Hội đồng quản trị chọn vế sau. Đấy là vì một câu hỏi lớn được đặt ra giữa bàn họp: đã có bao nhiêu giám đốc trẻ như thế từng thất bại với cái giá cụ thể là mất nhiều triệu đô la? Giữ lại anh ta, nghĩa là tập đoàn có một giám đốc không chỉ trẻ và giỏi, mà còn có kinh nghiệm.
Nhìn lại các HLV vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao, thật khó chỉ ra vị nào chưa từng thất bại. Alex Ferguson suýt rớt hạng trong những năm đầu dẫn dắt M.U, thất bại nhiều đến nỗi chính ông thừa nhận: trong thời buổi này, chắc chắn ông đã sớm bị sa thải, nghĩa là sự nghiệp hào hùng gồm 27 năm của Ferguson tại M.U có thể đã không tồn tại. Jose Mourinho bị tống khứ khỏi Stamford Bridge trước khi đem về cho Inter “cú ăn ba”.
Nói chung, ông không chỉ bị sa thải nhiều lần. Từ xưa, Mourinho đã biết rõ cảm giác “lúc nhục lúc vinh” của nghề huấn luyện. Đúng lúc gia đình quây quần bên bàn tiệc Giáng sinh thì chuông điện thoại reo vang. Bố ông bốc máy và nghe kết quả: bị CLB sa thải. Mourinho luôn chuẩn bị để sẵn sàng với hoàn cảnh thất bại và cảm giác bị sa thải từ giây phút ấy.
VIDEO: Những thất bại cay đắng trong sự nghiệp của Pep Guardiola |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Pep Guardiola chưa bao giờ thất bại, dù ông đã bước vào nghề huấn luyện từ năm 2008 (huấn luyện đỉnh cao, chứ khoan nói loại hình bóng đá trẻ). Gần chục năm chứ đâu phải ít! Đấy là trường hợp hy hữu. Tài năng của Pep, người ta đã phải công nhận từ lâu. Triết lý của ông, dù nhiều đến mấy, dù các thành phần liên quan có phải ngán ngẩm đến mấy, cũng ít ai dám... bật lại.
Rõ ràng là vì danh tiếng của ông, vì những thành công cụ thể của ông. Khi Pep nói, tất cả phải nghe - dù đã có cầu thủ Manchester City (giấu tên) thú nhận là anh nghe nhưng không hiểu gì. Vậy thì, hệ quả rõ ràng: Pep chưa bao giờ phải nghe người khác - muốn cũng chẳng có dịp. Việc của ông là nói, là rao giảng. Một hệ quả khác: ông có một lỗ hổng kinh nghiệm quá lớn: kinh nghiệm của kẻ thất bại.
Dù là Lionel Messi đi nữa (Cristiano Ronaldo vẫn chưa bằng nhé, ví dụ so sánh thành tích đoạt Quả bóng vàng), cũng đã nhiều lần làm quen với cảm giác thất bại. Hồi Messi sút hỏng phạt đền và Barcelona bị Chelsea loại ra khỏi Champions League mùa 2011/12 một cách tức tưởi, người ta viết: “Messi không phải là thánh”.
Riết rồi câu ấy trở nên quen thuộc. Bình luận viên nói thế mỗi khi Messi chuyền hỏng. Báo chí viết thế sau mỗi trận Messi thi đấu mờ nhạt. Messi còn thất bại đau đớn đến mức từng phải tuyên bố chia tay ĐT Argentina. So với học trò cũ, hóa ra Pep vẫn còn thua, về cái “vốn sống” rất quan trọng mà chúng ta đang bàn.
Hãy xem người ta nói gì về thất bại của Pep trong thời điểm hiện thời. Ông không có cầu thủ thích hợp với triết lý của mình! Ơ hay? Hóa ra Pep không biết cầu thủ Manchester City cụ thể gồm những ai, trước khi nhận việc? Hoặc ông biết, nhưng lại chẳng biết họ không thích hợp với ông? Giống như người ta yêu nhau say đắm, đến khi chia tay lại bảo vì không hiểu nhau (còn trước đó có hiểu hay không mà vẫn cứ yêu, lại là chuyện khác)! Cái cách Pep đang được đối xử cũng đã cho thấy ông chưa hề nếm mùi cay đắng - nói gì đến chuyện rút ra kinh nghiệm sống còn!
Thất bại là mẹ thành công. Pep xưa nay luôn thành công. Nhưng chính vì thế, ông lại thiếu hẳn cái còn quý hơn cả thành công - đó là “mẹ của thành công”.