Tam sư thường chơi không tốt ở các giải lớn, nhưng người ta vẫn hay nói nhiều về đội bóng này vì nước Anh là nơi khai sinh ra bóng đá (dù đây còn là đề tài tranh cãi). Tuyển Anh thường có những ngôi sao hàng đầu song hiếm khi chơi hay cho đội tuyển. Ngoài ra nước Anh có giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh nên những câu chuyện xoay quanh bóng đá Anh không bao giờ dứt. Nếu còn điều gì đó cần nói về tuyển Anh, đó sẽ là những kịch bản về “cái chết oai hùng, cái chết tức tưởi (chủ yếu vì thua ở loạt luân lưu 11m) hoặc cũng có thể là cái chết lãng xẹt” là nguyên nhân khiến Tam sư không thể tiến xa ở EURO hay World Cup.
Không thành văn, nhưng mặc định về ĐT Anh ở các giải lớn là: hãy chờ đợi Tam sư… gây thất vọng như thế nào, liệu World Cup lần này đội tuyển đảo quốc sương mù có gây ra trò nhặng xị gì mới?
Có! World Cup 2014 ở Brazil, tuyển Anh không may lọt vào “bảng tử thần” cùng Uruguay, Italia và Costa Rica, phải thi đấu ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Dường như người ta đã sớm vội bi quan về tương lai của Tam sư tại Brazil 2014, như cái trớn thường thấy mỗi khi tuyển Anh dự World Cup. Còn nữa, người Anh đã thổi phồng cái gọi là “bảng tử thần”, vì World Cup 2014 còn có 2 bảng khác cũng có thể gọi là “tử thần”, gồm bảng của Hà Lan, TBN, Chile, Australia và bảng có Đức, Ghana, BĐN, Mỹ.
Trở lại chuyện của người Anh. Đây không phải lần đầu Anh rơi vào “bảng tử thần”. Cách đây chưa lâu, ở World Cup 2002, Tam sư cùng bảng với Argentina, Nigeria và Thụy Điển. Kết quả Anh vượt qua vòng bảng thuyết phục, chỉ dừng chân trước Brazil (đội sau đó vô địch) dù Michael Owen mở tỷ số trận đấu nhưng Selecao may mắn thoát chết vì Ronaldinho chơi như lên đồng (pha chuyền thành sút ghi bàn của Rô “vẩu” mãi mãi ám ảnh thủ thành tài danh David Seaman của Anh).
Nếu may mắn là một phần không thể thiếu trong bất kỳ cuộc chơi nào, thì may rủi lại ảnh hưởng lớn đến người Anh vì họ hay sợ sệt, yếu tâm lý, không tin vào chính mình. Cũng vì thế mà cứ hễ đá luân lưu là người Anh lại gục mặt tự nhủ: coi như chết chắc. Nhưng đừng quên Chelsea đánh bại Bayern Munich ở loạt sút luân lưu tại chung kết Champions League 2011/12.
Người Anh hay say trớn một cách thái quá, cũng như chuyện Tam sư của Roy Hodgson đầy bi quan trước thềm EURO 2012. Vậy mà, tuyển Anh không thua trận nào ở giải đó (thua Italia ở tứ kết sau loạt sút luân lưu không bị tính là thất bại về thống kê), dù khâu chuẩn bị của đội gần như là số không do sự cố HLV Fabio Capello bất ngờ bỏ của chạy lấy người.
Tóm lại, với tuyển Anh thì vấn đề quan trọng nhất có lẽ là một lực đẩy, nói cách khác là một cái đà dù chưa biết cái trớn ấy sẽ đưa Tam sư về đâu (đáng buồn là kết quả thường tiêu cực hơn tích cực). Nếu tuyển Anh (đủ nội lực trong tư cách ứng viên vô địch, chí ít là không kém Italia hay Uruguay) thi đấu tốt ở “bảng tử thần”, đội sẽ thuận lợi về tâm lý và dễ duy trì phong độ tốt để tiến sâu tại World Cup 2014. Ngược lại, nếu Anh bị loại sớm cũng không hẳn là ngày tận thế, bởi Tam sư được “cảm thông” từ trước vì “lỡ” rơi vào bảng khó.
Đằng nào thì Tam sư cũng có lợi. Đừng than khóc cho đoàn quân của HLV Roy Hodgson!