Sau nhiều mùa lạm chi, thì đến lúc các CLB phải “tém" lại, đặc biệt là những đội bóng hàng đầu Premier League, để thoát khỏi những nguy cơ vi phạm quy tắc cân bằng tài chính của Luật công bằng tài chính. Do sự thống trị của Ngoại hạng Anh về doanh thu phát sóng và thương mại, họ thường là những người khởi đầu vòng quay chuyển nhượng.
Trong hai mùa hè gần nhất, kỷ lục chi tiêu cho chuyển nhượng tại giải đấu cao nhất xứ sở sương mù đã hai lần bị phá vỡ. Hè 2022, 20 CLB đã chi ra 2 tỷ bảng để mua sắm. Đến Hè 2023, một cột mốc mới được thiết lập: họ chi tiêu đáng kinh ngạc, lên đến 2,4 tỷ bảng.
Vì thế, ngay cả khi doanh thu tăng vọt sau đại dịch Covid-19, thì việc các đội bóng Premier League nói riêng và châu Âu nói chung đều đã cạn tiền để mua sắm cũng là điều dễ hiểu.
Trong quá khứ, các đội bóng Premier League không ngại chi tiêu vượt quá khả năng của mình để theo đuổi các mục tiêu thúc đẩy kinh tế trong tương lai, như tham dự Champions League hoặc trụ hạng. Nhưng các quy định về cân bằng tài chính đã “ghìm cương” họ lại, tránh vi phạm các quy tắc về lợi nhuận và tính bền vững.
Án phạt trừ 10 điểm mới nhất của Everton khiến nhiều đội bóng e ngại chi tiêu. Newcastle là một ví dụ điển hình. HLV Eddie Howe rất cần bổ sung nhân lực sau những chấn thương dài ngày và án treo giò của Sandro Tonali nhưng đành “nằm im” trên TTCN, “ôm tiền” ấm ức vì không thể chi.
Trên khắp châu Âu, có vô số CLB gặp phải những rắc rối tương tự ở giải đấu của họ. Ví dụ, Barca đã dùng hết “đòn bẩy kinh tế” nhưng ngân sách cho chuyển nhượng cũng rỗng tuếch, trong khi á quân Inter Champions League cũng đang bị tố mắc khoản nợ khoảng 700 triệu bảng.
Khi châu Âu đóng băng, tình hình tài chính của nhiều đội bóng lớn ảm đạm và họ hy vọng “vòi bạch tuộc” Saudi Arabia tiếp tục khuấy động phiên chợ Đông, giống như hồi hè năm ngoái. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. “Con ngoáo ộp” Saudi Arabia cũng tạm ngủ đông.
Không phải do họ cạn tiền, mà bởi vài nguyên nhân. Thứ nhất, các CLB ở Saudi Pro League hiện chỉ được phép có 8 cầu thủ nước ngoài trong đội hình. Sau tất cả các vụ chuyển nhượng rầm rộ mùa hè, phần lớn các vị trí đó - đặc biệt là ở tứ đại anh hào gồm Al Hilal, Al Nassr, Al Ittihad và Al Shabab, những đội chi nhiều nhất - đều đã được lấp đầy.
Al-Hilal thậm chí còn phải “sáng tạo” để ký hợp đồng với Renan Lodi từ Marseille bằng cách hủy đăng ký Neymar đang bị chấn thương khỏi đội hình của họ trong phần còn lại của mùa giải để hậu vệ trái này có thể được bổ sung vào danh sách. Thứ hai, các đội bóng này đang chuẩn bị cho một mùa hè lớn khác (dự kiến 2024) với những phi vụ tiềm năng như Casemiro hay Mohamed Salah.
Bên cạnh đó, việc thiếu cầu thủ phù hợp cũng khiến các đội bóng lớn ngại giật "bom tấn". Bất chấp Mikel Arteta công khai rằng ông hài lòng với các tiền đạo của mình thì rõ ràng Arsenal vẫn sẵn sàng chiêu mộ một chân sút nếu có cơ hội. Chelsea cũng đang tìm kiếm một trung phong.
Ivan Toney là mục tiêu hàng đầu của hai đội bóng thành London, nhưng cả hai khó có được tiền đạo người Anh. Bởi, việc thiếu số 9 chất lượng trên TTCN có nghĩa là Brentford đang ở vị thế đàm phán “cửa trên”. Bầy ong hét giá 100 triệu bảng mới chịu nhả Toney. Tương tự, Napoli cũng chỉ bán Victor Osimhen trong trường hợp đội bóng muốn sở hữu anh chi ra 100 triệu bảng.
Ở Tây Ban Nha, Barca muốn có một tiền vệ, nhưng việc xác định giới hạn chi tiêu hiện tại của họ là điều rất khó khăn. Trong khi đó, ông trùm TTCN PSG đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một hậu vệ trái thích hợp để thay thế cho Nuno Mendes đang dính chấn thương.
Ngay cả những đội bóng xếp cuối BXH cũng thường cố gắng “tự thân vận động” để thoát khỏi những khó khăn, thay vì đầu tư cho chuyển nhượng. “Chúng tôi không muốn mạo hiểm. Bởi rất có thể tiền mất, tật mang. Chi nhiều mà có khi vẫn rớt hạng, có thể khiến chúng tôi chảy máu tài năng”, HLV Chris Wilder của Sheffield United cho biết vì sao họ không dám mạo hiểm đầu tư cho chuyển nhượng.
Vì thế, các đội bóng xếp cuối BXH Premier League như Sheffield United, Luton hay Burnley cũng đều cho rằng, đầu tư lúc này là quá mạo hiểm, đẩy CLB tới các nguy cơ về tài chính mà việc trụ hạng thành công là quá xa vời, viển vông. Hoặc nếu muốn bổ sung, thì chỉ dừng lại ở những bản hợp đồng đi mươn.
Sẽ có rất nhiều ngôi sao lớn sẽ hết hạn hợp đồng vào mùa Hè 2024. Kylian Mbappe của PSG là ví dụ điển hình. Ngay cả khi phải chi trả mức lương cao thì sở hữu siêu tiền đạo người Pháp với mức phí 0 bảng là vô cùng lý tưởng.
Ngoài ra, hàng loạt tên tuổi khác bước vào năm cuối hợp đồng như Leroy Sane, Joshua Kimmich, Alphonso Davies, Thomas Muller, Kevin De Bruyne, Federico Chiesa, Son Heung-min, Toney, Gio Reyna… Hầu hết đều trì hoãn việc gia hạn hợp đồng và có mong muốn tìm bến đỗ mới.
Ưu điểm lớn nhất của các ngôi sao hết hạn hoặc sắp hết hạn hợp đồng chính là không mất phí chuyển nhượng hoặc mức phí rất thấp. Thế nên, các CLB đều chờ cơ hội để có thể “chộp” những phi vụ “0 đồng” chất lượng.