Mặt khác, đấy cũng là do chính sách của Hà Lan, thắt chặt vấn đề quốc tịch và không dễ dàng mở cửa cho các tài năng đến từ nước ngoài. Hà Lan chọn một con đường khác hẳn con đường mà các nước xung quanh như Pháp, Đức, Bỉ đã chọn.
Trước World Cup 2006, người ta hồi hộp chờ xem Salomon Kalou có khoác áo ĐT Hà Lan và đối đầu với người anh ruột Bonaventure Kalou trong ĐT Bờ Biển Ngà hay không. Kalou khi ấy đã là ngôi sao nổi tiếng trong màu áo Feyenoord. Nhưng bộ tư pháp Hà Lan quyết định anh chưa đủ tư cách nhập tịch. Bất mãn, Kalou chuyển sang Chelsea, thề không bao giờ chơi bóng ở Hà Lan nữa. Sau đó, anh đồng ý khoác áo Bờ Biển Ngà.
Tất nhiên, Bờ Biển Ngà không phải là Surinam. Nhưng vấn đề tổng quát thì khá tương đồng. Muốn nhanh chóng nhập tịch và dễ khoác áo ĐTQG? Bạn hãy sang Đức. Tại đấy, người ta đang có nhu cầu giới thiệu với thế giới về một xã hội đa sắc tộc. Hà Lan thì khác.
Vả lại, chính sách của chính quyền Hà Lan thì, suy cho cùng, cũng chỉ là sự phản ánh đời sống xã hội Hà Lan. Người dân Hà Lan có sẵn sàng tôn vinh các tài năng đến từ bên ngoài, hoặc cụ thể hơn là “những chàng trai Paramaribo”? Hãy hỏi Edgar Davids. Tại EURO 1996, một cuộc “nội chiến” về quyền lực đã tiến đến mức sắp bùng nổ giữa 2 nhóm cầu thủ da đen và da trắng trong đội. Để dập tắt mọi chuyện, HLV Guus Hiddink lập tức đuổi Davids (của phe Surinam) về nước.
Không có gì lạ khi lực lượng ngôi sao đến từ Surinam ngày càng giảm đi, cả về chất lẫn về lượng, trong làng bóng Hà Lan vài năm gần đây. Khá nhất có lẽ chỉ là Nigel de Jong. Một mặt, thời đỉnh cao (giữa thập niên 1990) của “những chàng trai Paramaribo” đã trôi qua. Mặt khác là do tác động của xã hội. Đã vậy, Hà Lan bây giờ còn có thêm vài nguồn cầu thủ khác, cũng đáng kể. Lực lượng cầu thủ gốc Morocco, như Ibrahim Afellay, đang đe dọa lực lượng gốc Surinam. Cộng đồng người Morocco ở Hà Lan hiện cũng chiếm 2% dân số, không thua gì cộng đồng Surinam!