Bóng Đá Plus trên MXH

Khám phá những nấc thang đưa Bayern lên vị trí số 1 toàn cầu
20:09 ngày 10/12/2013
Giám đốc điều hành Karl-Heinz Rummenigge của Bayern khẳng định CLB do các CĐV sở hữu này muốn học theo thành công thương mại của Premier League trong khi vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của số đông CĐV.
    Rummenigge giải thích về việc tại sao Bayern vươn lên cương vị như ngày nay, một câu chuyện về quan điểm kiên trì xây dựng một CLB do các CĐV sở hữu và các cựu cầu thủ điều hành, ở thượng tầng là Rummenigge, Franz Beckenbauer và cao nhất, suốt từ năm 1979, Uli Hoeness, khác biệt cơ bản với các đội bóng được rao bán, giá vé trên trời, những hào nhoáng nhờ tiền dầu mỏ và các tỉ phú Nga như tại Premier League.

    Bayern, vô địch Champions League, Bundesliga, Cúp QG Đức và Siêu Cúp châu Âu, sẽ tiếp CLB thuộc sở hữu của gia đình hoàng tộc Abu Dhabi Man City trong trận cuối cùng vòng bảng Champions League ở sân bóng kiêu hãnh có sức chứa 71.000 chỗ Allianz Arena, sau 10 chiến thắng liên tiếp ở giải đấu, một kỷ lục. Pep Guardiola, HLV được ngưỡng mộ trên toàn cầu của Bayern, mà riêng chữ ký của ông cũng ngang với một danh hiệu, có thể thường xuyên cho ra sân một đội hình với 7 tuyển thủ quốc gia Đức. Thế nhưng mọi thông tin vừa nêu đều không thu hút bằng việc 16.000 CĐV ở Bayern có may mắn được xem bóng đá chất lượng cao nhất của Bundesliga với giá vé cả mùa chỉ 150 euro (4,3 triệu đồng).

    Đó mới là điều khiến Hoeness và Rummenigge tự hào nhất, giá vé xem trận đấu rất rẻ, trong khi CLB vẫn thu hút nguồn ngân sách lớn từ hàng loạt hợp đồng tài trợ, thu nhập từ truyền hình và vé VIP, đảm bảo tổng doanh thu 433 triệu euro trong mùa 2012/13, cách biệt với các đội khác ở Bundesliga cả một dải ngân hà, giúp Bayern có thể cạnh tranh trong nhóm các CLB hàng đầu châu Âu.



    “Chúng tôi phải quan tâm tới trách nhiệm xã hội của một CLB bóng đá”, Rummenigge nói. “Chúng tôi có vé đắt, ở khu VIP, và nhờ đó chúng tôi có thể bán vé đứng với giá khoảng 7,5 euro/trận, rẻ hơn so với đi xem phim ở rạp tại Munich. Một người nghèo, thậm chí là thất nghiệp, có thể tới sân xem bóng đá. Đó là nghĩa vụ của chúng tôi. Tôi tin rằng đó là một phần câu chuyện thành công của Bundesliga; mỗi CLB cẩn thận tính toán để không tính giá vé quá cao; và nếu bạn xem các trận đấu qua truyền hình, bạn sẽ thấy sân luôn kín khán giả, một bầu không khí tuyệt vời, các CĐV ca hát và nhảy múa. Tôi cho rằng nhiều CĐV ở Anh thấy Bundesliga gần gũi vì kiểu văn hóa bóng đá cổ điển vẫn còn ở Đức”.

    Văn hóa bóng đá đó, được các CĐV Bayern gìn giữ cẩn thận, bao gồm cả nhóm ultra nổi tiếng Schickeria. Một cách hữu hiệu là quy định các đội Bundesliga phải do CĐV sở hữu, ngoài vài ngoại lệ mang tính lịch sử. Chẳng hạn như Wolfsburg thuộc sở hữu hãng xe hơi Volkswagen, hay Bayer Leverkeusen là của công ty dược phẩm Bayer.

    Ở Bayern, các thành viên có đăng ký, hiện là 225.000 người, vẫn sở hữu 82% đội bóng và bỏ phiếu 3 năm một lần cho các vị trí lãnh đạo cấp cao, bao gồm Hoeness, chủ tịch tối cao của đội bóng, người có trách nhiệm tạo ra một bầu không khí gia đình và sự thành công mang tính kế thừa.

    Bayern đã bán 18% cổ phần còn lại vào các năm 2002 và 2009 cho hai đại tập đoàn của Đức Adidas và Audi, thu về 165 triệu euro, rồi góp tiền đó vào xây sân bóng trị giá 346 triệu euro. Sau khi bán nốt quyền đặt tên cho hãng bảo hiểm Allianz, phần tiền vay để trả chi phí xây sân được thanh toán qua mọi trận đấu đều bán sạch vé kể từ khi nó khai trương vào năm 2005, và mọi chi phí dự kiến sẽ được thanh toán dứt điểm vào năm 2018.



    Hiện CLB không có kế hoạch bán thêm cổ phần, theo lời Rummenigge, bất chấp nhiều đề nghị mua lại. “Chúng tôi nhận được một số đề nghị từ khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ, từ các nước Ả-rập, muốn đầu tư vào Bayern”, ông nói, đồng thời từ chối nêu tên cụ thể. “Nhưng chúng tôi đều đã từ chối. Vì rõ ràng là các CĐV không thích và chúng tôi, thành thật mà nói, cũng không thích”.

    Sự tin tưởng ở mô hình CĐV sở hữu gần như là tuyệt đối, khi Bundesliga định chế hóa mô hình này vào năm 2001, thông qua một quy định chung mang tính biểu tượng khẳng định các CĐV phải sở hữu tối thiểu “50% + 1 cổ phần” ở các CLB. Bayern còn cực đoan hơn, tự quy định số cổ phần bán cho các sở hữu cá nhân của CLB không được nhiều hơn 30%. Rummenigge nói hệ thống này là rất cần thiết để đảm bảo sự quản trị tài chính bền vững và CLB không thể giống như Man City hay Chelsea, chỉ dựa vào sự giàu có của các cá nhân.

    “Có lẽ vì tôi từng chơi bóng ở trình độ cao nhất, tôi tin rằng chúng ta phải thận trọng trong bóng đá”, ông nói. “Đó là lý do tôi ủng hộ luật công bằng tài chính. Chúng tôi hy vọng Bayern Munich có thể trở thành một điển hình; duy trì mô hình CLB của mọi người, để các cựu cầu thủ tham gia quản lý, cơ bản là thế. Ở Anh, một CLB có thể thuộc sở hữu của một hoàng thân Ả-rập. Ở đây là một triết lý khác”.

    Các CĐV là thành viên đóng phí 60 euro và họ được giảm tiền mua vé cùng các lợi ích khác. Tuy nhiên, nhiều CĐV ở Đức nhìn nhận khác về Bayern. Đó là CLB được so sánh nhiều với Manchester United ở Anh vào những năm 1990, nhẫn tâm, thương mại hóa, một cỗ máy chiến thắng và kiếm tiền. Sự căm ghét chung của dư luận lên cao vào tháng 5 khi Bayern chi 37 triệu euro để lôi kéo Mario Goetze khỏi Borussia Dortmund, làm suy giảm đáng kể đối thủ nghiêm túc duy nhất của họ ở Bundesliga và khi đó cũng là đối thủ ở chung kết Champions League. HLV Dortmund Juergen Klopp và GĐĐH Hans-Joachim Watzke cáo buộc Bayern khiến Goetze mất tập trung và anh không ra sân cho Dortmund trong trận chung kết ở Wembley mà Bayern giành thắng lợi chung cuộc 2-1.



    Mùa này, Goetze đã ghi bàn trong chiến thắng 3-0 cực kỳ quan trọng của Bayern trước Dortmund ngày 23/11. Một tuần sau đó, đội bóng của Guardiola dễ dành đánh bại đội bét bảng Eintracht Braunschweig 2-0, với tỉ lệ cầm bóng 78% và mới tuần rồi, sau chiến thắng 7-0 ở Werder Bremen, họ đã vượt lên 4 điểm ở ngôi đầu và chức vô địch Bundesliga thứ 23 cho Bayern là điều ai cũng chờ đợi. Rummenigge thừa nhận tại Premier League, chính sách đa sở hữu và các nhà tài phiệt nhảy vào đã khiến giải đấu hấp dẫn hơn với nhiều đối thủ cạnh tranh cho chức vô địch. Ở Đức, thế độc tôn của Bayern đang gây ra nhiều lo ngại.

    Felix Magath, cựu HLV Bayern, tuyên bố Bundesliga giờ “đã được trao trước cho Bayern”. HLV Eintracht Frankfurt Heribert Bruchhagen kêu gọi tiền từ Champions League phải được chia cả cho các đội không tham dự giải để rút ngắn bớt khoảng cách ngày càng lớn về tài chính. Bayern kiếm được 63 triệu euro từ UEFA mùa trước, chưa kể thu nhập trong những ngày diễn ra các trận Champions League.

    Cựu thủ thành và là huyền thoại Bayern Oliver Kahn mới đây nói Bayern và Dortmund đã phát triển quá lớn so với Bundesliga và đã tới lúc thành lập một Super League cho những đội như thế. Rummenigge, chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề chính trị bóng đá và truyền thông cho Bayern, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu, bác bỏ điều đó: “Tôi không hứng thú”.

    Ông khẳng định Bundesliga vẫn là “một giải đấu tuyệt vời”, chỉ ra rằng mọi chuyện có thể thay đổi chóng vánh. Dù Bayern đang thống trị, Dortmund đã vô địch giải vào các năm 2011 và 2012, Wolfsburg năm 2009, Stuttgart năm 2007 và Werder Bremen năm 2004, 5 nhà vô địch khác nhau trong 10 năm, dù Bayern giành cả 5 chức vô địch còn lại. Về vụ Goetze, ông tố ngược lại Dortmund đã không chịu gia hạn hợp đồng với cầu thủ này, và nói chính Bayern đã giữ Goetze lại Bundesliga, thay vì để các CĐV Đức phải chứng kiến cảnh anh sang Manchester City hay Real Madrid.



    “Tôi hiểu phản ứng của Dortmund”, Rummenigge nói. “Nhưng tôi đã gọi cho chủ tịch của họ và gặp ông ấy trong kỳ nghỉ, giải thích tại sao chúng tôi làm như thế. Tôi nói: Làm ơn ngừng cuộc bôi nhọ này lại”.

    Về việc đội hình toàn sao và thu nhập khủng của Bayern khiến giải đấu mất đi tính cạnh tranh, Rummenigge bác bỏ những kêu gọi chia sẻ tiền bạc. Ngược lại, Bayern đang tìm cách tiến xa hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Tận dụng thời cơ đang ở đỉnh cao, Bayern đã có kế hoạch tiếp thị CLB ra toàn cầu, thách thức sự thống trị ở các thị trường châu Á và Mỹ của những đội bóng khổng lồ Anh và TBN. Các nhân vật cộm cán trong bóng đá ở Đức giờ đang nuối tiếc vì không tạo ra được hình ảnh như Premier League trên bình diện quốc tế.

    Christian Seifert, GĐĐH Bundesliga, nói họ đã không bán bản quyền giải ở phạm vi quốc tế cho tới tận năm 2005. “Đó là một vùng đất chưa khai phá”, ông nói. “Bayern vô địch Champions League năm 2001, vào chung kết năm1999, Bayer Leverkeusen vào chung kết năm 2002. ĐTQG Đức vô địch châu Âu năm 1996 và vào chung kết World Cup 2002. Tôi không tin rằng bóng đá Anh hay hơn bóng đá Đức, nhưng chúng tôi đã không tiếp thị và bán giải đấu của mình ở quy mô thế giới, chúng tôi thiếu năng lực quản trị”.

    Rummenigge chỉ ra sự khác biệt hiện giờ: “Bản quyền truyền hình bóng đá Đức ư? 70 triệu euro mỗi năm, so với 800 triệu euro mỗi năm cho Premier League”. Bayern cũng quyết tâm mở rộng các hoạt động tài trợ, thương mại và du đấu nước ngoài, như các CLB Premier League đã làm nhiều năm, trong khi các CLB và HLV Đức muốn giữ gìn truyền thống từ chối. “Chúng tôi phải học theo các đội lớn ở Anh”. Bayern vừa bổ nhiệm một giám đốc mới phụ trách thị trường quốc tế, Joerg Wacker, và sẽ mở văn phòng đại diện ở New York cùng Bắc Kinh trong vài tuần nữa.



    Guardiola, HLV nhiều sức hút nhất trên toàn cầu sau những thành công với Barcelona, là trung tâm của kế hoạch đó. Jupp Heynckes “không thể làm tốt hơn sau năm vừa rồi”, Rummenigge nói về "cú ăn ba". Heynckes cũng đã sắp về hưu và Bayern quyết định rằng họ không thể bỏ lỡ Guardiola, lúc đó đang ẩn dật sau khi từ nhiệm tại Camp Nou.

    “Mọi người nói chúng tôi đang thống trị Bundesliga, nhưng chúng tôi còn nhìn xa hơn, ở trình độ châu Âu và quốc tế, để xem chúng tôi có thể tiến xa tới đâu”, Rummenigge nói. “Chúng tôi sẽ mở các văn phòng quốc tế, đi du đấu nước ngoài… Những việc đó sẽ có lợi cho Bundesliga. Các đội Bundesliga khác sẽ tự động làm theo, họ phải làm thôi. Chúng tôi coi Bayern Munich là đầu máy của Bundesliga”.

    Ông cũng bác bỏ việc chia sẻ sự giàu có, chỉ ra rằng Bayern đã đạt tới thành công như hiện giờ nhờ những nỗ lực tự thân. Kể từ khi Hoeness tới vào năm 1979 và những năm 1970 huy hoàng đã là quá khứ (Beckenbauer và Gerd Mueller), cho tới những ngày này, Bayern từng bị khủng hoảng tài chính, từng chỉ xếp thứ 12 ở Bundesliga vào năm 1978. “Uli tới và chúng tôi giải quyết được vấn đề tài chính”, Rummenigge nói tiếp. “Sau khi tôi bị bán sang Inter Milan”.

    Rummenigge không chia sẻ một câu chuyện cá nhân khác: Khoản phạt 250.000 euro mà ông phải trả hồi tháng 9 khi không khai báo với hải quan 2 chiếc đồng hồ Rolex mà ông mang về từ hội nghị của Hiệp hội các CLB bóng đá châu Âu ở Qatar. “Đó là chuyện riêng tư”, ông nói. “Mọi chuyện đã được giải quyết, đó là quà của một người bạn. Tôi tưởng không phải khai báo quà ở hải quan, và đã phải trả một khoản phạt ra trò”.


    Chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge (giữa)

    Hoeness còn đang gặp rắc rối lớn hơn. Năm ngoái, ông bị báo chí Đức phanh phui đã không đóng thuế với một tài khoản đầu tư tài sản tài chính ở Thụy Sĩ. Ông vay tiền cho tài khoản này từ Robert-Louis Dreyfus, một lãnh đạo cấp cao của hãng Adidas đã qua đời 4 năm trước; Adidas và Hoeness bác bỏ việc thỏa thuận này có liên quan tới hợp đồng giữa Bayern và Adidas. Hoeness sau đó làm thủ tục khai báo lại với nhà chức trách Đức, và trả khoản tiền phạt khổng lồ, nhưng vẫn sẽ phải ra tòa và theo luật thuế Đức, ông có thể phải đi tù.

    Hoeness đã tạo ra bầu không khí gia đình ở Bayern, đưa về những người như Beckenbauer làm phó chủ tịch những năm 1990, giúp Mueller cai rượu và trở thành HLV ở đội. Hasan Salihamidzic, cựu cầu thủ người Bosnia của Bayern trong các đội hình đá chung kết Champions League 1999 và 2001, nhớ lại một bữa tối với Hoeness và nói anh thực sự coi ông “như một người cha thứ hai”. Vì những điều đó, Bayern đã cho ông thêm thời gian với vụ lậu thuế, khi mà ở Đức, gần như bất kỳ nhà lãnh đạo nào bị phát hiện trốn thuế đều sẽ phải từ chức. Hoeness, trong nước mắt, đã xin các CĐV chờ hết phiên tòa hãy quyết định có để ông tiếp tục hay không.

    Rummenigge khẳng định điều đó là công bằng: “Tôi không có chuyên môn pháp lý, nhưng tôi và mọi người ở CLB này hy vọng những điều tốt đẹp nhất cho ông ấy… người đã kiến tạo nên tất cả ở đây”.
    CHIÊU VĂN • 20:09 ngày 10/12/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay