Thành tích quốc tế của Italia hơn hẳn Anh, dù về tài năng chưa biết đội nào trội hơn qua từng thời kỳ lịch sử. Người Italia còn được xem là bậc thầy chiến thuật với đủ loại sơ đồ chiến thuật rối rắm, trong khi đã nói đến bóng đá Anh thì Tam sư cứ việc phớt Ăng lê với sơ đồ truyền thống 4-4-2.
Bây giờ, với Harry Kane, sơ đồ 4-4-2 càng có đất dụng võ với cặp Kane - Rooney. Ngoài 2 tiền đạo này, Tam sư còn có Danny Welbeck, Raheem Sterling, Theo Walcott hay Daniel Sturridge có thể đá tiền đạo tốt. ĐT Anh chơi với 2 tiền đạo giăng ngang (hoặc cùng lắm là một người hoạt động cao hơn người kia) là một chuyện, và đó thường là lựa chọn của HLV chứ không phải vì các tiền đạo Anh không thể đá tốt ở nhiều vị trí.
Cả Kane lẫn Rooney đều có thể hoạt động rộng hiệu quả. Welbeck, Sturridge hay Sterling cũng vậy. Nhưng người Anh ngại thử nghiệm, vì khả năng thích nghi không cao về con người, hơn nữa còn vì áp lực về những thất bại trong quá khứ. Chưa kể, không hẳn các tuyển thủ Anh ưa gì nhau. Premier League càng quyết liệt giữa các đội Man United, Liverpool, Tottenham, Arsenal đang tranh suất dự Champions League, thì các tiền đạo của các đội này càng khó “cơm lành canh ngọt” với nhau.
Bóng đá Anh từ nhiều thập kỷ qua không thiếu tài năng. Hiện tại, tuy ít nhưng cũng không đến nỗi “nhân tài như lá mùa thu”. Tam sư không được như Azzurri, đội bóng thường ít phụ thuộc vào tài nghệ cá nhân mà thường phát huy rất tốt yếu tố tập thể. Ngoài ra, còn là chuyện tính cách và những tiểu xảo sân cỏ. Về mặt này, người Italia là bậc thầy của những bậc thầy.
Đó chính là lý do vì sao HLV Jose Mourinho lúc mới đến Inter từng xếp đội hình 2-2-2-2-2. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Mirror (Anh) 1 năm sau sự kiện đó, Người đặc biệt lý giải: “Thật sự chẳng có gì là đặc biệt. Khi tôi làm việc ở Italia, thì phải ra dáng Italia cho hợp thời. 2-2-2-2-2 khi sang bóng đá Anh cũng chỉ là 4-4-2, không có gì khác!”.
Về độ “láu cá”, Mourinho hẳn hơn nhiều HLV của ĐT Anh nói riêng và người Anh nói chung. Nhưng câu chuyện của Mourinho (một người thành công cả trong bóng đá Anh lẫn Italia) vừa kể cho chúng ta nhận rõ một chân lý: con người mới là sống, còn những sơ đồ chiến thuật và lối chơi là “chết”. Nói cách khác, con người phải thổi hồn vào lối chơi.
Chelsea do Mourinho dẫn dắt mùa này vừa thua PSG ở Champions League. Chính Chelsea ấy là đội thuộc loại đa dạng nhất về mặt lối chơi ở Premier League, nhưng The Blues lại “chết” trước PSG vì 2 tình huống bóng chết rất đơn giản vốn thường là sở trường của người Anh. Bằng chứng: cả 2 bàn của Chelsea vào lưới PSG trong trận hoà 2-2 tại Stamford Bridge cũng xuất phát từ tình huống bóng chết.
Nói vậy để thấy, Tam sư không việc gì phải xấu hổ khi tiếp tục dùng sơ đồ 4-4-2 (và chẳng cần biến tấu) trong khi Azzurri có thể dùng 4 hay 5 sơ đồ trong một trận. Điều quan trọng nhất là hiệu quả (cả về mặt cá nhân lẫn tập thể) và niềm tin vào lựa chọn của mình. Có được điều đó, đội bóng xứ sương mù đủ sức vượt qua đối thủ kỵ giơ Italia.