫn từ những đối thủ giàu có hơn.

    Để tạo ra sự cân bằng, các đội bóng phải bán cầu thủ để bù đắp vào những khoản chi trong việc đưa về những người mới. Và Bayern cũng đang đáp ứng tốt tiêu chí này.

    Việc mua về những Mario Manzukic, Javi Martinez, Claudio Pizarro, Dante, Shaqiri đã giúp Bayern làm nên “cú ăn 3” lịch sử trong mùa giải vừa qua. Kì chuyển nhượng vừa rồi, Bayern tiếp tục mua về những cầu thủ như Mario Goetze (Dortmund), Thiago Alcantara (Barca) và Jan Kirchhhoff (Mainz).

    Hãy cùng xem bảng thống kê dưới đây để hình dung rõ hơn về sự cân bằng của Bayern trong việc mua – bán cầu thủ.

    Mùa 2013/14
    ·    Mua: Thiago, Goetze, Kirchhoff.
    ·    Bán: Gomez, Can, Gustavo.
    ·    Chi phí: 18.500.000 bảng (chi ra nhiều hơn thu về).

    Mùa 2012/13
    ·    Mua: Martinez, Manzukic, Shaqiri, Dante, Pizarro.
    ·    Bán: Olic, Pranjic.
    ·    Chi phí: 62.000.000 bảng (chi ra)

    Mùa 2011/12
    ·    Mua: Boateng, Neuer, Rafinha.
    ·    Bán: Klose, Altintop, Ottl.
    ·    Chi phí: 39.000.000 bảng (chi ra)

    Mùa 2010/11
    ·    Mua: Gustavo, Alaba.
    ·    Bán: Luca Toni, Van Bommel, Demichelis.
    ·    Chi phí: 9.700.000 bảng (chi ra).

    Mùa 2009/10
    ·    Mua: Robben, Gomez, Tymoshchuk.
    ·    Bán: Lucio, Podolski, Hummels.
    ·    Chi phí: 45.500.000 bảng (chi ra).


    Vòng đời cầu thủ


    Một đội bóng mạnh cần phải có sự cân bằng giữa cầu thủ trẻ và những ngôi sao lớn tuổi. Ở đây, khái niệm “vòng đời cầu thủ” không giống với “tuổi đời trung bình của đội bóng”.

    Với Bayern, tham vọng chiến thắng của họ không hề bị suy giảm dù vừa gặt hái thành công rực rỡ ở mùa giải trước. “Cú ăn 3” mùa 2012/13 đang là động lực để Bayern hướng đến những chiến tích vẻ vang hơn trong tương lai.

    Trong cuốn “Build, Borrow or Buy” được nhắc ở đầu bài, các tác giả đã nhắc đến khái niệm “vòng đời của liên minh”. Trong trường hợp của Bayern, khái niệm này được hiểu như “vòng đời của cầu thủ”.

    Trước hết, xin nhắc đến 4 giai đoạn trong sự nghiệp của 1 cầu thủ chuyên nghiệp, gồm:

    -    Ra mắt: Tính từ khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp.
    -    Trưởng thành: Giai đoạn này thường bắt đầu từ tuổi 19 đến 20, và kéo dài đến tuổi 30.
    -    Đạt đỉnh: Là thời điểm mà cầu thủ đó sung mãn nhất về thể lực và tinh thần, cũng như nền tảng kĩ thuật và tư duy chiến thuật đã được hoàn thiện.
    -    Sa sút: Đó là thời điểm cầu thủ bắt đầu sa sút về mặt phong độ và thể lực do yếu tố tuổi tác. Đây là thời điểm mà họ rất dễ bị cắt giảm thời gian thi đấu, và thường chọn phương án ra đi để có thể được ra sân thường xuyên hơn.

    Ở biểu đồ dưới đây, chúng ta có thể dễ dàng quan sát các cầu thủ của Bayer đang nằm ở giai đoạn nào trong sự nghiệp của họ.


    Lưu ý: Những con số ở cột bên phải tương ứng với số điểm về hiệu quả thi đấu của các cầu thủ

    Với một lực lượng gồm đa phần các cầu thủ đang thuộc giai đoạn trưởng thành, câu hỏi vì sao Bayern thành công được như mùa giải trước đã trở nên sáng tỏ. Và trong tương lai, đội hình này chắc chắn sẽ giúp “Hùm xám” phát triển ổn định và thành công hơn nữa.
    Chi Nguyễn • 20:42 ngày 21/10/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay