Bóng Đá Plus trên MXH

Tự truyện của David Beckham (phần 1): Nỗ lực hết mình, phần thưởng sẽ tới
20:19 ngày 27/10/2013
Ở phần đầu trong 3 phần trích đoạn từ cuốn sách mới của anh, David Beckham nhớ lại giai đoạn anh đã nỗ lực để chen chân được vào đội 1 Manchester United ra sao.
    Bố tôi là một người khó tính. Khó tính nhưng công bằng. Ông ấy là người đã khiến tôi hâm mộ Manchester United khi tôi còn là một đứa trẻ. Ông ấy yêu Man United đến mức gần như tôn sùng đội bóng. Thế nên khi đã đủ lớn để biết quan tâm tới bóng đá, tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là trở thành fan của M.U. Chuyện đó diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Tôi hâm mộ Man United và không thể sống thiếu bóng đá. Khi tập chơi bóng mỗi ngày, tôi thường đá bóng vào tường ở khu vườn sau nhà, hoặc tập khống chế bóng, hoặc sút thật mạnh vào hàng rào.

    Rồi khi ông ấy đi làm về, tôi sẽ cùng bố tới sân bóng ngay góc đường gần nhà, nơi chúng tôi tập luyện thật sự nghiêm túc. Bố tôi rất khắt khe trong việc tập bóng đá. Ông ấy yêu cầu tôi phải chơi tốt cả 2 chân, phải học về khống chế bóng bước một và tập đá phạt cho tới khi thấy chân đau mới thôi. Bố tôi là một cầu thủ giỏi, ông từng thử việc ở Leyton Orient và hiểu những điểm cơ bản về bóng đá. Ông ấy không muốn tôi thực hiện những động tác rối rắm trước khi biết đỡ bóng bước một và chơi bóng bằng chân trái một cách thuần thục.

    Đôi khi bố tôi cao giọng nếu tôi làm chuyện gì đó sai, hoặc ông ấy nghĩ rằng tôi lười biếng. Đôi khi ông ấy còn la hét nữa, nhưng đó là những việc nên làm cho con cái. Bố tôi sẽ làm bất cứ điều gì để tôi có thể tiến bộ. Tôi biết điều đó, nên không bao giờ cảm thấy tức giận vì sự nghiêm khắc của ông.


    Becks (thứ 2 từ phải sang) 

    Chúng tôi là một gia đình rất gắn bó. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo, bởi bố nghiêm khắc và là trụ cột, trong khi mẹ tôi dịu dàng và chú tâm chăm sóc gia đình. Bà là người rất nhẹ nhàng, cũng làm việc chăm chỉ và hy sinh nhiều như bố, nhưng lại thể hiện tình yêu theo một cách khác. Theo cách của riêng mình, họ đã là và đang là những ông bố bà mẹ tuyệt vời.

    Chính mẹ tôi đã lái xe chở tôi tới tham dự trận đấu mang tính bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Đó là trận tôi chơi cho Waltham Forest (đội bóng địa phương này chạm trán với Redbridge) vào năm tôi 12 tuổi. Tôi chơi khá hay. Gần như mỗi khi có bóng, tôi đều có những pha xử lý hoàn hảo. Sau đó, khi cả hai đi ra xe, mẹ nhìn tôi và mỉm cười. “May là hôm nay con chơi hay đấy”, bà nói. “Sao vậy mẹ?” “Một tuyển trạch viên của  Man United đã tới đây. Hôm nay ông ấy xem con đá và thấy ấn tượng”. Tôi đã bật khóc. Chơi cho Man United là giấc mơ của tôi kể từ khi tôi biết suy nghĩ. Tôi đã lo lắng về việc liệu có ai từ CLB có thể xem tôi chơi bóng ở London. Tôi không nghĩ các tuyển trạch viên của họ lại đi xa như thế. Tôi thường lên giường ngủ mỗi buổi tối nghĩ về CLB, bởi ga trải giường của tôi có hình huy hiệu Man United.

    Tôi yêu Man United đến mức gia đình đã bỏ tiền cho tôi đi Manchester, tới trường bóng đá Bobby Charlton năm tôi 10 tuổi. Năm sau họ lại làm vậy một lần nữa. Trong năm thứ 2, tôi đã giành chiến thắng ở một cuộc thi kỹ năng bóng đá và được nhận phần thưởng trong sân Old Trafford. Điều đó khiến bố tôi rất tự hào. Ông ấy rất phần khích khi tôi lên nhận phần thưởng từ chính tay Sir Bobby Charlton.

    Nhưng chính trận gặp Redbridge đã thay đổi tất cả. Được mời tới Man United thử việc, tôi đã làm tất cả những gì có thể để gây ấn tượng với BHL M.U. Tôi rất thích ở đó, dù cũng thấy nhớ nhà đôi chút. Các HLV có vẻ thích cách tôi chơi bóng và thái độ của tôi.


    Beckham trong màu áo M.U


    Rồi vài tuần sau đó, khi tôi trở lại, Alex Ferguson gọi cho gia đình tôi. Bố tôi ngạc nhiên và xúc động tới mức suýt nữa thì làm rớt điện thoại. “Chúng tôi nghĩ David có năng lực và tính cách tốt. Chúng tôi muốn ký hợp đồng với anh ấy”. Tôi phấn khích đến mức không ngủ được, cảm giác lúc ấy giống như khi bạn vừa bước vào một cuộc đời mới. Trong 2 năm đầu, tôi vẫn đi học ở London và đi xe lửa tới Man United 2-3 lần mỗi năm trong các kỳ nghỉ. Riêng trong mùa Hè tôi ở đó tới 6 tuần. Một ngày trọng đại đã đến vào năm tôi 15 tuổi rưỡi. Đó là khi tôi chuyển hẳn tới chơi cho đội trẻ Manchester. Mẹ tôi đã khóc, bố tôi cũng buồn. Theo kế hoạch, CLB sẽ bố trí tôi ở với một gia đình chuyên nuôi các cầu thủ đội trẻ. Bố mẹ tôi sẽ lên thăm tôi mỗi dịp cuối tuần và tới xem mọi trận tôi đá. Họ bao giờ cũng làm đúng như những gì đã hứa.

    Trong vài tháng đầu, tôi thực sự nhớ nhà. Từ nhà lên CLB rất xa và tôi mất một thời gian mới hòa nhập được. Nhưng khi tôi chuyển về ở với Tommie và Annie, một cặp vợ chồng rất tử tế có nhà ở ngay cạnh sân tập Cliff, tôi dần ổn định lại. Đó là những con người tuyệt vời và là gia đình mới của tôi. Họ có một cô con gái nhỏ rất dễ thương mà tôi hay ngồi xem truyền hình cùng. Thức ăn ở đây cũng rất tuyệt.

    Việc tập luyện ở Cliff ban đầu rất khắc nghiệt. HLV là Eric Harrison, một người Yorkshire thẳng tính, nóng nảy và đáng sợ. Ông ta thích la hét và quát mắng. Các cầu thủ đều rất sợ HLV này, nhưng chúng tôi cũng biết ông là người trung thực và chỉ muốn làm tất cả vì Man United. Chúng tôi làm theo mọi lời ông nói, dù là về bóng đá hay cuộc sống. Và ông ấy cũng thích chúng tôi vì một lý do đơn giản: cả đội luôn tập hết sức mình, và hơn thế nữa.

    Điều khó tin về thế hệ cầu thủ trẻ đó, những người vào đội trẻ cùng tôi năm 1991, là họ luôn tập luyện hết sức mình. Chúng tôi không bao giờ thấy đủ. Có lẽ đó là bởi tất cả đã được giáo dục tốt ngay từ gia đình. Gary và Phil Neville có một ông bố với câu khẩu hiệu: “Nỗ lực hết mình, phần thưởng sẽ tới”. Vào cuối buổi tập, trong khi hầu hết những cầu thủ lớn tuổi thư giãn trong căng-tin thì Gary vẫn ở lại sân tập.



    Những người khác như Scholes, Giggs, Nicky Butt cũng luôn làm việc hết mình. Các cầu thủ lớn nghĩ tôi là bọn học gạo, và là bọn nịnh bợ HLV. Họ dè bỉu chúng tôi đủ thứ nhưng chẳng ai quan tâm. Chúng tôi biết càng tập nhiều thì sẽ càng nhanh tiến bộ. Không lâu sau đó, chúng tôi đã vượt qua những cầu thủ lớn, bởi họ quá hài lòng với bản thân.

    Vào cuối mùa đầu tiên ở Man United, “thế hệ 92” tiến bộ nhanh chóng đến mức các CĐV đến sân rất đông để xem đội trẻ chúng tôi đá. Chúng tôi tiến xa ở Cup FA trẻ và báo chí cũng bắt đầu quan tâm. Đào tạo và trọng dụng các cầu thủ trẻ luôn là điều quan trọng ở CLB, một phần truyền thống được bắt đầu từ Sir Matt Busby. Mọi người bắt đầu bàn tán về một thế hệ mới sẽ chen chân vào đội 1. Chúng tôi lúc đó không tin những gì mà mình nghe thấy: đội 1!

    HLV Alex Ferguson luôn có mặt ở sân tập và để mắt tới mọi thứ. Chúng tôi sợ và cũng rất tôn trọng ông. Sir Alex rất nóng nảy, nhưng hết sức quan tâm tới việc đào tạo các tài năng.

    Ngày 15/5/1992, chúng tôi đánh bại Crystal Palace và vô địch Cúp FA dành cho lứa tuổi trẻ. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời, vì Man United trong nhiều năm đã không giành danh hiệu ấy. Làm được điều đó ở Old Trafford càng khiến chức vô địch thêm đặc biệt. 

    (còn tiếp)
    Chiêu Văn • 20:19 ngày 27/10/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay