Bóng Đá Plus trên MXH

Tại sao Bayern trở thành số 1?
08:53 ngày 20/02/2014
Bayern Munich là nhà ĐKVĐ châu Âu, là thương hiệu bóng đá được định giá cao nhất thế giới, gọi họ là “số 1 thế giới” ở thời điểm này không có gì quá đáng. Câu hỏi là: Tại sao?
    NGẬM THÌA BẠC KHI SINH
    Mặc dù không thể phủ nhận rằng, đường lối đúng đắn đã đưa Bayern Munich đến vị thế hiện tại, nhưng điều đầu tiên cần được nhắc đến khi phân tích sự thành công của Bayern: họ được thành lập ở thành phố giàu có nhất của đất nước giàu có nhất châu Âu.

    Việc hãng bảo hiểm Allianz mua lại 8,33% cổ phần của Bayern với giá hơn 100 triệu euro là một bằng chứng thể hiện sức mạnh của từ “Munich” trong cái tên “Bayern Munich”. Phía sau lưng họ, là những tập đoàn kinh tế lớn của Đức: danh sách các nhà tài trợ lớn của Bayern chỉ có hai cái tên đến từ nước ngoài, là Samsung và Coca-Cola. Phần còn lại, là những Siemens, Allianz (các công ty có đại bản doanh ở Munich) và các ông lớn khác của nước Đức là Lufthansa, Adidas, Deutsche Telekom. 

    Việc tồn tại trên một mảnh đất thịnh vượng như vậy khiến doanh thu thương mại, đến từ bán quảng cáo và các sản phẩm giá trị gia tăng của Bayern lớn nhất thế giới - dù họ đã trải qua nhiều thăng trầm và không phải lúc nào cũng là thương hiệu bóng đá số một thế giới. Doanh thu thương mại hiện nay của Bayern chiếm 55% tổng doanh thu. Tỷ lệ này sẽ khiến mọi CLB Premier League vốn mang tiếng “giàu có” phải thèm khát. Đơn cử, đối thủ của họ trong loạt trận vòng 1/8 Champions League, Arsenal chỉ có 23% tổng doanh thu đến từ thương mại.

    Và từ cơ sở đó, Bayern có thể duy trì được triết lý “bóng đá của mọi nhà”. “CĐV không phải là con bò để vắt sữa” - Chủ tịch Uli Hoeness của Hùm xám nói. Trong khi Arsenal và các CLB Premier League  vắt kiệt CĐV bằng giá vé trên trời, khiến họ phải kêu gọi tẩy chay trận gặp Bayern, thì Bayern sẵn sàng trợ giá cho CĐV, giảm giá vé vào Emirates từ 67 xuống còn 34 bảng. Sự đối nghịch nói lên rất nhiều điều.

    Những ai đang sở hữu bayern?

    MỘT THIÊN TÀI LÃNH ĐẠO
    Barcelona, đội bóng có mô hình tưởng như “dân chủ” nhất với mọi lá phiếu nằm trong tay các hội viên, sẽ phải ghen tỵ với Bayern những ngày này. Để có được lá phiếu của họ, từ Joan Laporta đến Sandro Rosell đã giở đủ “trò mèo” và làm suy sụp nền tảng tài chính của CLB. Ở Bayern, quyền lực được phân chia theo kiểu khác: trước Allianz, thì Audi và Adidas, mỗi hãng đã nắm 8,33% cổ phần. Phần còn lại thuộc về CĐV, nghĩa là họ vẫn có tiếng nói quyết định.

    Nhưng ban điều hành tối cao không phải chỉ có một tay thương nhân được CĐV bầu lên theo kiểu Sandro Rosell. Nó được lập với những bộ óc kinh tế hàng đầu đến từ Adidas, Audi, ngồi bên cạnh những gương mặt “dân biểu” như TBT tạp chí, thủ hiến bang. Ở đó, người ta khó tìm được những scandal do sự thao túng quyền lực của các lãnh đạo như thường xuyên tìm được trong bóng đá Tây Ban Nha hay Italia.

    4 Khoản đầu tư cố định hàng năm cho lò đào tạo trẻ của Bayern Munich là 4 triệu euro. Để so sánh về hiệu quả, lò đào tạo của Chelsea đã ngốn của ông chủ Abramovich trung bình gần 10 triệu euro/năm.

    237 Doanh thu thương mại của Bayern trong mùa giải 2011/12 (mùa gần nhất được công bố) là 237 triệu euro, cao nhất thế giới, hơn doanh thu thương mại của Real 26 triệu euro và của Man United tới 60 triệu euro. Gần một nửa trong số này đến từ các hợp đồng tài trợ với 4 công ty Đức là Audi, Adidas, Allianz và Deutsche Telekom.
    Và trên hết, Bayern may mắn khi có được một nhà lãnh đạo hàng đầu: Uli Hoeness. Người ta nghi ngờ ông lừa dối chính phủ, nhưng sẽ không bao giờ họ nghi ngờ Hoeness lừa dối Bayern. Trong suốt 35 năm qua, Hoeness đã điều hành CLB này bằng một sự tận tâm và sáng suốt tuyệt vời.

    Chính Hoeness là nguyên nhân quan trọng khiến Bayern từ chỗ là một “CLB mạnh” trở thành “số 1”. Ở tuổi ngoài 60, người đàn ông này vẫn biết tự thay đổi cho phù hợp với thời đại.

    Không phải ngẫu nhiên mà lò đào tạo Bayern Munich đang từ chỗ “hiếm muộn”, suốt cả thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21 chỉ chứng kiến một Owen Hargreaves trưởng thành bỗng nhiên lại sản sinh ra Lahm, Schweinsteiger, Badstuber... Hoeness đã đầu tư nặng tay hàng triệu euro/năm từ năm 2000 cho lò đào tạo. Không phải ngẫu nhiên mà từ chỗ chưa bao giờ chi quá 20 triệu euro cho một cầu thủ trước năm 2007, họ làm điều đó 7 lần trong 7 năm qua, với những Robben, Ribery, Gomez, Martinez, Goetze, Neuer, Thiago. Chính Hoeness đã tự thay đổi triết lý.

    Nếu nhìn vào những yếu tố làm nên sự vĩ đại của Bayern: vị trí địa lý, cơ cấu tổ chức, lãnh đạo thượng tầng, thì sẽ hiểu rằng thành công của họ không thể là nhất thời. Nó sẽ không phụ thuộc vào một HLV hay một Cristiano Ronaldo nào đó. Đó là CLB có thể không cần dự Champions League mà vẫn nằm trong Top 4 đội kiếm nhiều tiền nhất thế giới. Và bây giờ, họ lại còn có một lò đào tạo chất lượng, một đội hình trẻ trung. Có thể không bảo vệ được ngai vàng Champions League, có thể không tái hiện được năm lịch sử 2013 với 5 chiếc cúp, nhưng tương lai của Bayern sẽ luôn tươi sáng.
    Hải Phong • 08:53 ngày 20/02/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay