Thế nhưng, hiệu quả thì rất khác nhau khi đội bóng xứ Thanh đang đứng ở vị trí số 1 trên BXH, còn đội bóng đất Thủ đang đứng bét. Đôi khi, sự ổn định trong lòng đội bóng tạo ra sức mạnh mà tiền bạc không thể mua nổi.
B.BD không tiêu hết tiền của mùa trước và chuyển toàn bộ 20 tỷ đồng còn thừa ấy cho kế hoạch mua sắm cầu thủ. Nếu không tính các đội bóng được chuyển nhượng, B.BD là CLB thay đổi nhân sự nhiều nhất trong lịch sử V-League, với 15 tân binh. Chưa kịp kết hợp những tân binh, cựu binh, cầu thủ nội, cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch thành một tập thể mạnh, lãnh đạo đội bóng này lại thay đổi chốn thượng tầng khi mời ông Lê Thuỵ Hải về “buông rèm, nhiếp chính”.
Chỉ trong vài tháng qua, đã có quá nhiều sự thay đổi về nhân sự, cả ở dưới sân lẫn ở thượng tầng. Thế nên, B.BD liên tục trong quá trình xây dựng và xây dựng lại nên chưa có lối chơi chứ đừng nói gì tới tính ổn định. Hậu quả là, cả 2 trận đấu đầu tiên ở V-League 2014, đội bóng đất Thủ thua HN.T&T 2-4 trong một trận cầu thua kém toàn diện và ngay cả khi đã có nửa tháng để chỉnh sửa, họ vẫn không thể đánh bại một Than Quảng Ninh mới chân ướt chân ráo lên V-League và chịu ảnh hưởng bởi cuộc đình công của các ngoại binh.
Trái lại, Thanh Hóa rất thực tế khi họ chấp nhận thất bại ở mùa giải trước và xây dựng đội bóng mới dưới thời HLV Mai Đức Chung. Chiêu mộ thêm cầu thủ, ổn định lối chơi, tăng cường thể lực, Thanh Hoá lột xác thành một đội bóng mạnh mà chiến thắng trước SHB.ĐN và SLNA để giành ngôi đầu bảng chỉ là sự thể hiện ra bề ngoài sự ổn định ấy.
B.BD và Thanh Hoá đều giàu có, các chiến lược gia Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung cùng đẳng cấp nhưng trận đấu giữa hai CLB, đội bóng xứ Thanh có lợi thế hơn bởi họ có được sự ổn định từ hơn một năm nay, chứ không “đẽo cày giữa đường đã trở thành truyền thống” như B.BD.