Thế nên, trong suốt thời gian qua, nhiều thời điểm một số sân không được đảm bảo về chất lượng và rất nhiều HLV cũng như các cầu thủ đã kêu ca, than phiền rằng, mặt sân kém đã ảnh hưởng lớn đến phong độ của các cầu thủ, chất lượng các trận đấu. Trong những tình huống cấp bách, các đội bóng đã phải chi tiền để sửa chữa một số hạng mục trên sân, đặc biệt là cải thiện chất lượng mặt cỏ. Nhưng để làm được điều đó cũng không phải dễ, bởi ngay cả nguồn kinh phí để mua sắm lực lượng, trang trải các hoạt động của đội cũng đã phải thắt chặt do tài chính hạn hẹp.
Vừa qua, sân của các đội Hải Phòng, Than.QN, FLC Thanh Hóa, SLNA và đặc biệt là QNK.QN, đã được cải thiện đáng kể về chất lượng mặt cỏ cũng như các khán đài. Đó là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản của sân bóng với CLB nhằm tân trang các sân để đạt được tiêu chuẩn thi đấu của VFF và AFC. Dù vậy, để có được sự đồng bộ giữa các sân của V-League là không hề đơn giản bởi có quá nhiều thứ ràng buộc.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh của CLB SLNA từng đưa ra kiến nghị rằng, các Sở VH-TT&DL cần có sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc tạo nguồn kinh phí để cải tạo sân: “Qua các chuyến tham quan tại Nhật Bản và Hàn Quốc, tôi thấy các địa phương có các đội bóng chuyên nghiệp rất tích cực trong việc nâng cấp, cải tạo sân đấu. Vì nói cho cùng, bóng đá là để phục vụ khán giả và khi cầu thủ được thi đấu ở sân có chất lượng tốt, khán giả được ngồi khán đài tiện nghi, chắc chắn trận đấu sẽ đem đến rất nhiều cảm xúc, thúc đẩy sự phát triển chung của nền bóng đá. Hơn nữa, các sân đấu thể hiện sự phát triển của chính đội bóng đó nên rất cần có sự vào cuộc giữa chính quyền địa phương và CLB để có tiếng nói chung trong việc tạo nên các sân đấu chất lượng”, ông Hồng Thanh nhấn mạnh.