Bóng Đá Plus trên MXH

ĐT Pháp: Nỗi ám ảnh chảy máu tài năng
07:03 ngày 16/11/2013
Nếu Morgan Schneiderlin được gọi vào ĐT Anh, Pháp sẽ mất đi một tài năng lớn từng khoác áo các đội tuyển trẻ của họ. Cầu thủ hai quốc tịch vẫn là vấn đề nóng bỏng và nan giải với bóng đá Pháp suốt hàng chục năm qua.
    “CỐC MÒ, CÒ XƠI” ĐẾN BAO GIỜ?
    Morgan Schneiderlin đã lần lượt khoác áo từ đội U16 cho tới đội U21 Pháp. Nhưng tiền vệ của Southampton này đang được HLV Roy Hodgson nhắm cho ĐT Anh (Schneiderlin đã có quốc tịch Anh sau 5 năm thi đấu tại Southampton). Và việc HLV Didier Deschamps bỏ quên cầu thủ 24 tuổi trong danh sách triệu tập ĐT Pháp ở loạt play-off khiến ông bị báo giới nước này chỉ trích mãnh liệt. Tất nhiên, Schneiderlin chưa là gì quan trọng với Les Bleus, nhưng câu chuyện này một lần nữa xoáy vào nỗi ám ảnh trầm kha trong nền bóng đá Pháp, đó là vấn nạn cầu thủ hai quốc tịch.

    Francois Blaquart, cựu GĐKT của LĐBĐ Pháp (FFF) từng công bố con số giật mình: có tới 45% số cầu thủ tại các đội tuyển trẻ của Pháp có hai quốc tịch. Quốc tịch thứ nhất là Pháp, quốc tịch thứ hai phần lớn là từ châu Phi. Điều này xuất phát từ mối dây liên hệ chặt chẽ về lịch sử giữa Pháp và các quốc gia từng là thuộc địa tại lục địa đen. Và hệ quả là mỗi năm có khoảng 10% các tuyển thủ trẻ của Pháp chuyển sang các ĐTQG khác. 

    Có thể kể ra nhiều ví dụ điển hình như Kanoute, Chamakh, Kevin Constant, Moussa Sow, Benatia... Chamakh từng chơi cho đội U19 Pháp nhưng lại chọn ĐT Morocco vì “tôi muốn gắn bó với gốc rễ của mình, với cha mẹ tôi” (cha mẹ Chamakh là người Morocco). Còn Kanoute (từng đá cho U21 Pháp) chọn ĐT Mali vì đơn giản anh không dám hy vọng chen chân vào đội bóng áo lam.


    Kanoute (phải) từng đá cho U21 Pháp trước khi chọn ĐT Mali

    Nói chung, có nhiều lý do để các cầu thủ hai quốc tịch (đa phần là gốc châu Phi) không chọn Les Bleus cho dù họ đã phục vụ các đội tuyển trẻ của Pháp. Đó là sự thất thoát rất lớn cho nền bóng đá xứ sở lục lăng. Nước Pháp đã mất nhiều công sức đào tạo, chăm bẵm các tài năng từ khi còn rất trẻ, nhưng kẻ hưởng lợi lại là Senegal, Cameroon, Algeria hay thậm chí là Anh (nếu Schneiderlin được Hodgson triệu tập). 

    Algeria từng tung ra đội hình xuất phát có tới 8 cầu thủ trưởng thành từ lứa trẻ của Pháp trong trận gặp Ai Cập tại vòng loại World Cup 2010. Còn tại giải đấu ở Nam Phi 2010, có tới 9 cựu tuyển thủ trẻ Pháp tham dự nhưng không phải trong màu áo lam. cảnh “cốc mò, cò xơi” là nỗi ám ảnh bấy lâu nay với bóng đá Pháp.

    Tình trạng cầu thủ hai quốc tịch cũng xảy ra tại Đức (nơi có các cầu thủ gốc TNK), Italia (với các cầu thủ gốc Argentina), BĐN (cầu thủ gốc Brazil) hay Anh (các cầu thủ gốc Phi). Nhưng không đâu ở châu Âu trầm trọng bằng Pháp. Willy Sagnol, HLV trưởng đội U23 Pháp, phát biểu đầy bức xúc về vấn nạn này: “Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi một cầu thủ trẻ mà chúng tôi hết lòng dạy dỗ lại chọn phục vụ ĐT Morocco”. 

    Theo thống kê chưa đầy đủ, có không dưới 40 cầu thủ từng khoác áo các đội trẻ Pháp nhưng sau đó lại phục vụ đội tuyển khác. Trên thế giới, Pháp có lẽ là trường hợp duy nhất mà thường xuyên cung cấp tài năng trẻ của họ cho các đội tuyển khác.

    GIẢI PHÁP “QUOTA DA MÀU” THẤT BẠI
    Nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu tài năng, FFF từng bí mật nghiên cứu đề án hạn chế cầu thủ da màu trong các đội tuyển trẻ nước này. Theo đó sẽ chỉ có 30% cầu thủ Bắc Phi được khoác áo các đội trẻ Pháp từ tuổi 13. Kế hoạch này khi bị phanh phui vào năm 2011 đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Pháp. Bởi tại một quốc gia tập hợp nhiều sắc tộc như Pháp, sự hạn chế cầu thủ da màu không khác nào một hành vi phân biệt chủng tộc. 

    Vì vụ bê bối này mà những người liên quan như Francois Blaquart bị cách chức GĐKT của FFF, còn Laurent Blanc (lúc đó dẫn dắt ĐT Pháp) cũng chìm trong cơn bão chỉ trích. Đây là hai nhân vật góp giọng trong cuốn băng ghi âm cuộc nói chuyện về “quota da màu” bị tờ báo điện tử Mediapart phanh phui vào năm 2011.

    Vụ “quota da màu” chỉ càng xới lên những tranh cãi không dứt về vấn đề cầu thủ hai quốc tịch tại Pháp. Một luồng ý kiến ủng hộ với lý do cũng nhờ nguồn cầu thủ đặc biệt này (gốc Phi) mà ĐT Pháp mới vô địch World Cup 1998 và EURO 2000. Quan điểm ngược lại cho rằng Pháp không thể chấp nhận thất thoát tài năng cho các đội tuyển khác trên thế giới, một điều cực kỳ vô lý.

    Zidane sẽ không khoác áo ĐT Pháp?

    Đừng vội ngạc nhiên, đây không phải là Zidane huyền thoại mà là… con trai cựu danh thủ này, Enzo Zidane. Enzo sinh ra ở Bordeaux trước khi tới TBN học bóng đá tại Real. Cầu thủ 18 tuổi này từng được gọi vào đội U15 TBN hồi năm 2009. Trên giấy tờ, Enzo có quyền lựa chọn khoác áo một trong ba đội là Pháp, TBN và Algeria. Bố anh đã chọn ĐT Pháp để trở thành một huyền thoại. Tuy nhiên Zizou nói rằng anh để con trai tự do lựa chọn. Vì thế không loại trừ khả năng Enzo sẽ khoác áo đội tuyển TBN, nơi thân thuộc nhất với thanh niên này.

    “Chảy máu” - Đó là thực tế mà bóng đá Pháp phải chấp nhận. Khi một tuyển thủ trẻ của Pháp chọn khoác áo một đội tuyển châu Phi, đó là quyền tự do của họ theo luật FIFA. Tất nhiên, thiệt hại thuộc về hệ thống đào tạo trẻ của Pháp. Nhưng chúng ta buộc phải sống chung với nó   .
    Deschamps, HLV đội tuyển Pháp trả lời phỏng vấn trên Le Parisien hồi tháng 9.
    Việt Hà • 07:03 ngày 16/11/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay