Cái tên Youssouf Fofana sẽ được nhớ mãi, bởi đó sợi dây liên lạc đầu tiên giữa hai người và đem đến ý tưởng đào tạo cầu thủ rồi bán lấy lời cho Guillou. Ông mua Fofana về Cannes từ học viện ASEC Mimosas, và sau này nhận ra tiềm năng của những cầu thủ châu Phi như Fofana, người được đặt biệt danh là “kẻ dắt bóng” (nhờ khả năng rê dắt siêu đẳng của mình) hay “kim cương đen”. Thế là ông đóng gói hành lý và bắt đầu cuộc hành trình đến châu Phi cận Sahara vào thập niên 1990 để bắt đầu khai thác nguồn tài năng vô tận ở đây. Những tài năng như Fofana.
Người đầu tiên mà ông liên lạc là Arsene Wenger. HLV người Pháp khi ấy dẫn dắt Monaco, và ông tỏ ra rất thích thú với ý tưởng của Guillou. Wenger thậm chí còn cố gắng thuyết phục chính quyền sở tại đầu tư vào dự án của người bạn cũ. Năm 1994, trường huấn luyện cầu thủ gắn mác JMG đầu tiên được mở tại Abidjan, thủ đô của Bờ Biển Ngà, với sự hợp tác về ý tưởng của cả ông Wenger. HLV của Arsenal sau này chính là người đã đề xuất cho các cầu thủ tập chơi bóng chân đất trong vòng 3 năm, bởi theo ông thì “đây là phương pháp dễ dàng nhất để phát triển kỹ năng chơi bóng cận chân”.
Nhìn ở một góc độ hơi tiêu cực, thì Guillou là một tay lái buôn cầu thủ lão luyện đích thực, và là người cung cấp khá nhiều cầu thủ cho Arsenal của ông Wenger. HLV từng là đồng đội của Michel Platini ở World Cup 1978 này sáng lập một học viện bằng cách kêu gọi sự tài trợ từ địa phương mà học viện đóng quân (JMG tại Pleiku vận hành nhờ sự đầu tư của ông Đoàn Nguyên Đức là một ví dụ), cung cấp giáo viên và mô hình cũng như các nguyên tắc hoạt động.
Arsenal đóng vai trò một đại diện hình ảnh (tên và logo của CLB xuất hiện trên bảng hiệu của mỗi học viên), đôi khi là một nhà đầu tư (Wenger đã từng huy động 1,5 triệu euro từ CLB để “rót” vào dự án Bereven năm 2001, một nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào). Ông Wenger còn đứng ra bảo trợ cho Guillou thành lập học viện JMG ở Algeria, Thái Lan, và sau này là Việt Nam.