THỂ LỰC ĐÃ TĂNG CƯỜNG
Nếu phải nói điểm nổi bật nhất kể từ khi HLV Toshiya Miura lên làm thuyền trưởng của ĐT Việt Nam đó chính là vấn đề thể lực. Thực tế, trong các giáo án đưa ra, nhà cầm quân người Nhật Bản chú trọng đến nền tảng thể lực của các cầu thủ.
Ông Miura từng chia sẻ: “Trước khi đến Việt Nam, qua các đồng nghiệp, qua việc xem băng hình tư liệu, tôi nhận thấy, các cầu thủ Việt Nam có nền tảng kỹ thuật tốt nhưng thể lực chỉ mới ở mức trung bình. Vì thế, ngay trong chương đầu tiên của giáo án là việc chuẩn bị nền tảng thể lực cho các cầu thủ”.
Thực tế, từ chuyến tập huấn tại Nhật Bản cho đến các trận đấu giao hữu, nền tảng thể lực của các cầu thủ đã được tăng lên rõ rệt. Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh đánh giá: “Thể lực vốn là một trong những điểm yếu của ĐTQG đã được HLV Miura khắc phục. Đây là một tín hiệu vui”. Với những người trong cuộc là các tuyển thủ khi cũng cảm thấy những chuyển biến tích cực.
“Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp của tôi bị sốc. Sốc vì mới lên tập trung thôi đã được HLV Miura nhồi thể lực. Rất nhiều người đã không nuốt nổi cơm vì khối lượng tập luyện quá nặng, mật độ thi đấu dày đặc. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã rất ổn, chúng tôi đã có thể mở hết ga, hết số mà chạy trong suốt trận đấu” -Tiền đạo Nguyễn Hải Anh chia sẻ.
Từ câu chuyện thể lực, có thể nói, HLV đã giúp các cầu thủ vượt qua cái ngưỡng vốn chính là đối thủ tưởng chừng không thể đánh bại trước khi bước vào một đấu trường lớn.
ĐT Việt Nam đang có thể lực sung mãn
GIA TĂNG TÍNH CẠNH TRANH CÁ NHÂN
Khi QBV Huỳnh Quốc Anh cùng với một tên tuổi khác từng lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008 là Nguyễn Vũ Phong bị loại sau chuyến tập huấn từ Nhật Bản trở về, đã có vô số câu hỏi đặt ra rằng, HLV Miura đang dùng người kiểu gì?
Những người đặt ra nghi vấn cũng có lý bởi Quốc Anh, hay Vũ Phong là những cầu thủ chạy cánh tốt nhất ở V.League ở thời điểm hiện tại, hơn thế nữa, đây là những cầu thủ có thể xoay chuyển cục diện trận đấu với những khoảnh khắc lóe sáng của cá nhân.
Nhưng với Miura, ông có những quan điểm triết lý riêng của mình, nói thẳng ra, nhà cầm quân này thích dùng những người trẻ như Võ Huy Toàn, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thanh Hiền, Vũ Huy Hùng, Mạc Hồng Quân… những cầu thủ thuộc thế hệ 9X.
Ông Miura đang đúng vì những cầu thủ nói trên đang trở thành những “mắt xích” không thiếu của ĐTQG. Điều quan trọng hơn cả, họ phù hợp với triết lý bóng đá mà HLV Miura đưa ra: đơn giản và hiệu quả.
Chưa dừng lại, ông còn tạo ra một sự cạnh tranh công bằng dành cho bất kỳ ai, đó là tập tốt sẽ được ra sân, còn không sẽ bị loại. Chính vì thế, không phải vô cớ mà trong mấy ngày qua, giới truyền thông nhiều lần nhắc tới Công Vinh, người cũng nằm trong diện phải khoanh vùng, dù tiền đạo gốc Nghệ An là trong số những cầu thủ có kinh nghiệm nhất của ĐT Việt Nam.
Cách sử dụng con người của Miura đã tạo ra những “trận đấu thực sự” trong các buổi tập. Với bất kỳ nhà cầm quân nào cũng muốn có điều đó, bởi duy trì trạng thái thi đấu chính là một điều khó nhất. Vượt lên tất cả sự cạnh tranh lành mạnh tạo ra những động lực giúp từng cầu thủ khẳng định bản ngã của mình.
CHIẾN THUẬT ĐÃ BIẾN ẢO
ĐT Việt Nam dưới thời HLV Miura thường chơi với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Không khó để nhận ra rằng ông luôn yêu cầu (bắt buộc) các học trò của mình tạo sức ép lên đối phương và nó bắt đầu từ hàng tiền đạo.
Thực tế tiêu chí: đưa bóng lên cầu môn đối phương nhanh nhất và lui về phòng ngự nhanh nhất dù vẫn có những sai số, nhưng nó tạo ra những niềm tin lớn bởi như giới chuyên môn nhận định rằng, với con người hiện tại đấy là lối chơi hợp lí, khoa học nhất của ĐT Việt Nam.
Để phục vụ cho chiến thuật của mình, ông Miura liên tục “xoay tua” để thử nghiệm. Và chính ông cũng từng nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn 1 vị trí có 2 cầu thủ có thể đảm nhận được, trong số ấy tôi thích những cầu thủ có thể chơi được nhiều vị trí khác nhau”. Có lẽ vì thế, người ta không còn lạ lẫm khi Quế Ngọc Hải vốn là một trung vệ lại được đẩy ra hành lang để làm nhiệm vụ leo biên tạt cánh.
Đương nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, chiến thuật mà ĐT Việt Nam đang sử dụng còn có những biến thể để thích nghi với từng thời điểm. Ví như sau những khoảnh khắc bùng nổ của Văn Quyết, người ghi 4 bàn thắng trong 4 trận gần đây, chẳng có gì lạ nếu tiền vệ của HN.T&T sẽ là “số 10” đích thực ông Miura.
Và hãy đừng quên những cầu thủ như Mạc Hồng Quân, người luôn biết “lấy số” khi vào sân thay người. Từ những điều nói trên, có thể khẳng định: chiến thuật của ĐT Việt Nam tại VCK AFF Suzuki Cup 2014 đã và sẽ gắn với một chữ “Nhẫn”. Nhẫn từ việc thử nghiệm, nhẫn trong việc kiểm soát trận đấu, nhẫn chờ đối thủ hở sườn để “đâm nhát dao chí mạng”.
ĐT Việt Nam đã sẵn sàng cho trận đấu với Indonesia |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |
ĐẦU NHẸ, CHÂN CŨNG NHẸ
Nếu nói HLV Miura và các học trò chẳng có sức ép nào thì không phải. Nhưng nếu so với các kỳ AFF Suzuki Cup trước đây, có lẽ họ bước vào trận đấu theo cách nhẹ nhàng nhất. Tức là không phải đương đầu từ sóng gió của giới truyền thông và đương nhiên không thể không nhắc đến sự kỳ vọng của NHM.
Về mặt nào đó, có thể coi đây là điều vui vẻ, song nó cũng có những mặt tích cực, đặc biệt là việc chuẩn bị tinh thần ra trận cho các tuyển thủ. Ở thời điểm hiện tại, các học trò của HLV Miura hoàn toàn có thể chơi bóng với đôi chân nhẹ tựa lông hồng vì chẳng có chỉ tiêu nào đặt ra và cũng chẳng có sự dồn nén nào trong quá trình chuẩn bị chiến dịch năm nay. Do vậy, chẳng có lí do gì để họ không chơi thứ bóng đá tận hiến trên sân Mỹ Đình với ĐT Indonesia vào tối ngày mai hay xa hơn nữa.
Tóm lại, ĐT Việt Nam đang có đủ “nhân, trí, lực và địa lợi” để bước vào AFF Suzuki Cup 2014. Điều đó đáng được hi vọng và kỳ vọng!.