Trung tâm truyền thông chia làm 2 khu vực, tầng trên là của trung tâm truyền hình (IBC). Nơi này khá rộng rãi và thoáng đãng, có cả các quầy bar và nhà hàng phục vực ăn uống. Ở giữa là khu vực trường quay của các đài truyền hình có đăng ký bản quyền với BTC.
Tầng hầm là trung tâm báo chí (MPC). Do là tầng hầm nên nơi đây hơi ngột ngạt, dù phòng ốc dành cho các phóng viên tác nghiệp rộng mênh mông với hàng chục màn hình để theo dõi trực tiếp các môn thi đấu tại đại hội.
Trung tâm báo chí có thể chứa khoảng 300 phóng viên viết và ảnh tác nghiệp cùng một lúc, với hệ thống internet và wifi rất mạnh, khác hẳn so với những khu vực khác tại Nay Pyi Taw.
Tuy nhiên, có một điều khiến các phóng viên Việt Nam và một số nước cảm thấy hơi bất tiện lẫn… bối rối, vì đa số ổ cắm điện ở đây đều làm kiểu 3 chấu dẹt, trong khi các thiết bị điện tử sử dụng ở nước ta là ổ tròn hoặc dẹt thông thường.
Thế nhưng để vào được trung tâm báo chí, dù đã có thẻ tác nghiệp do BTC cấp, tất cả các phóng viên và thành viên ra vào nơi đây bắt buộc phải có một thẻ phụ và dấu vân tay của chính họ để qua cửa an ninh (tương tự như cửa của các trạm xe điện ngầm trên thế giới). Sau đó tiếp tục được kiểm tra kỹ lưỡng như khi qua cửa an ninh sân bay.
Cần nói thêm, để làm cái thẻ vào cửa ấy, sáng nay chúng tôi và các phóng viên Việt Nam đã mất khoảng 1 tiếng đồng hồ cho việc này. Có lẽ đây là kỳ SEA Games đầu tiên mà việc kiểm tra an ninh gắt gao như thế, thậm chí còn kỹ lưỡng hơn cả các kỳ Olympic lẫn Asian Games vừa diễn ra ở Trung Quốc hồi 2008 và 2010, nơi cũng rất nổi tiếng về sự gắt gao trong kiểm tra ninh.
Một số hình ảnh về trung tâm báo chí SEA Games 27 do PV Báo Bóng Đá ở Myanmar thực hiện:
Toàn cảnh trung tâm nhìn từ lối vào
Khu vực cổng vào
Khuôn viên trung tâm như một resort, với hồ nước, hòn non bộ, và rất nhiều cây xanh
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào là dãy cờ các các quốc gia dự SEA Games 27
Phòng điều hành
Khu vực tác nghiệp của các phóng viên, với rất nhiều TV
Khu vực ăn nhanh để các PV lót dạ trước khi công tác tiếp