Trong cuốn tự truyện, Ferguson đã bảo Becks phản bội lại ước mơ thời thơ ấu của mình. Vì ham mê nổi tiếng và cuộc sống showbiz, Becks đã chểnh mảng tập luyện và bỏ qua cơ hội trở thành một siêu sao ở đẳng cấp cao nhất.
Ông tiết lộ Becks đã chửi thề khi ông cố chỉnh huấn đứa học trò lầm lạc, nguyên nhân dẫn đến vụ án “Chiếc giày bay” nổi tiếng. Sau khi Becks có tư tưởng “ngôi sao”, chính Ferguson chủ động gặp BLĐ và yêu cầu phải bán Becks đi. Ông không chấp nhận một cầu thủ dám đặt mình ngang hàng hoặc cao hơn HLV trưởng.
Ferguson là một con người kiểu cũ, sống và thở cùng bóng đá. Việc ông không chấp nhận một cầu thủ suy nghĩ lệch mình cũng là điều dễ hiểu. Trong tự truyện, Ferguson đề cao Paul Scholes và Ryan Giggs, cũng là những “cầu thủ kiểu mẫu” mà ông yêu thích. Nhưng Scholes và Giggs, với hàng chục danh hiệu nhiều hơn Becks, liệu có khả năng được phong Sir hay không? Không khó để trả lời.
Becks đã chọn một con đường riêng và anh đã thành công rực rỡ. Bạn có thể không thích phong cách showbiz của anh (như Sir Alex không thích), nhưng không bao giờ có thể phủ nhận tài nghệ của anh. Becks vừa rời M.U năm 2003, CLB này lập tức rơi vào cơn khô hạn danh hiệu dài nhất dưới triều đại Sir Alex (tình cờ chăng).
Ở Real, Becks tót đi dự đám cưới của anh bạn Tom Cruise, bị Fabio Capello đày lên ghế dự bị. Nhưng rồi cũng chính HLV lão làng người Italia phải mang anh trở lại đội hình. Những đóng góp chuyên môn tuyệt vời của Becks đã giúp CLB xóa đi cơn khát danh hiệu kéo dài 3 năm.
Becks dám đi con đường riêng. Đấy là một lựa chọn đáng phục. Chuyện anh thành công rực rỡ với con đường ấy, lại càng đáng phục hơn. Nếu Becks được phong Sir, anh sẽ có tước hiệu ngang với Ferguson, ở thời điểm trẻ hơn 20 tuổi so với khi ông thầy cũ được phong tước. Đấy rõ ràng là lời đáp trả tốt nhất của Becks.