Theo đó, thì bảng F đích thực là “Bảng tử thần” khi cơ hội để Arsenal và Dortmund vượt qua vòng bảng gần như không chênh lệch và tương đối thấp, chỉ hơn 50-50 chút đỉnh, lần lượt là 62,6% và 60,9%. Trong khi đó, Napoli và Marseille cũng được cho là có 40,7% và 35,8% cơ hội vượt qua vòng bảng.
Để so sánh, ở bảng D, cơ hội vượt qua vòng bảng của Bayern Munich được Bloomberg công bố là 94,9%, của Man City là 87,2%. Tới CSKA Moscow cơ hội tụt xuống còn 16,6% và Plzen có 1,4% cơ hội. Hoặc ở bảng E, Basel chỉ có 14,5% cơ hội so với 95% của Chelsea. Đều rất chênh lệch so với bảng F.
Hãng này không công bố các phương thức tính toán của họ. Nhưng bởi vì Bloomberg là một thương hiệu cực lớn trong việc phân tích số liệu (không phải tự dưng mà ông Michael Bloomberg có 27 tỷ USD), nên hãy tạm tin rằng đó là những tính toán có cơ sở khoa học và xứng đáng để tham khảo.
2. Nếu như các phân tích số liệu thuần túy chỉ ra rằng cơ hội ở bảng F được chia tương đối đều, vậy điều gì sẽ tham gia vào việc quyết định cục diện bảng đấu này?
Các cầu thủ và HLV không phải những rô-bốt. Không phải bởi trong vòng 5 năm trước họ đã chơi với phong độ như thế này, với những thống kê như thế này, mà trong một trận đấu cụ thể họ lại chơi chính xác y như vậy.
Cho dù hãng Bloomberg có tuyên bố rằng các thống kê của họ có thể “Đánh bại các nhà cái” thì thứ làm nên tính hấp dẫn của bóng đá vẫn là sự thiếu ổn định của con người. Nói cách khác, thứ phân định kết quả của một giải đấu ngoài đời thật với một giải đấu trên máy tính của hãng phân tích, là những giây phút bốc đồng của các cá nhân.
Và về mặt này thì đội bóng nào trong bảng sở hữu nhiều tiềm năng nhất?
Rất khó nói rằng giữa Arsenal và Dortmund thì đội nào có nhiều cầu thủ có thể gây đột biến trong tấn công hơn. Arsenal có chân chuyền số 1 châu Âu Oezil, cộng thêm những Walcott, Ramsey, Cazorla cũng rất biết cách gây đột biến. Còn Dortmund thì có Reus, Mkhitaryan, Guendogan, Lewandowski…
Nhưng để nói rằng đội bóng nào có nhiều khả năng tạo đột biến cá nhân hơn trong phòng ngự thì rất nhiều bạn đọc có thể nhanh chóng đưa ra câu trả lời: Arsenal.
3. Đột biến mà các hậu vệ Arsenal thường xuyên tạo ra là dạng đột biến tiêu cực, những sai lầm cá nhân. Mùa giải năm ngoái, chỉ tính riêng tại Premier League, đội bóng này đã có tới 36 lần phạm sai lầm cá nhân trong phòng ngự (để mất bóng gần vòng cấm, chuyền bóng lỗi bên sân nhà…), tức là gần như trận nào họ cũng để phát sinh sai lầm kiểu này.
Nếu không có những dạng “đột biến” như vậy thì có lẽ cơn khát danh hiệu đã không kéo dài lâu đến thế. Ít nhất là họ cũng đã có chức vô địch Cúp Liên đoàn năm 2011, nếu hàng thủ của họ không biếu cho Birmingham bàn ấn định tỷ số 2-1.
Hàng thủ sẽ tiếp tục là nguồn gốc những cơn đau đầu của HLV Wenger khi nó không được tăng cường trong mùa Hè. Họ không hề có một trung vệ ở đẳng cấp của Hummels hay Subotic.
Và những CĐV Arsenal sẽ chỉ còn biết hy vọng rằng những đột biến kiểu ấy sẽ không phát tác quá sớm. Vì dù sao “sai lầm cá nhân” cũng là một dạng thống kê, biết đâu mùa này hàng thủ Arsenal lại chẳng thăng hoa? Hy vọng thôi.