Còn trong bóng tối, những tay tổ thực sự của TTCN lại đang âm thầm cộng sổ sau một mùa bội thu. Họ hoàn toàn có quyền xoa tay mãn nguyện tuyên bố: “Chính bọn ta mới là ngôi sao đây này”, chứ không phải là những siêu sao, những HLV hay những vị chủ tịch CLB…
MOURINHO CŨNG ĐÀNH CHÀO THUA
Dựa vào những số liệu chính thức được công bố gần đây nhất, trong suốt 4 mùa bóng từ 2008/09 đến 2011/12, chưa bao giờ tiền chi cho giới đại diện (tức cò cầu thủ) ở Premier League thấp hơn tổng quỹ lương của các HLV tại giải này. Mùa 2013/14 chắc chắn không phải là ngoại lệ.
Khảo sát hợp đồng của các HLV trưởng ở thời điểm khai mạc Premier League 2013/14, người ta thấy rằng tổng quỹ lương cho giới cầm quân mùa này không vượt quá 40 triệu bảng. Vậy mà, khi ngày cuối cùng của phiên chợ Hè còn chưa khép lại, thì kỷ lục chuyển nhượng 500 triệu bảng ở Premier League đã bị xô ngã.
Theo thông lệ, giới đại diện cầu thủ bỏ túi ít nhất 10% giá trị của mỗi hợp đồng mà họ đàm phán cho thân chủ mình. Chúng ta thấy ngay, lượng tiền được chi cho “cò” ở Premier League Hè này chắc chắn phải cao hơn tổng quỹ lương trong cả mùa bóng của các HLV. Và đấy là vẫn chưa tính đến đợt phiên chợ mùa Đông sắp tới.
Ngay cả chủ tịch UEFA Michel Platini, nhân vật từng
được xem là biểu tượng “hào hoa phong nhã” trong bóng đá đỉnh cao, cũng
không giữ được bình tĩnh trước những con số choáng ngợp. Ông gọi bản hợp
đồng chuyển nhượng có giá 100 triệu euro của Gareth Bale là... một sự ăn cướp!
Hãy đi vào chi tiết cụ thể. Jose Mourinho (Chelsea) là HLV có mức lương cao nhất Premier League hiện nay: 8,5 triệu bảng/năm (khoảng 10 triệu euro). Chỉ cần vụ đàm phán đưa Gareth Bale sang Real Madrid với giá 100 triệu euro, nhà đại diện Jonathan Barnett cũng đã kiếm được đúng 10 triệu euro, qua tỷ lệ hoa hồng 10%.
“Siêu cò” Mendes còn hốt bạc nhiều hơn, bởi có những nguồn tin cho rằng tỷ lệ hoa hồng của ông trong các vụ chuyển nhượng Falcao, James Rodriguez, Joao Moutinho lên đến 20%. Các ngôi sao này cùng gia nhập Monaco Hè 2013 với giá chuyển nhượng tổng cộng lên đến 114 triệu euro.
BIẾT BỊ BÓC LỘT, VẪN PHẢI LỤY “CÒ”
Đừng vội cho rằng phần thu của Mendes trong mùa Hè 2013 là sự điên rồ. Hồi Mendes đàm phán chuyển nhượng Bebe (9 triệu bảng) từ Vitoria Guimaraes sang M.U, “tiền cò” còn lên đến gần 40% (Vitoria chỉ nhận 6,5 triệu bảng, còn 3,5 triệu bảng thuộc về Mendes).
Tháng 6/2009, CLB Hertha Berlin (Đức) sa thải GĐTT Dieter Hoeness - nhân vật quyết định toàn bộ những cuộc chuyển nhượng của đội. Tuyệt đại đa số đầu mối chuyển nhượng, tức các “cò” thân thiết của Hertha, cũng đều đi theo Hoeness. Hertha gần như bất động trên thị trường chuyển nhượng và rớt hạng khi đứng bét bảng trong mùa bóng 2009/10 cực kỳ tồi tệ (đấy thật sự là mùa bóng tồi tệ nhất trong lịch sử Hertha Berlin).
Hãy nhìn vào bài học ấy trước khi chỉ trích sự bòn rút hoặc “ăn cướp” của giới đại diện trên thị trường chuyển nhượng. Đấy là tầm quan trọng rõ ràng về mặt chuyên môn. Và dĩ nhiên, bóng đá bây giờ không chỉ gồm các vấn đề chuyên môn. Đấy còn là ngành giải trí, kinh doanh có doanh số tính bằng tiền tỷ.
Cựu HLV Alex Ferguson từng bình luận: “Giới đại diện cầu thủ chính là nguyên nhân làm giá và lương cầu thủ tăng đến mức độ không ngờ trong khoảng 20 năm nay. Nhưng xét cho cùng, các ngôi sao xứng đáng với mức thu nhập ít ra là phải tương đương với các ngôi sao quần vợt, bóng rổ hoặc golf”.
Dĩ nhiên, bối cảnh của câu nói ấy là lúc mà lương của các ngôi sao bóng đá đều rất lẹt đẹt so với ngôi sao ở những môn kia. Hơn chục năm trước, đã có khoảng 20-30 ngôi sao bóng rổ thuộc giải NBA lĩnh lương ở mức cao hơn 10 triệu euro/năm. Mức lương như thế bây giờ dù đã xuất hiện, nhưng vẫn còn hiếm trong làng bóng đỉnh cao. Ngài Platini có thấy như thế là sự công bằng?
40. triệu bảng Tổng cộng, quỹ lương cho cả 20 HLV ở Premier League 2013/14 là khoảng 40 triệu bảng. Đấy chắc chắn là con số ít hơn rất nhiều so với tổng số tiền các đội bỏ ra cho giới đại diện cầu thủ.
Hàng tỷ Euro chuyển nhượng mỗi năm
FIFA bắt đầu để mắt đến TTCN từ năm 2007, nhưng mãi đến năm 2010 mới có quy định bắt buộc mọi cuộc chuyển nhượng quốc tế (CNQT) đều phải được báo cáo đến FIFA. Sau đây là vài số liệu mà FIFA công bố vào tháng 4/2013, nói về TTCN quốc tế trong năm 2012 (lưu ý, CNQT không bao gồm những cú chuyển nhượng trong cùng một nước).
Có 11.552 vụ CNQT, với tổng số tiền vào khoảng 2 tỷ euro. Trong đó chỉ có 14% là chuyển nhượng trực tiếp giữa 2 CLB (không có thành phần trung gian, không mất tiền cho giới đại diện).
5 nước có số cầu thủ chuyển đến nhiều nhất là Brazil, Anh, Đức, Argentina, BĐN. 5 nước có số cầu thủ chuyển đi nhiều nhất là Brazil, Anh, Argentina, TBN, BĐN.