Sự xoay chuyển bối cảnh lớn ấy được tạo ra bởi khả năng xoay chuyển tình thế cụ thể trong trận đấu. Lại một lần nữa thày trò HLV Klopp chứng minh họ là đội chơi phản công hay nhất châu Âu. Mùa trước, Dortmund đã thể hiện khả năng tuyệt vời đó bằng việc đánh bại Real Madrid 4-1 sau những pha phản công. Lần này, Arsenal là nạn nhân.
Việc thiếu sự chỉ đạo của HLV Juergen Klopp cũng ảnh hưởng phần nào tới các phương án tấn công của đội bóng áo vàng-đen. Trong nửa đầu trận đấu, họ mới là đội kiểm soát tuyến giữa tốt hơn, chuyền bóng nhiều và chính xác hơn hay nói cách khác là chủ động hơn. Nhưng lúc đó thì Dortmund lại tỏ ra bế tắc trong việc chọn một phương án tấn công. Họ chỉ biết phất lên những đường chuyền dài và chờ đợi Lewandowski tỏa sáng.
Đến hiệp 2, khi tỷ số đã được Arsenal gỡ hòa (sau một tình huống xử lý khá lúng túng của Subotic và Weidenfeller) và đội chủ nhà thăng hoa, thì Dortmund đánh mất thế trận và bị dồn ép. Nhưng đó chính là lúc mà sở trường phản công của họ được phát huy. Rất đơn giản và mẫu mực: một pha bứt tốc bên cánh, một quả tạt mạnh nhưng chính xác vào vòng cấm, một tiền đạo xuất hiện đúng lúc và dứt điểm quyết đoán, thế là bàn thắng tới.
Tốc độ triển khai tấn công của Dortmund từ tư thế phòng ngự là điều mà những đội bóng có Ronaldo hay Messi cũng phải thèm muốn. HLV Klopp đã tạo ra một đội bóng rất chăm di chuyển, và ngay cả những cầu thủ tuyến đầu cũng có thể đứng gần bóng khi nó được phá ra từ những đợt tấn công của đối phương - sau đó họ chạy rất nhanh lên phía trên cùng nhau. Nói một cách đơn giản hơn, toàn bộ đội hình của Dortmund liên tục di chuyển theo quả bóng, cho dù đó có là trung phong như Lewandowski. Những phương án tấn công cũng vì thế đi theo họ sang tận phần sân nhà chứ không cần phải chờ bóng được “phất lên trên”.
Dù bàn thua xuất phát từ sai lầm của hàng phòng ngự, nhưng cũng không thể phủ nhận Dortmund đã có một ngày làm việc hiệu quả trước sức ép đôi lúc rất căng của Arsenal. Đặc biệt là việc phong tỏa được Mesut Oezil, khiến cầu thủ này có trận đấu tệ nhất kể từ khi khoác áo Arsenal. Thậm chí, đã có lúc anh phải nhận thẻ vàng vì ức chế khi để Hummels qua mặt, thứ tưởng như là đặc quyền của Oezil với các hậu vệ tại Premier League. Logic rất cơ bản: để có thể phản công, trước hết người ta phải phòng ngự hiệu quả.