Thực tế, bản thân các đội bóng khi mua người luôn cân nhắc hết mọi chi phí mà họ phải bỏ ra cho một cầu thủ, bao gồm, dưới hình thức đơn giản nhất, phí chuyển nhượng, phí môi giới, lương, thưởng. Tuy nhiên, các CĐV và giới truyền thông lại hay quên mất điều này, mà thường chỉ tập trung sự chú ý vào phí chuyển nhượng, vốn chỉ là một phần, đôi khi là nhỏ, của bức tranh.
Ví dụ, khi Juve mua Ronaldo từ Real vào năm 2018, họ không chỉ phải trả khoản phí 100 triệu euro. Ngoài nó ra, họ còn phải trả 12 triệu euro tiền môi giới cho đội ngũ đại diện của Ronaldo, thêm các khoản phí đào tạo cho các CLB trước, và 54,25 triệu euro tiền lương mỗi năm tới tháng 6/2022. Tổng cộng (chưa tính các loại thưởng), Juve sẽ phải trả 329 triệu euro cho 4 năm sử dụng Ronaldo. Nghĩa là 82,25 triệu euro mỗi mùa.
Khi một CLB bỏ ra một khoản tiền để được sở hữu một cầu thủ, họ thường đặt ra câu hỏi cầu thủ ấy có thể đem lại cho đội bóng những gì. Hay chính xác hơn là anh ta có thể tạo ra giá trị thế nào. Tuy nhiên, đây là một khái niệm rất trựu tượng. Giá trị không chỉ đơn giản là số tiền mà một cầu thủ tạo ra trong thời gian có mặt ở một CLB, nên rất khó định tính nó.
Ví dụ, một cầu thủ có thể giúp CLB tăng sức hút với các CĐV, nghĩa là khán giả đến sân nhiều hơn, lượng thuê bao tăng lên, và giá vé/giá thuê bao có thể cũng cao hơn. Anh ta cũng có thể giúp đội bóng cải thiện thành tích ở giải VĐQG hay các cúp (tăng tiền thường), hay/và giúp tăng doanh thu thừ tài trợ và thương mại. Một cầu thủ cũng có thể tạo ra những giá trị khó nhìn thấy, ví dụ là một lãnh đạo tốt, được các CĐV yêu mến, hay chỉ đơn giản là làm cho HLV thấy hạnh phúc.
Chuyện này không chỉ liên quan tới những cầu thủ đang thuộc một đội bóng khác, mà còn liên quan tới cả những ngôi sao trong đội. Ví dụ, một CLB buộc phải xem xét có ký hợp đồng mới (tất nhiên là với mức ưu đãi cao hơn) với một ngôi sao sắp hết hạn hợp đồng hay không. Khi xác định sẽ ký, họ sẽ phải xem xét tới hai yếu tố trước mắt: số tiền mà họ “mất đi” khi cầu thủ kia ra đi theo dạng tự do, và số tiền mà họ phải bỏ ra để mua người thay thế.
Nhưng bài tính này chỉ hợp lý khi một loạt điều kiện cụ thể được đáp ứng. Ví dụ, CLB không lo lắng về việc phải thay thế ngôi sao kia về lâu dài. Hay CLB ấy không nghĩ là họ có thể tìm được một cầu thủ trẻ hơn, rẻ hơn thay thế cho ngôi sao hiện tại. Hay họ không lo lắng ngôi sao ấy sẽ cản bước các cầu thủ trẻ. Và trao cho ngôi sao kia một hợp đồng hậu hĩnh sẽ không làm khó CLB khi thương lượng với các ngôi sao khác.
Ví dụ cụ thể? Hãy nghĩ tới trường hợp Arsenal ký hợp đồng mới với Aubameyang...
Trước khi bỏ tiền cho một cầu thủ, cố gắng bỏ qua những thành tựu mà anh ta đã đạt được. Hãy hướng tới những gì mà cầu thủ đó có thể làm trong tương lai (tất nhiên là cho đội bóng của bạn). Ví dụ, đừng mua (và phải trả nhiều tiền) cho một cầu thủ chỉ vì anh ta là Vua phá lưới của mùa giải trước. Hãy xem liệu anh ta có thể ghi được bao nhiêu bàn cho đội bóng của bạn trong thời gian sắp tới. Điều này đặc biệt quan trọng khi cầu thủ được xét tới đã qua thời đỉnh cao.
Trên lý thuyết, các CLB tới một lúc nào đó đều phải bán đi các ngôi sao của mình. Có thể vì họ không còn chơi như kỳ vọng. Có thể vì họ chơi quá hay nên có một CLB khác sẵn sàng trả một số tiền lớn để có được anh ta. Khi ngày đó đến, các CLB đi mua sẽ xem xét ở hai yếu tố: tuổi tác và hợp đồng. Nếu một cầu thủ đang còn trẻ, anh ta sẽ là một mục tiêu hấp dẫn. Nếu anh ta còn trẻ mà lại không bị ràng buộc bởi một hợp đồng dài với mức lương cao, anh ta còn hấp dẫn hơn nữa.
Bởi vì, rất đơn giản, tới một lúc nào đó, CLB đi mua sẽ phải bán anh ta, vì hai lý do đã nói ở trên. Tới lúc đó, nếu cầu thủ mua về không thành công, ít ra CLB đi mua còn gỡ được một khoản. Còn nếu anh ta thành công, thì hoặc là CLB sẽ xây dựng đội bóng quanh anh ta, hoặc bán đi với giá rất cao.
Khi một cầu thủ hết hợp đồng, anh ta có thể ra đi theo dạng tự do. CLB ký hợp đồng với anh ta sẽ không mất phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là anh ta miễn phí. Không mất phí chuyển nhượng thì sẽ phải trả lương cao, lót tay khủng, và chi phí môi giới lớn. Juve từng phải chi tới 16 triệu euro tiền hoa hồng khi ký hợp đồng với Emre Can theo dạng “chuyển nhượng tự do”.
Trang web về chuyển nhượng Transfermarkt thường đặt cho các cầu thủ một mức giá gọi là “giá thị trường” (market value). Họ có thuật toán riêng để tính toán mức giá này, độ chính xác tới đâu thì chưa rõ, nhưng các CLB nhìn chung thường sử dụng khi cần tìm ra một tiếng nói chung về cách định giá cầu thủ.
Vấn đề là, giữa "giá thị trường” với giá bán thường chẳng liên quan gì nhau. Bởi khi một vụ chuyển nhượng xảy ra, hai CLB liên quan phải xem xét tới quá nhiều yếu tố mà đôi khi thuật toán của Transfermarkt không tính nổi. Ví dụ, cùng là một cầu thủ, nhưng giá bán cho Man City chắc chắn sẽ khác giá bán cho West Ham.