Bóng Đá Plus trên MXH

Đối thoại bàn tròn: U19 Việt Nam đủ lực để thích ứng thử thách
15:09 ngày 17/03/2014
Tưởng chừng, sự cuồng nhiệt với “U19 Việt Nam” đã dịu đi sau giải giao hữu U19 quốc tế đầu năm 2014. Tưởng chừng, sự cuồng nhiệt đó là chỉ hiện tượng, song, từ khóa “U19 Việt Nam” vẫn rất “hot” khi rất nhiều NHM theo dõi sát sao chuyến tập huấn, du đấu tại châu Âu.

    Chùm ảnh về U19 Việt Nam

    Nó thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng cao, xen lẫn băn khoăn, hồ nghi của NHM về lứa cầu thủ này. Do đó, BĐ&CS đã mở cuộc trao đổi bàn tròn với các nhà báo Nguyễn Tùng (VnExpress), Thanh Liêm (Thể thao 24h) và Phạm An (Thể thao & Văn hóa) về thực trạng và triển vọng của ĐT U19 Việt Nam!

    “ĐỪNG ĐÁNH GIÁ THẤP KHẢ NĂNG SINH TỒN CỦA CẦU THỦ!”
    - Ấn tượng nhất của các anh về ĐT U19 VN, với nòng cốt là các học viên của Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG, trong 1 năm qua là gì?

    * Nhà báo Nguyễn Tùng: Họ trình diễn thứ bóng đá chưa từng có ở Việt Nam: tốc độ, kỹ thuật, nhịp nhàng, khéo léo. Bên ngoài sân cỏ, đó cũng là những chàng trai ngoan ngoãn, nhã nhặn. Nhìn hình ảnh đội trưởng Xuân Trường tự tin trả lời phỏng vấn kênh Arsenal TV bằng tiếng Anh, chắc hẳn không chỉ gia đình anh mà nhiều người khác cũng tự hào vì bóng đá Việt Nam sản sinh ra lứa cầu thủ văn võ song toàn.

    * Nhà báo Thanh Liêm: Đông Triều cố gắng xoạc lấy bóng thay vì phạm lỗi và tiền đạo U19 AS Roma đã ghi bàn. Đó là cái giá phải trả cho quan điểm đề cao bóng đá đẹp của U19 Việt Nam. Nhưng những bài học đó sẽ giúp Đông Triều và các đồng đội trưởng thành. Trong 1 năm qua, tôi nghĩ tự U19 Việt Nam đã chứng minh năng lực của mình, khi nhiều lúc vấp ngã nhưng biết cách đứng dậy và tiến bước. Đặc biệt, họ vẫn là chính mình trước ánh hào quang và cạm bẫy. 
     
    * Nhà báo Phạm An: Chúng ta thích thú lối chơi hiện đại của U19 Việt Nam có thể vì ít thấy một đội tuyển trẻ nào của Việt Nam từ trước đến nay có thể chủ động cầm bóng và áp đặt tốt đến thế, mà nền tảng của nó là khả năng làm chủ trái bóng. Đa phần các đội bóng trẻ, từ cấp CLB đến ĐTQG, đều triển khai lối chơi phòng ngự phản công hơn là áp đặt đối thủ, cũng xuất phát từ việc kiểm soát bóng không tốt.

    - Công Phượng, Xuân Trường và các đồng đội liệu có thích nghi được với môi trường khắc nghiệt như V.League hay một CLB nước ngoài? Các anh có e ngại về việc lứa cầu thủ này mới được thi đấu thật 5-6 trận, nên thiếu kinh nghiệm trận mạc?

    * Nhà báo Nguyễn Tùng: Tỷ lệ thành tài của ngay cả những học viện bóng đá hàng đầu thế giới cũng chưa đến 30%. Sự đam mê đến liều lĩnh của ông Đoàn Nguyên Đức cũng là sự may mắn của bóng đá Việt Nam khi lứa học viên đầu tiên đã hứa hẹn những quả ngọt thực sự. 

    Khi kết thúc chu kỳ đào tạo, Arsenal sẽ là nơi đầu tiên được lựa chọn cầu thủ, sau đó mới đến lượt HA.GL. Có nhiều cách để bầu Đức sử dụng họ, như chuyển nhượng sang một đội bóng châu Âu có trình độ trung bình hoặc đến Nhật Bản, nơi luôn mở cửa với các cầu thủ Việt Nam có đủ chuyên môn. 

    Khả năng thứ ba là về đá ở V.League cho HA.GL hoặc một đội bóng nào khác. Đây là điều mà không nhiều người muốn nó xảy ra bởi thực tế cho thấy những cầu thủ trẻ được đào tạo theo giáo án châu Âu thường khó thích nghi với lối đá ở V.League.

    * Nhà báo Thanh Liêm: Tôi thấy có cơ sở của niềm tin hơn là lo ngại. Tôi không đồng ý với quan điểm cấm cầu thủ Học viện HA.GL - Arsenal JMG đá V.League hay lo sợ nếu để họ rơi vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam sẽ hỏng. Khi cầu thủ được đào tạo bài bản, được học hành đến nơi đến chốn với ý thức chuyên nghiệp từ nhỏ, họ có đủ nền tảng để thích ứng với thử thách.

    * Nhà báo Phạm An: Quy trình đào tạo của Học viện HAGL - Arsenal JMG được thừa nhận là đúng đắn ở hầu hết các lò đào tạo trên thế giới: luyện kỹ thuật trước khi phát triển tư duy chiến thuật và các phẩm chất khác, cũng như tập lẫy trước khi tập bò và tập đi. 

    V.League hiện tại không phải một môi trường thích hợp cho lối chơi kỹ thuật của các cầu thủ U19 Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đừng đánh giá thấp khả năng sinh tồn của các cầu thủ. Họ có thể còn ngây thơ và thiếu kinh nghiệm lúc này, nhưng ai cũng bắt đầu từ chân dốc như vậy cả.


    “LUÔN LÀ HÌNH MẪU ĐỂ SO SÁNH”
    - Mục tiêu của U19 Việt Nam vào bán kết U19 châu Á tại Myanmar tháng 10 tới, qua đó giành quyền dự vòng chung kết U20 thế giới 2015 liệu có khả thi?

    * Nhà báo Nguyễn Tùng: Điều tôi lo ngại là việc U19 Việt Nam tập huấn, tích lũy kinh nghiệm ở đấu trường châu Âu nhưng lại về thi đấu với các đội châu Á nặng tiểu xảo và những toan tính chiến thuật. Hy vọng chuyến tập huấn tại Nhật Bản tới đây sẽ bù đắp phần nào.

    * Nhà báo Thanh Liêm: Đó là mục tiêu và ước mơ. Nhưng, lứa U19 Việt Nam bây giờ có thể khiến người ta tự tin với mục tiêu đó và tin rằng ước mơ không xa vời.

    * Nhà báo Phạm An: Cần những dữ kiện rõ ràng hơn, ví dụ U19 Việt Nam sẽ chung bảng với ai (lễ bốc thăm sẽ diễn ra vào tháng 5 tới) cùng những gì đã diễn ra trong quá khứ mới có thể nhận định. Còn vào thời điểm này, tôi chỉ chúc các cầu thủ U19 giữ được phong cách hiện tại, và chơi với tất cả nhiệt huyết. Thế là đủ.

    - Có ý kiến độc giả cho rằng: “U19 Việt Nam không phải là sự cứu rỗi của nền bóng đá nhưng là động lực để NHM còn niềm tin, quan tâm đến bóng đá Việt Nam”. Các anh có đồng tình với nhận xét này?

    * Nhà báo Nguyễn Tùng: Thành công của U19 giúp NHM tin rằng, nếu được đầu tư bài bản, các cầu thủ Việt Nam với thể hình nhỏ bé vẫn có thể thành công. Cách chơi của U19 cũng là sự gợi mở cho các nhà chuyên môn về việc xây dựng một lối đá, cách chơi phát huy được những điểm mạnh truyền thống của người Việt Nam, như: nhanh nhẹn, khéo léo, uyển chuyển.

    * Nhà báo Thanh Liêm: Đồng ý 100%. Từ khi có hiện tượng U19 Việt Nam và những hiệu ứng của nó, tính chất trận đấu các giải trẻ - từ U15 đến U21 - thay đổi theo hướng tích cực. Cơ bản là văn minh hơn, từ người làm, người chơi lẫn người xem, khi U19 Việt Nam luôn là hình mẫu để so sánh. Theo tôi, đó mới là thứ giá trị nhất. 

    * Nhà báo Phạm An: U19 VN là điểm tựa cho niềm tin vào một thứ bóng đá đẹp. Xem các em thi đấu, các khán giả không chỉ xem một thứ bóng đá mà lâu rồi họ không được chứng kiến, như: sự tự tin, làm chủ trái bóng mà còn xem một thái độ đẹp. Vấn đề này thuộc về quy luật của thị hiếu.

    - Quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có nói rằng, với lứa cầu thủ tốt như U19 hiện nay, Việt Nam có quyền mơ về World Cup 2018. Các anh có chia sẻ suy nghĩ này không? Vì sao? 

    * Nhà báo Nguyễn Tùng: Muốn làm được điều này cần có nhiều lò đào tạo như của HA.GL. Phải chờ vài kỳ World Cup nữa, khi mà mặt bằng của bóng đá Việt Nam được nâng lên Top 10 châu Á thì mới mong có điều kỳ diệu.

    * Nhà báo Thanh Liêm: Tôi nghĩ nên vượt qua vòng loại Asian Cup, xếp cùng đẳng cấp với những đội hàng đầu châu lục trước khi mơ xa hơn, cao hơn.

    * Nhà báo Phạm An: Đó là một giấc mơ đòi hỏi sự chung tay của cả nền bóng đá, thay vì một lứa cầu thủ trẻ. Mục tiêu World Cup cực kỳ khó đạt. Đó là mơ ước cả đời nhưng bất thành của ngay cả cầu thủ huyền thoại như Ryan Giggs.

    - Xin cám ơn các anh!
    AN HƯNG (thực hiện) • 15:09 ngày 17/03/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay