Bóng Đá Plus trên MXH

Cách thức Thị trường chuyển nhượng đang vận hành và những hệ lụy
14:56 ngày 16/05/2014
Luật Bosman được thông qua đã chia thế giới bóng đá thành hai phần bị đẩy mỗi ngày một xa về hai cực đối lập.
    CHUYỆN CŨ NHẮC LẠI
    Ngày 15/12/1995, Tòa án Tư pháp châu Âu đã thông qua một phán quyết mở ra một cuộc cách mạng trong làng bóng đá châu Âu. Jean-Marc Bosman, một cầu thủ vô danh người Bỉ, đã đâm đơn kiện với mong muốn được chuyển từ Club de Liege (Bỉ) sang Dunkerque (Pháp) bởi theo luật thời điểm đó, một cầu thủ không được phép ra đi nếu CLB chủ quản không đồng ý. 

    Tòa án Tư pháp châu Âu đã phán quyết rằng các cầu thủ nên được tự do chuyển CLB khi hợp đồng đã hết hạn. Bên cạnh đó, các CLB có thể thuê không giới hạn số lượng cầu thủ thuộc Liên minh châu Âu. Trước khi luật Bosman ra đời, quy định của UEFA chỉ cho phép mỗi CLB sử dụng tối đa 3 cầu thủ nước ngoài và thêm 2 cầu thủ ngoại do chính họ đào tạo. 

    CHUYỂN DỊCH SỨC MẠNH
    Luật Bosman đã trao cho giới cầu thủ một sức mạnh lớn hơn trước rất nhiều. Bên cạnh đó cũng tạo ra một môi trường lý tưởng cho những tay đại diện, hay vẫn được gọi là "cò bóng đá", thao túng.


    Những tay cò như Mino Raiola (ngoài cùng bên phải) góp phần đẩy giá cầu thủ lên cao ngất

    Ở chiều ngược lại, các CLB giờ đây buộc phải trả lương cao để giữ chân các cầu thủ xuất sắc bằng những hợp đồng dài hạn nếu không muốn họ chuyển nhượng tự do. Đó là lý do vì sao trong 9 năm qua, Barca phải gia hạn hợp đồng với Lionel Messi đến 7 lần và mức lương lần sau luôn cao hơn lần trước.

    Những tay đại diện, phần lớn là những cái đầu tinh quái theo chủ nghĩa cơ hội, đã không bỏ qua thời cơ tuyệt vời để lấp đầy tài khoản. Họ giúp các cầu thủ đàm phán những hợp đồng, tìm kiếm tài trợ, quản lý tài sản, thậm chí là sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống cá nhân của thân chủ. Song những tay "cò" không bao giờ được xem là bạn bè bởi họ thậm chí có thể tiến xa hơn bằng cách phục vụ lợi ích cho cả CLB nếu được "nhờ vả" mang về một mục tiêu nào đó, dĩ nhiên là sẽ được trả hoa hồng hậu hĩnh.

    Bằng mối quan hệ cộng sinh ấy, các tay "cò" cùng với các cầu thủ và nhóm những CLB giàu có đã đẩy giá trị của các thương vụ chuyển nhượng lên gấp hàng chục lần so với trước kia (khi chưa có luật Bosman). Thành công về mặt thể thao vì thế ngày càng bị chi phối bởi tiền bạc. 
     
    Những kỷ lục chuyển nhượng cầu thủ
    Cầu thủ CLB đi và đến Giá chuyển nhượng Năm
    Trước luật Bosman
    Diego Maradona Boca Junior đến Barca 3 triệu bảng 1982
    Diego Maradona Barca đến Napoli 5 triệu bảng 1984
    Jean-Pierre Papin Marseille đến AC Milan 10 triệu bảng 1992
    Gianluca Vialli Sampdoria đến Juventus 12 triệu bảng 1992
    Gianluca Lentini Torino đến AC Milan 13 triệu bảng 1992
    Sau luật Bosman
    Alan Shearer Blackburn đến Newcastle 15 triệu bảng 1996
    Ronaldo Nazario Barca đến Inter 17 triệu bảng 1997
    Denilson Sao Paulo đến Real Betis 21 triệu bảng 1998
    Christian Vieri Lazio đến Inter 28 triệu bảng 1999
    Hernan Crespo Parma đến Lazio 30 triệu bảng 2000
    Luis Figo Barca đến Real Madrid 37 triệu bảng 2000
    Zinedine Zidane Juventus đến Real Madrid 46 triệu bảng 2001
    Cristiano Ronaldo M.U đến Real Madrid 80 triệu bảng 2009
    Gareth Bale Tottenham đến Real Madrid 86 triệu bảng 2013

    Nếu như trước đây những CLB như Red Star Belgrade, Steaua Bucuresti, Aston Villa hay Hamburg còn có thể vô địch châu Âu thì giờ đó là chuyện bất khả thi. Lý do bởi họ không có đủ tiềm lực tài chính để giữ chân những ngôi sao trước sự ve vãn của các "ông lớn" cùng những chiêu trò của đám "cò". Những cầu thủ trao trọn trái tim và linh hồn cho một đội bóng là vô cùng hiếm, dĩ nhiên là trừ ở những CLB tầm cỡ M.U, AC Milan, Barca, Bayern Munich... 

    PHÂN HÓA SANG HÈN
    Cách mà TTCN đang vận hành gọi nôm na là "cá lớn nuốt cá bé". Đơn cử như Bayern với chính sách "hút máu" tại Bundesliga, mua cầu thủ giỏi của chính đối thủ để vừa củng cố sức mạnh bản thân, vừa làm đối phương suy yếu. Ở Italia, những đội nhà giàu sử dụng chiêu sàng lọc trên quy mô lớn, mua cầu thủ vô tội vạ sau đó đem cho mượn hoặc đồng sở hữu theo tỷ lệ nhất định. Khi thấy một cầu thủ có sự trưởng thành đột phá, họ mới gọi trở lại hoặc mua nốt giá trị sở hữu còn lại trong hợp đồng.


    Những ngôi sao mới nổi của Southampton lập tức bị xâu xé

    Trong thế giới như vậy, những đội thấp cổ bé họng không có cơ hội cạnh tranh danh hiệu, trừ phi bất ngờ đổi đời nhờ những nguồn tiền bên ngoài đổ vào như Chelsea hay Man City. Người Anh vẫn xem cái chết đau đớn của Leeds United như một bài học chua xót. Với ước vọng vươn lên "mâm trên", Leeds đã phá vỡ quỹ lương của mình để giữ chân những ngôi sao. Nhưng họ đi một nước cờ quá bất trắc, thành công không đến trong ngắn hạn đã biến những hợp đồng "lương khủng" dài hạn thành dây thòng lọng quanh cổ họ. Kết cục là Leeds rơi vào tình trạng phá sản và chưa một lần trở lại được Premier League sau khi bị xuống hạng ở mùa bóng 2003/04.

    Không tiền mua ngôi sao, trả lương khủng, các CLB nhỏ còn phải chống đỡ với việc mất đi những tài năng mới nhú. Lấy Southampton là ví dụ, sau một mùa giải nổi đình nổi đám, những Adam Lallana hay Luke Shaw nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của nhóm đại gia. Southampton giờ đây không đủ khả năng đáp ứng mức lương mới mà cầu thủ và người đại diện đòi hỏi nếu muốn gia hạn hợp đồng. CLB khó có lựa chọn khác là bán trụ cột trước khi bị mất trắng hoặc bị ép giá. 

    Chỉ có điều, trong nhiều trường hợp, phần lớn số tiền mà các ông lớn bỏ ra để chiêu mộ một cầu thủ không vào túi CLB đào tạo mà để lót tay cho cầu thủ và những tay cò cơ hội. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong vụ Neymar chuyển từ Santos đến Barca mùa Hè trước.

    Với vòng quay chuyển nhượng diễn ra như thế, sức mạnh thể thao của các ông lớn ngày càng củng cố và tạo thành một nhóm những CLB siêu giàu mạnh. Còn các đội bóng cỡ Southampton thì mỗi mùa Hè lại bất lực đối phó với vấn nạn "chảy máu" tài năng, chuyện đã từng xảy ra với Theo Walcott, Gareth Bale, Alex Oxlade-Chamberlain... 

    Những đội bóng như Southampton có lý do để căm ghép luật Bosman bởi nó đã tạo ra khoảng cách sang hèn không thể xóa nhòa trong thế giới bóng đá.
    Sơn Tùng • 14:56 ngày 16/05/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay