SỨC TRẺ, LÒNG ĐAM MÊ, TÌNH ĐOÀN KẾT
Khẩu hiệu của Dortmund là “Echte Liebe” (tạm dịch: tình yêu đích thực). Đây là CLB lớn thứ nhì ở Đức, và số 11 trên thế giới theo phân hạng của công ty kiểm toán Deloitte dựa trên doanh thu của các CLB bóng đá trên thế giới. Tuy nhiên, Dortmund khác khá nhiều so với các ông lớn như Bayern Munich, Barcelona, Real Madrid, Manchester City, Manchester United, Chelsea, bởi đó là những đội dựa vào sức mạnh tài chính để làm tiêu chí thành công.
Với Dortmund, không nhất thiết phải có thật nhiều tiền mới thành công. Ví dụ, khi Marco Reus nổi lên trong màu áo Borussia Moenchengladbach, một quan chức cao cấp của Bayern phát biểu đầy thách thức trên tờ Kicker: “Chúng tôi muốn có Reus. Vấn đề là khi nào, chứ không phải là giá chuyển nhượng bao nhiêu hoặc M’gladbach có muốn bán hay không”. Cuối cùng, Reus đến Dortmund, vì “tôi thích Klopp và phong cách của CLB này: trẻ trung, năng động, đoàn kết, làm việc hăng say, tinh thần vì màu cờ sắc áo, thoải mái nhưng nghiêm túc khi cần”.
Vàng - đen chính là màu chủ đạo của Dortmund, dù ở bất kỳ nơi đâu. Như trong chuyến tập huấn 3 ngày tại một khu resort đẹp và tiện nghi ở La Manga (Tây Ban Nha), người ta thấy tất cả thành viên Dortmund từ cầu thủ, ban huấn luyện đến các quan chức đều mặc đồng phục của đội. Duy nhất một người không tuân thủ, vì đó là nhân viên truyền thông có nhiệm vụ giao tiếp, đón từng nhóm CĐV đến xem đội tập luyện, trò chuyện với các cầu thủ khi được Klopp cho phép. Reus nói thêm: “Đó là lý do vì sao tôi chọn Dortmund. Chúng tôi giống một gia đình trẻ chứ không phải một đội bóng nổi tiếng gồm những cầu thủ triệu phú thích chơi bời, gái gú, xài xe xịn”.
Reus , người đang là mục tiêu chuyển nhượng của 2 CLB thành phố Manchester với giá đề nghị 40 triệu bảng, đã chọn Dortmund vì đây là đội bóng trẻ gây chấn động châu Âu mùa trước với tuổi bình quân của đội hình chính thức chỉ 24. Thế mà đội bóng ấy đã đứng đầu bảng tử thần (có Real Madrid, Man City, Ajax Amsterdam) trước khi loại Real ở bán kết rồi vào chung kết Champions League 2012/13. Mùa này, Dortmund lại rơi vào bảng tử thần (với Arsenal, Marseille, Napoli) và lại dẫn đầu bảng, tiếp đó hạ Zenit 4-2 trên sân khách ở lượt đi vòng 1/8 Champions League vào tối thứ Ba vừa qua.
Tiền đạo chủ chốt Robert Lewandowski tâm sự: “Thi đấu cho Dortmund thật vui, có lẽ tôi sẽ không bao giờ tìm được niềm vui và sự thoải mái tương tự ở một CLB nào khác”. Lewandowski sẽ đến Bayern Munich mùa sau, như Mario Goetze, người đã gia nhập Hùm xám trước anh 1 mùa. Nhưng Dortmund với sức trẻ, niềm tin và quyết tâm vẫn không nao núng. Cựu HLV tuyển Đức - Juergen Klinsmann ca ngợi: “Tôi ước gì được trẻ lại để chơi cho Dortmund. Hãy nhớ rằng chẳng ai biết đến Kagawa, Lewandowski hay Goetze trước khi họ nổi lên ở Dortmund. Tôi tin Klopp sẽ tạo ra những nhân tài trẻ xuất chúng khác, vì chủ trương của đội bóng này là tạo điều kiện tối đa cho lớp trẻ”.
ĐỊNH HƯỚNG PHẢI ĐÚNG
Klinsmann từng thành công nhờ tin sức trẻ. Sau khi tuyển Đức thất bại ở EURO 2004, Klisnmann đã làm cuộc cách mạng ở Mannschaft, kết quả là Đức vào bán kết World Cup 2006 và luôn ở nhóm đầu thế giới từ đó đến nay. Dortmund cũng tin vào sức trẻ vì theo Klopp thì “các CĐV Dortmund sẵn sàng kiên nhẫn và tha thứ nếu Dortmund thi đấu không thành công với độ tuổi bình quân 22 vào năm 2009”.
Nhưng Dortmund không mơ mộng hão huyền mà có niềm tin phát triển và thành công bài bản. Tận dụng một khu đất 180.000 mét vuông do quân đội để lại từ thời thế chiến thứ II, Dortmund xây dựng 6 sân lớn và 2 sân nhỏ cho các đội từ U9 cho đến đội lớn tham dự Bundesliga. Những chú bé như Kevin Grosskreutz được sinh ra tại Dortmund, chơi cho đội trẻ Dortmund, được tin tưởng và thành tài tại Dortmund dù lúc 14 tuổi từng bị nhiều chuyên gia săn lùng tài năng chê là “không có tiềm năng bóng đá”.
Người Dortmund thích chất địa phương và sự trung thành. Vì thế, khi đội bóng của họ lâm vào khủng hoảng tài chính năm 2005 (vì sai lầm khi vung tiền mua nhiều sao, ví dụ Marcio Amoroso giá 22 triệu bảng năm 2001), các CĐV vẫn không quay lung với Dortmund. Họ có lực lượng khán giả sân nhà cao nhất châu Âu (bình quân lên đến 80.645 người/trận, giá vé xem cả mùa chỉ gần 200 euro/vé). Họ có sự xuất hiện của Klopp (năm 2008) và triết lý bóng đá tấn công vì niềm vui và đam mê dựa trên tốc độ cao (di chuyển trung bình hơn 118 km/trận). Phong cách của Dortmund đã trở thành đề tài nghiên cứu khoa học bóng đá và là niềm ngưỡng mộ, bên cạnh không ít ganh tị, từ nhiều đội bóng lớn ở châu Âu. HLV Arsene Wenger của Arsenal thừa nhận: “Tôi tin Dortmund đủ sức đánh bại bất kỳ đội bóng nào. Đây là đội hiếm hoi thành công về tài chính và chuyên môn, hơn nữa còn chơi thứ bóng đá đáng xem bậc nhất châu Âu”.
5 CẦU THỦ TĂNG GIÁ CAO NHẤT TẠI DORTMUND
Dortmund giỏi shopping
Mua bán cầu thủ là một trong những điểm mạnh của HLV Juergen Klopp và Dortmund. Ví dụ tiêu biểu như trường hợp của Shinji Kawaga, Dortmund mua cầu thủ này với giá 0,35 triệu euro, chỉ 2 năm họ sau bán lại Kagawa cho M.U với giá 16 triệu euro, cao gấp 45 lần. Ngoài ra, rất nhiều cầu thủ sau khi về với Dortmund đã tăng giá chóng mặt…
Chạy, chạy nữa, chạy mãi
Dortmund được đánh giá là một trong những đội giàu thể lực và tốc độ nhất thế giới. Một hậu vệ như Lukasz Piszczek (ảnh phải) chạy trung bình đạt vận tốc 122,2 mét/phút (người chạy chậm nhất cũng đã là 103,16 mét/phút). Tiền đạo Robert Lewandowski trung bình chạy 15.200 m cho mỗi bàn thắng ghi được. Chỉ trong 1,5 mùa bóng, toàn bộ cầu thủ Dortmund đã chạy tổng cộng 4.760 km, xấp xỉ quãng đường dài bằng từ Dortmund đến Moscow và ngược lại từ Moscow đến Dortmund.