Về mặt vĩ mô, Uruguay đã góp công không nhỏ giúp bóng đá trở thành môn thể thao được ưa chuộng khắp thế giới. Chính Uruguay tổ chức kỳ World Cup đầu tiên và trở thành nhà vô địch thế giới đầu tiên vào năm 1930. Về mặt vi mô, lối chơi phối hợp bóng ngắn đầy kỹ thuật của Uruguay khiến các đội bóng khác phải ngưỡng mộ và kinh ngạc. Chỉ đến sau VCK World Cup 1950, những quốc gia lớn về bóng đá mới bắt đầu nâng cao trình độ kỹ chiến thuật nên kể từ đó, bóng đá Uruguay mất dần tầm ảnh hưởng.
Khởi đầu quá “ngọt” song bóng đá Uruguay nhanh chóng gặp khó khăn khi vắng mặt ở các VCK World Cup 1978, 1982, 1994, 1998, 2006. Những lần còn lại, đội bóng Nam Mỹ hầu như chẳng để lại dấu ấn đáng kể. Đáng buồn khi dấu ấn đáng kể nhất lại là lối chơi bạo lực chặt chém (điển hình như Paolo Montero được mệnh danh là “đao phủ” khi thi đấu cho Juventus) và những tiểu xảo bị lạm dụng quá nhiều trong bóng đá Nam Mỹ.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Hơn ai hết, HLV hiện nay của Uruguay là Oscar Tabarez (từng dẫn dắt AC Milan hay Boca Juniors) hiểu rất rõ những thăng trầm của nền bóng đá nước nhà. Các chuyên gia bóng đá cho rằng Uruguay không thiếu tài năng, thậm chí rất nhiều ở lứa tuổi U13, U15. Nhưng các mầm non ấy lớn tuổi hơn một chút, Uruguay không có điều kiện giúp các tài năng trẻ phát triển trong môi trường bóng đá quốc nội.
Tabarez cho rằng thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, con người và cả lòng quyết tâm khiến bóng đá Uruguay không sao thoát khỏi những tồn tại hàng chục năm qua. Sau 2 lần làm HLV trưởng ĐTQG Uruguay, Tabarez (cùng Uruguay lọt vào VCK World Cup 1990, hạng 4 World Cup 2010) không thấy có gì khác.
ĐT Uruguay từng vào tới bán kết World Cup 2010
Ông chỉ gặp các tuyển thủ Uruguay 3 hoặc 4 lần trong năm, mà lần nào cũng vội vã. Edinson Cavani, Luis Suarez cùng nhiều ngôi sao khác từ châu Âu về Nam Mỹ vào thứ Ba, nghỉ ngơi vào thứ Tư, thi đấu vào thứ Sáu, thi đấu một trận nữa vào thứ Ba rồi lập tức bay về châu Âu. Tabarez chỉ có 1 tuần gặp gỡ, tập luyện rồi xung trận với các ngôi sao Uruguay đang kiếm sống khắp thế giới, bản thân cầu thủ và HLV Uruguay có quá ít điều kiện gắn kết thành một khối thống nhất cho mục tiêu chung là lọt vào VCK World Cup và phát triển nền bóng đá nước nhà.
Phải kiếm sống ở nước ngoài vì nước mình quá nhỏ bé, thực tế ấy không chỉ tồn tại trong bóng đá mà còn ở các lĩnh vực khác trong xã hội Uruguay như y tế, kiến trúc, công nghiệp.
Khi Tabarez bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 1980 tại CLB Bella Vista thì cũng là lúc làn sóng cầu thủ Uruguay đổ sang châu Âu bắt đầu dồn dập. Hơn 30 năm đã trôi qua, thực tế ấy không thay đổi, chỉ khác một chút là các tài năng bóng đá Uruguay xuất ngoại sớm hơn. Bối cảnh đó, La Celeste thành công trên trường quốc tế là điều rất khó tin.