Bóng Đá Plus trên MXH

Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh: Sôi động giữa thời đại dịch
14:05 ngày 04/09/2021
COVID-19 không thể ngăn Ngoại hạng Anh tiếp tục giữ vị thế độc tôn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ quốc tế. Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh ghi nhận mùa hè thứ 6 liên tiếp các CLB chi ra hơn 1 tỷ bảng Anh mua sắm, vượt xa La Liga hay Bundesliga.

    Ảnh hưởng không đáng kể

    Doanh thu sụt giảm vì COVID-19 là nguyên nhân khiến nhiều CLB lớn không còn bạo chi như trước, nhưng điều đó không hề đúng với MU, Man City, Chelsea và Arsenal. Thương vụ chiêu mộ Harry Kane đổ bể khiến Man City không thể có một mùa hè mua sắm như ý muốn dù họ sẵn sàng chi tới 150 triệu bảng Anh. Dù sao, cách Man City tiếp cận Kane cho thấy tiềm lực gần như vô hạn của các đội bóng Premier League trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

    Trước đó, đội chủ sân Etihad đã chi tới 100 triệu bảng cho Jack Grealish. Anh chính là cầu thủ đắt giá nhất Premier League ở thời điểm hiện tại. Chelsea bỏ ra 98 triệu bảng mua Lukaku, cộng thêm 5 triệu bảng phí mượn Saul Niguez, nhưng họ lại thu về 143 triệu bảng tiền bán và cho mượn cầu thủ trong mùa hè năm nay. Chiến lược chuyển nhượng tài tình đó giúp Chelsea bạo chi nhưng vẫn có lãi.

    "Chịu chơi" nhất trong mùa hè 2021 là Arsenal. Với tham vọng phục hưng CLB, họ đã chi tới 143 triệu bảng để đưa về 6 tân binh. MU mua ít cầu thủ hơn, nhưng những cầu thủ họ đưa về lại ở đẳng cấp hoàn toàn khác biệt. Nếu không phải vì tình hình tài chính khó khăn thời đại dịch, hẳn Ed Woodward cũng không nghĩ tới chuyện ông có thể chiêu mộ Sancho, Varane và Ronaldo trong cùng 1 mùa hè với 120 triệu bảng.

    MU là CLB chi nhiều tiền nhất trong đại dịch COVID-19

    Bên cạnh những CLB vốn nổi tiếng bạo chi trong nhóm đại gia, Aston Villa, Everton hay West Ham cũng đổ tiền chiêu mộ cầu thủ với tham vọng tham dự cúp châu  u. Tính đến ngày kết thúc kỳ chuyển nhượng hè 2021, các đội bóng Anh đã chi ròng tổng cộng 1,1 tỷ bảng, ít hơn 300 triệu bảng so với kỷ lục của hè 2018. Điều đó cho thấy Premier League vẫn sống khỏe trong thời khủng hoảng kinh tế, và họ có khả năng trở lại bất cứ lúc nào.

    Nhìn ra bên ngoài nước Anh, các giải đấu khác đều đang oằn mình chống dịch với nỗi lo phá sản. Juventus, Inter Milan bán tháo hàng loạt cầu thủ trong đội hình chính vì thiếu tiền. Họ cùng 18 CLB còn lại ở Serie A chỉ chi 475 triệu bảng trong hè năm nay. Bundesliga chi 360 triệu, Ligue 1 chi 325 triệu, còn La Liga chỉ vỏn vẹn 250 triệu.

    Vì sao Premier League vẫn sống khỏe?

    Tim Bridge, Giám đốc mảng tư vấn tài chính thể thao của Tập đoàn kiểm toán Deloitte tiết lộ Arsenal giảm doanh thu khoảng 100 triệu bảng ở mùa giải trước. Nguồn thu của họ mất đi chủ yếu từ việc các sân bóng phải tổ chức đá không khán giả trong 18 tháng vừa qua. Điều đó sẽ không còn xảy ra ở mùa giải tới, khi các CLB được phép đón người hâm mộ trở lại. Đó là cơ sở giúp Arsenal tự tin chi tiền mua người trong mùa hè vừa rồi.

    Về phần MU, họ còn chịu thiệt hại nặng nề hơn từ các hợp đồng tài trợ. Tình hình kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp thời đại dịch khiến doanh thu của CLB giảm tới 120 triệu bảng. Nhưng với việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, cộng thêm hiện tượng "Ronaldo trở về nhà", MU đủ sức trở lại ngôi vị CLB kiếm tiền nhiều nhất.

    Grealish khiến Man City tiêu tốn tới 100 triệu bảng

    Gói 70 triệu bảng MU chi cho thương vụ CR7, bao gồm cả phí chuyển nhượng và tiền lương 2 năm, sẽ chẳng đáng là bao so với những gì họ nhận lại. Bằng chứng là chỉ 2 ngày sau khi công bố thông tin Ronaldo sẽ mặc áo số 7, MU đã hết sạch lượng tồn kho áo đấu để bán cho các CĐV. Giờ đây, họ phải chờ những xưởng gia công đồ thể thao ở châu Á hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu từ người hâm mộ.

    Bên cạnh Arsenal, MU hay Man City, những CLB còn lại ở Premier League không chỉ sống dựa vào tiền bán vé và doanh thu qua từng trận đấu. Họ có một khoản tiền lớn hơn, ổn định hơn khi chơi ở hạng đấu cao nhất nước Anh: Tiền bản quyền truyền hình. Không chia theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" như Serie A hay La Liga, Premier League chủ trương theo nguyên tắc công bằng và chia đều cho mọi đội bóng tham gia.

    MU đã hết áo đấu Ronaldo để bán cho CĐV

    Tại Premier League, đội xếp cuối bảng sau khi mùa giải khép lại cũng nhận được 90-100 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, ít hơn một chút so với đội vô địch (120 triệu). Đó là điều không xảy ra ở La Liga, nơi Real Madrid và Barcelona chiếm quá nửa tiền bản quyền truyền hình giải đấu. Việc đảm bảo công bằng đó tạo tiền đề cho các CLB Premier League thoải mái chi tiền bất chấp kinh tế khó khăn, và Aston Villa có thể mua sắm nhiều hơn cả Barca.

    Càng khủng hoảng, càng chi nhiều
    Thống kê từ Cơ quan Quan sát Bóng đá Quốc tế (CIESFO) cho thấy MU là đội chi nhiều tiền nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát. Quỷ Đỏ đã bỏ ra 187 triệu bảng Anh trong 3 kỳ chuyển nhượng gần nhất. Xếp sau họ là 5 đội bóng Anh khác: Chelsea, Arsenal, Leeds, Tottenham và Man City. Những CLB còn lại trong tốp 10 là Juventus, PSG, Aston Villa và AS Roma.

     

    Cẩm Chi • 14:05 ngày 04/09/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay