Đội tuyển Anh sau khi thất bại trước Croatia bằng bàn thắng của Mario Mandzukic ở hiệp phụ, đã không bị báo chí Anh vùi dập như mọi khi. “Tự hào” là từ được dùng nhiều nhất trên các báo. Đội tuyển Anh trẻ bậc nhất lịch sử World Cup lấy được cảm xúc của khán giả nhà, dù vào giải với sự hoài nghi. HLV Gareth Southgate đã được dựng lên như một người hùng giải cứu lối chơi đang bế tắc của các đời đội tuyển. Bao trùm các trang báo là hình ảnh các cầu thủ gục xuống, khuôn mặt thất vọng; rồi bước chân tập tễnh và đôi mắt nhỏ lệ của Kierran Trippier, người phải rời sân những phút cuối vì chấn thương háng. Trận tranh giải ba có lẽ không có trong tiềm thức của người Anh.
Điều này trái ngược với ĐT Bỉ. Sự cay cú hiện rõ qua các lời phát biểu của Eden Hazard và Thibaut Courtois, sau trận thua 0-1 trước Pháp ở bán kết, với bàn thắng duy nhất từ đánh đầu của trung vệ Umtiti. Hazard: “Tôi thà thua với một đội Bỉ thế này còn hơn thắng với lối chơi như của người Pháp”. Courtois: “Pháp được hưởng một quả phạt góc, và sau quả đó họ không làm gì khác ngoài phòng ngự. Tôi thà thua ở tứ kết trước một đội muốn đá bóng như Brazil, còn hơn thua ở bán kết trước một đối thủ như vậy. Pháp là một đội bóng phản bóng đá”.
Người Bỉ cũng tiếc, nhưng cay cú. Người Anh dù thua đau đớn ở những phút cuối hiệp phụ, dường như đã cảm thấy “đủ”, sau một kỳ World Cup không được kỳ vọng nhiều. Bỉ thì khác. Đội hình ngôi sao của họ mạnh không kém bất cứ đối thủ nào ở giải đấu này. Họ thậm chí áp đảo Pháp ở những phút cuối trận bán kết 1, và nếu Hugo Lloris không xuất sắc, Hazard và các đồng đội đã có thể gỡ hòa. Chính vì vậy, người Bỉ cay cú chứ không tỏ ra buông xuôi như Anh. Họ không gục mặt đau đớn xuống sân như những cầu thủ Anh. Ít ra, hình ảnh thể hiện trên sân cho chúng ta cảm nhận như vậy.
Các cầu thủ Anh đổ gục sau trận thua Croatia tại bán kết rạng sáng qua
Trận tranh giải ba thường là một trận đấu rất cởi mở. Các trận tranh giải ba World Cup trong quá khứ hiếm khi có ít hơn 3 bàn thắng. Nếu bung sức, kể cả khi gạt bỏ những yếu tố cảm xúc, Bỉ cũng có nhiều lợi thế hơn hẳn Anh. Về lực lượng: Họ mạnh hơn. Về ngày nghỉ: Họ nhiều hơn 1 ngày. Về kinh nghiệm thi đấu, đẳng cấp, các ngôi sao, lối chơi… Bỉ đều nhỉnh hơn Anh. Tam sư có lẽ chỉ mạnh hơn Bỉ ở các pha bóng chết, mà điều này thì quá ít ở một trận đấu kiểu này. Trận đấu với Croatia cho thấy, các pha bóng cố định của Anh đã đến ngưỡng, các đối thủ đã có thể bắt bài.
Tại World Cup 1990, Anh cũng dự trận tranh giải ba. Sau khi thua Đức tức tưởi ở bán kết trên chấm luân lưu (hòa 1-1 sau 120 phút), Anh thua tiếp chủ nhà Italia ở trận tranh hạng ba. Người ta sẽ còn nhớ mãi trận bán kết với Đức, như hình ảnh tiêu biểu của sự vô duyên và kém cỏi của Anh trong những thời điểm quyết định, mà dường như ít ai nhớ đến trận tranh hạng ba với Italia. Hình ảnh còn đọng lại đã diễn ra ở bán kết mất rồi: Những giọt nước mắt của Paul Gascoigne.
Trận tranh hạng ba luôn có trên 2 bàn Các trận tranh hạng ba World Cup trong suốt 66 năm qua luôn có ít nhất 3 bàn thắng. Cụ thể, trận tranh hạng ba gần nhất có ít hơn 3 bàn thắng là ở World Cup 1974, khi Brazil chỉ thắng Ba Lan 1-0. Kể từ World Cup 1978, các trận tranh hạng ba luôn có tối thiểu 3 bàn. Trận nhiều bàn thắng nhất trong thời gian này là Bỉ thua Pháp 2-4 tại Mexico 1986. |