Victor Osimhen từng là món hàng “hot” bậc nhất châu Âu vào giờ này năm ngoái. Nhưng tới thời điểm hiện tại, không còn nhiều CLB thực sự quan tâm tiền đạo của Napoli. Chelsea đã chuyển hướng sang mục tiêu rẻ hơn, tiềm năng hơn là Samu Omorodion của Atletico Madrid.
Chính Napoli cũng bế tắc với Osimhen. Mùa trước, chủ tịch Aurelio De Laurentiis còn hét giá 200 triệu euro để bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán. Bây giờ có giảm một nửa thì chân sút người Nigeria vẫn “ế”, trong khi Napoli không có khả năng nâng lương như đã hứa với Osimhen để gia hạn hợp đồng.
Osimhen vẫn là tiền đạo tốp đầu châu Âu, nhưng thị trường chuyển nhượng đã không còn những cơn điên như trước. Các đội bóng lớn chi tiêu ngày càng thận trọng. Bạo chi nhất từ đầu mùa Hè không phải là Man City, MU, Real Madrid hay Barcelona mà là Aston Villa với 176 triệu euro mua cầu thủ.
Phi vụ Julian Alvarez của Atletico Madrid phần nào gây chấn động châu Âu. Nhưng cần biết rằng đội bóng thủ đô Madrid đã thắt lưng buộc bụng hai năm gần đây mới có thể vung tiền mùa này, và họ cũng chỉ phải bỏ ra ban đầu 75 triệu euro cho Man City (20 triệu còn lại tùy thuộc thành tích).
Premier League đã chi 1,3 tỷ euro mua cầu thủ từ đầu Hè 2024, một con số đáng kể nhưng còn chưa bằng một nửa so với mùa trước (2,9 tỷ euro).
Các đội bóng nhà giàu tại Saudi Arabia cũng đang “dưỡng sức” sau mùa giải phóng tay. Real Madrid trả lương gần nửa triệu euro mỗi tuần cho Kylian Mbappe nhưng để làm được điều đó họ chỉ có thể thực hiện một vụ chuyển nhượng tự do. Và Florentino Perez đã mất nhiều năm lên kế hoạch để có được ngôi sao người Pháp.
Các đội bóng vẫn bị thôi thúc mang về các hợp đồng lớn, nhưng chi phí phải hợp lý. Arsenal vẫn theo đuổi Alexander Isak cho tới khi Newcastle hét mức giá 200 triệu euro.
Cho đến nay, hầu hết các thương vụ lớn ở châu Âu đều không phải trả thẳng một lần. MU và Chelsea cho dù bỏ nhiều tiền mua cầu thủ trẻ nhưng họ lại trả mức lương khiêm tốn nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.
Thậm chí Liverpool còn chưa bỏ ra đồng nào mua cầu thủ. Ngoài lý do HLV Arne Slot khá hài lòng với đội ngũ hiện tại thì nguyên do chính còn xuất phát từ ánh mắt dè chừng của đội ngũ kế toán.
Những cơn suy thoái kinh tế ở quy mô xã hội đã tác động trực tiếp vào các CLB. Việc kiếm tiền khó khăn hơn trong khi các nguyên tắc công bằng tài chính vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Thời kỳ chuyển nhượng khắc khổ buộc các đội bóng trở lại với nguồn lực sẵn có. Tây Ban Nha là một ví dụ tuyệt vời. Cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng ở La Liga đã khiến các đội bóng phải sử dụng cầu thủ cây nhà lá vườn nhiều hơn.
Hệ quả là cầu thủ Tây Ban Nha có nhiều đất diễn hơn, đội tuyển Tây Ban Nha trở thành tập hợp đa dạng chứ không chỉ gói gọn trong hai CLB lớn. Và chức vô địch EURO 2024 có nguyên do một phần đến từ việc cầu thủ nội lên hương ở La Liga.
Kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng trên TTCN, hóa ra cũng có mặt lợi cho bóng đá.