Bóng Đá Plus trên MXH

Man City: Loay hoay tìm bản sắc
15:25 ngày 22/09/2013
5 năm đã trôi qua kể từ khi tập đoàn Abu Dhabi United Group của Sheikh Mansour tiếp quản CLB Man City. Cách đây 5 năm, trong tư thế ĐKVĐ Premier League, M.U đã thắng Man City trong cả 2 trận derby và bảo vệ thành công vương miện ở mùa bóng 2008/09.
    Khi ấy, Man City kết thúc mùa bóng đầu tiên trong danh nghĩa CLB giàu nhất thế giới ở vị trí... thứ 10 tại Premier League. Bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi…

    ĐỔI THAY NHỜ SỨC MẠNH ĐỒNG TIỀN
    Chỉ vô địch Anh 2 lần suốt hơn 120 năm tồn tại, việc Man City đoạt chức vô địch Premier League 2011/12 rõ ràng là một bước ngoặt mang tính lịch sử, cũng là thành công không thể chối cãi trong kỷ nguyên “sặc mùi tiền”. Ở mùa 2011 và mùa 2013, Man City cũng đều nằm trong Top 3 Premier League, đoạt vé vào thẳng vòng bảng Champions League. 

    Đấy là chưa kể chiếc Cúp FA 2011 hoặc Community Shield 2012. Chưa bao giờ Man City  làm được những điều như vậy, cho đến khi Sheikh Mansour xuất hiện. Trước đó, chưa bao giờ Man City được giới chuyên môn liệt vào nhóm đội mạnh, có khả năng tranh chấp ngôi báu Premier League trong nhiều năm liền như vậy.

    Để thấy rõ hơn bước tiến về mặt chuyên môn của Man City, hãy nhìn vào thành tích chung của 5 CLB hàng đầu nước Anh, qua từng thập niên, theo thống kê của hãng Opta. Man City chỉ có tỷ lệ thắng 28,11% trong thập niên 1980 (tỷ lệ có thể rớt hạng). Trong 2 thập kỷ kế tiếp, Man Xanh tuy có nâng được tỷ lệ thắng lên trên 33% nhưng vẫn không thể nào sánh được với nhóm “Tứ đại gia”. 


    Trường hợp duy nhất có tỷ lệ thắng thấp hơn 33% là Chelsea trong thập niên 1970 (Ken Bates mua lại đội này vào năm 1982 với giá... 1 bảng). Nhưng đến thập niên 2010, Man City lại đang có tỷ lệ thắng cao thứ nhì tại Premier League: 61,21% - chỉ sau M.U (70,43%). 

    Trong vài năm gần đây, Man City nâng được tỷ lệ thắng lên gần gấp đôi trong khi tỷ lệ thắng của Arsenal, Chelsea, Liverpool lại đồng loạt giảm đi. Thật ra, đấy chỉ là hệ quả tất yếu từ bước tiến về chất lượng đội bóng. Tính đến 2012, Sheikh Mansour đã chi hơn 1 tỷ bảng cho Man City. 
    Không nhất thiết phải làm một cuộc liệt kê về những ngôi sao mà Man City mua về trong sự giàu có của họ. Vấn đề ở chỗ, ngay cả những cầu thủ sẵn có cũng buộc phải cố gắng nhiều hơn để cạnh tranh chỗ đứng, hoặc để có hy vọng tăng lương, gia hạn hợp đồng. 

    Lúc Man City vô địch Premier League 2012, đấy là đội bóng duy nhất tại Anh chi lương cầu thủ cao hơn toàn bộ doanh thu của họ (và đấy là chỉ mới nói chuyện chi lương)!

    CÓ GIÀU MÀ VẪN CHƯA SANG
    Tất nhiên, tiền bạc không thể đem lại tất cả. Việc phải chia tay Champions League ngay sau vòng bảng suốt 2 mùa bóng vừa qua cho thấy Man City còn rất nhiều việc phải làm trước khi trụ vững ở đẳng cấp cao. 



    Gần chục năm sau khi Roman Abramovich bắt đầu rải tiền, Chelsea mới leo được lên ngôi vô địch Champions League. Vấn đề của những đội “nhà giàu mới” như Man City là họ thiếu hẳn một lối chơi đặc trưng do không có truyền thống hào hùng, không có nhiều thành công trước đó. 
    Về mặt lối chơi, các đội như thế luôn thiếu bản sắc. Hệ lụy là: thành tích trở thành thước đo quan trọng duy nhất để giới lãnh đạo đánh giá năng lực của HLV. Mà thành tích thì đâu thể có mãi. Dù đem về cho Man City chức vô địch Premier League lịch sử, HLV Mancini vẫn bị sa thải vì nguyên nhân này. Mà càng thay HLV, đội bóng lại càng không có bản sắc, do quan điểm của các nhà cầm quân (đi kèm theo đó là cả một vấn đề lực lượng) thường rất khác nhau.

    Dù sao đi nữa, không thể chối cãi rằng Man City  đã chen chân vào nhóm “đại gia” trong làng bóng Anh, và điều này làm cho cuộc đua tại Premier League sôi động. Ở xuất phát điểm, luôn có ít nhất 6 đội đáng gờm (M.U, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham). 
    Như vậy, ít nhất sẽ có 2 đại gia thất bại trong cuộc đua vào Champions League. Giải vô địch Anh trở nên cực kỳ hấp dẫn nhờ chi tiết này. Vấn đề không chỉ đơn thuần là cuộc đua giữa 6 đội mạnh. Việc cạnh tranh để có HLV giỏi hoặc tranh nhau ký hợp đồng với các ngôi sao hàng đầu cũng đều hấp dẫn theo cuộc đua ấy.


    Cuối cùng là vấn đề thương hiệu. Số liệu do Forbes hoặc Sport Markt cung cấp cho thấy: tuy giàu có nhưng Man City vẫn chưa xây dựng được một lực lượng CĐV đáng kể, và đấy là chi tiết quan trọng khiến đội bóng này được định giá thấp hơn M.U, Arsenal và Chelsea. Dù sao đi nữa, được Forbes đánh giá một cách tổng thể là “Đội bóng lớn số 4 nước Anh”, cũng là quá đủ đối với một Man City chỉ mới trải qua 5 năm trong kỷ nguyên “nhà giàu” của họ.


    SỨC HÚT CỦA THƯƠNG HIỆU MAN CITY
    Dù hiện là đội bóng giàu có và hùng mạnh nhất nhì Premier League, nhưng thương hiệu của Man City còn kém xa M.U và các đại gia khác về khoản thu hút lực lượng CĐV. Hãy nhìn vào 2 so sánh: lượng khán giả đến sân (trong nước) và lượng CĐV (toàn cầu) giữa Man City và nhóm “Tứ đại gia”.

    LƯỢNG KHÁN GIẢ NHÀ BÌNH QUÂN NĂM 2012
    1. Man United 75.508 (người/trận)
    2. Arsenal       60.094
    3. Man City     46.905
    4. Liverpool     44.653
    5. Chelsea        41.478

    LƯỢNG CĐV TOÀN CẦU
    1. Man United          355 triệu
    2. Chelsea 135 triệu
    3. Arsenal         113 triệu
    4. Liverpool         71 triệu
    5. Man City         18 triệu
    (Theo Sport Market)
    KHƯƠNG DUY • 15:25 ngày 22/09/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay