Thoạt nhìn, đúng là như vậy. Bản thân HLV Hodgson cũng thừa nhận sau trận đấu, rằng chọn Townsend (và bỏ Wilshere) là một quyết định làm ông “đau khổ”.
Từng có lúc, người ta cho rằng Wilshere là tài năng đáng kể nhất mà bóng đá Anh sản sinh được trong vài năm gần đây. Thế còn Townsend ? Mới 22 tuổi, anh đã bị CLB Tottenham đẩy đi theo hình thức cho mượn, đến... 9 CLB khác nhau. Đa số trong đó là các CLB ở đẳng cấp thấp, như Yeovil Town, Leyton Orient, hoặc Milton Keynes Don. Tóm lại, toàn bộ sự nghiệp bóng đá của Townsend xưa nay chỉ gồm khoảng hơn chục trận đấu đỉnh cao (trận đấu thuộc Premier League cũng đã tính là đỉnh cao rồi).
Sam Wallace bình luận trên tờ Independent, rằng giới cầm quân thường chiến thắng oanh liệt hoặc thất bại nhục nhã chỉ vì một quyết định thành công hoặc sai lầm trong những trận đấu lớn. Với HLV Hodgson, trận thắng Montenegro vừa qua chính là như vậy.
Bây giờ, người Anh có quyền tự tin, làm chủ số phận của mình ở vòng loại World Cup. Thắng nốt Ba Lan tại sân nhà trong đêm thứ Ba sắp tới, thầy trò HLV Hodgson sẽ nghiễm nhiên lấy vé chính thức đi Brazil. Đội Pháp của Ribery hoặc BĐN của Ronaldo đâu có được như thế!
Đến đây, có lẽ bạn đã cảm nhận một chút gượng gạo nào đấy, dù xét cho cùng chẳng thấy sai chỗ nào.
HLV Hodgson “đau đầu” lấy chỗ của Wilshere (ảnh) trao cho Townsend
Người trung lập khó mà nuốt trôi cái gọi là “trận đấu lớn”, khi Anh gặp Montenegro tại sân nhà (là đội bóng non trẻ nhất trong hàng ngũ FIFA, Montenegro chỉ xuất hiện trên sân cỏ quốc tế từ vòng loại World Cup 2010). Cũng vậy, Hodgson cứ việc “đau khổ”, vì đấy là việc của ông. Nhưng chắc ít ai cảm thấy “đau khổ” khi phải bỏ Wilshere trong một trận vòng loại.
Cũng trong loạt trận mà HLV Hodgson “đau đầu” lấy chỗ của Wilshere trao cho Townsend, thì HLV Del Bosque của TBN bỏ đến hàng chục ngôi sao. Tập hợp những ngôi sao ấy - từ De Gea trong khung thành đến Torres, Soldado, Villa trên hàng tiền đạo, có thể hình thành đến 2 đội tuyển - mạnh chẳng kém ĐT Anh của HLV Hodgson. Dù có “nhức đầu” hoặc “đau khổ” hay không, Del Bosque cũng phải quyết định, bởi danh sách tuyển TBN không đủ chỗ cho khoảng 50 hảo thủ.
Mùa này, đã có 161 cầu thủ Anh ra sân ở Premier League. Tính cả các cầu thủ được đăng ký nhưng thậm chí chưa hề ngồi ghế dự bị, thì số cầu thủ Anh ở Premier League cũng chỉ vào khoảng trên dưới 200. Trong số này, có khoảng 50 cầu thủ khoác áo Tam sư trong 1 năm gần đây. Như vậy, chẳng cần xét đến đẳng cấp, hễ đã là cầu thủ Anh ở Premier League, thì đã có sẵn 25% cơ may khoác áo ĐTQG, hay nói cách khác là “4 chọn 1”.
Một khán giả có trình độ chuyên môn trung bình sẽ dễ dàng khoanh tròn hàng chục cái tên gọi là cầu thủ Anh nhưng dĩ nhiên không đủ đẳng cấp lọt vào ĐTQG. Thế là, sẽ có một người lọt vào ĐTQG từ 2-3 cầu thủ Anh “xem được” ở Premier League.
Với diện tuyển chọn như thế, chắc chắn Tam sư không thể là một đội mạnh, theo nghĩa có khả năng tranh chấp ngôi cao ở World Cup. Và với diện tuyển chọn như thế, người ta xem Montenegro là “đối thủ lớn”, rồi gọi Townsend là “người hùng”, bảo HLV Hodgson “quyết định thành công”, cũng chẳng lạ.